1. Mì Quảng
mì quảng là món ăn đặc trưng của vùng đất Quảng Nam - Đà Nẵng. Cũng như phở, bún, mì Quảng cũng được chế biến từ gạo nhưng có hương vị và hình thức khác. Để làm mì, người ta dùng gạo còn nguyên vỏ cám, đem ngâm rồi xay tay. Bột xay được tráng thành bánh, cắt nhỏ bằng dao rất điệu nghệ. Hiện nay người bán dùng máy cắt bánh nhanh và vệ sinh hơn. Trong quá trình tráng rồi chấn mì, người ta bôi thêm dầu phụng (dầu lạc) để khỏi dính, vì vậy khi ăn có mùi dầu phụng rất béo.
Mì Quảng là món ăn nổi tiếng của xứ quảng mà không ai không biết. Ảnh: Khánh Hòa. |
Nước lèo của món này được nấu từ xương lợn, thịt gà, tôm, cá lóc... hoặc có thể là những sản vật riêng có ở từng vùng quê miền Trung. Nước lèo phải sánh và bạn đừng ngạc nhiên khi không thấy nước như các món mì khác. Nước dùng của mì Quảng rất ít chỉ đủ thấm và quyện vào từng sợi mì và làm mềm những món rau ăn kèm, đó là yêu cầu của người sành ăn mì Quảng.
Bánh tráng (bánh đa) là nguyên liệu không thể thiếu khi ăn món này. Bánh tráng phải nhất thiết là bánh tráng gạo có rắc vừng. Cùng với đó là các loại rau như xà lách, bắp chuối, diếp cá, rau húng, rau quế, rau cải, hành, mùi và một trái ớt sừng, những nguyên liệu đó hòa quyện vào nhau làm tăng thêm hương vị của tô mì Quảng.
Màu vàng óng ánh của sợi mì, chút đỏ của thịt gà kho, thịt heo hay vài con tôm đất... sắc trắng của miếng bánh tráng mè giòn rụm, sắc vàng nhẹ của lạc rang nhỏ, sắc xanh của các loại rau sống, rau thơm và một trái ớt sừng màu xanh chỉ riêng có ở Quảng Nam, tất cả hòa quyện vào nhau, tạo cho tô mì như một bức tranh đầy màu sắc được dọn ra trước mặt thực khách.
2. Cao lầu
Có hình thức giống với mì Quảng nhưng cao lầu là một món ăn có nhiều nét đặc trưng riêng biệt. Khác với những món ăn khác có thể biến tấu với nhiều nguyên liệu ăn kèm, cao lầu chỉ "chung thủy" với một công thức duy nhất đó là sợi mì, thịt lợn, rau sống và ít nước dùng.
Chỉ là một món ăn bình dân, nhưng cao lầu xứ Quảng đã trở thành món ăn đặc sản mà ai cũng muốn thưởng thức khi đến Hội An. Ảnh: Khánh Hòa. |
Cao lầu có sợi mì được làm từ bột gạo nhưng cách chế biến của nó thì phức tạp hơn rất nhiều. Bột gạo sau khi xay được ngâm chung với tro, theo lời của người dân Hội An, tro ở đây nhất thiết phải là loại tro được đốt từ một loại cây sống ở Cù Lao Chàm, có như vậy sợi cao lầu mới có hương vị thơm ngon rất riêng. Vì ngâm chung với nước tro nên những sợi mì có màu sậm, hơi đục, ăn vào dai và cứng hơn sợi mì Quảng.
Một bát cao lầu đầy đủ gồm có sợi mì tươi, một ít sợi mì khô chiên giòn, thịt lợn thái lát và ít nước dùng. Nước dùng của cao lầu chính là nước tiết ra từ thịt lợn tẩm ướp gia vị, đun trên bếp, nước dùng có vị hơi ngọt, đậm đà và thơm ngon. Không như những món ăn của miền Trung khi ăn kèm với rất nhiều loại rau, đĩa rau sống của cao lầu đơn giản với cải non và rau đắng.
Ngoài hai món ăn kể trên, còn rất nhiều món ngon khác của xứ Quảng có mặt tại Sài Gòn như: bánh rò, bún cá ngừ, don xúc bánh tráng, bánh đập... Muốn thưởng thức hương vị của ẩm thực xứ quảng , bạn có thể ghé đến quán Fai Fo - Lê Thị Hồng Gấm (quận 1); quán Hội Quảng - Phan Xích Long (quận Phú Nhuận); quán Đo Đo - Lương Hữu Khánh (quận 1).
Khánh Hòa