Tổ chức Kỷ lục Châu Á thông báo, 8 đặc sản quà tặng Việt Nam vừa được xác lập là kỷ lục Châu Á mới vào ngày 29/10. Các đặc sản này nằm trong hành trình quảng bá món ăn của Việt Nam do Tổ chức Kỷ lục Việt Nam đề cử lên Tổ chức Kỷ lục Châu Á.
Bánh đậu xanh Hải Dương
Bánh đậu xanh Hải Dương là một loại bánh ngọt truyền thống là từ bột đậu xanh quyết nhuyễn với đường và dầu ăn hoặc mỡ heo ra đời từ những năm đầu của thế kỷ 20.
Bánh được cắt thành các hình khối lập phương nhỏ, hoặc hình tròn... có màu sắc vàng tươi, mịn và thơm nức. Mỗi khi thưởng thức, bỏ từng miếng bánh đậu xanh vào trong miệng bạn có thể cảm nhận được những tinh túy của đất trời, hương thơm của bánh đang tan dần trong miệng mà dư âm của nó vẫn còn phảng phất mãi không thôi.
Có nhiều nơi cũng làm bánh đậu xanh nhưng bánh được sản xuất từ Hải Dương là hương vị đặc trưng nhất khiến say mê biết bao người (Ảnh: Internet)
Bánh đậu xanh ngon nhất khi được thưởng thức cùng với trà xanh. Vị hơi chan chát của trà sẽ cân bằng vị ngọt đậm đà của bánh. Hai vị đối nghịch đó cứ quyện vào nhau tạo ra một cảm giác vô cùng thú vị cho người thưởng thức.
Có nhiều nơi cũng làm bánh đậu xanh nhưng bánh được sản xuất từ Hải Dương là hương vị đặc trưng nhất khiến say mê biết bao người. Chẳng thế mà bánh đậu xanh nơi đây đã trở thành một thứ quà tặng đầy ý nghĩa của hầu hết các hành khách đặt chân đến mảnh đất này và trong cả trong những dịp lễ, Tết truyền thống của dân tộc.
Chè Thái Nguyên
Cũng giống như bánh đậu xanh, chè được trồng và sản xuất ở khá nhiều nơi nhưng chỉ ở Thái Nguyên mới cho thứ chè ngon nhất. Không phải ngẫu nhiên chè Thái Nguyên lại được bình chọn là đặc sản quà tặng của Châu Á.
Thái Nguyên là nơi sản sinh ra loại chè thơm ngon, nổi tiếng nhất ở Việt Nam (Ảnh: Internet)
Để có một thứ chè thơm ngon, thì người Thái Nguyên đã có cả một thời gian dài xây dựng thương hiệu về chất lượng chè. Ngoài công nghệ sản xuất chè có những bí quyết riêng thì có lẽ Thái Nguyên đã được thiên nhiên ban cho một đặc ân tuyệt vời đó là vị trí địa lý nằm dưới chân núi Tam Đảo, khí hậu mát mẻ trong lành, nguồn nước tinh khiết từ núi cao chảy xuống. Chính vì thế, những ly nước chè trong xanh, thơm nức cứ vương vấn quẩn quanh người uống chính là sự kết tinh của thiên nhiên và sự cần cù lao động của con người.
Những ly nước chè trong xanh, thơm nức cứ vương vấn quẩn quanh người uống chính là sự kết tinh của thiên nhiên và sự cần cù lao động của con người (Ảnh: Internet)
Vì thế, chẳng lấy gì làm lạ về sự nức tiếng khắp nơi từ Bắc vào Nam, trở thành một thứ quà tặng trong mỗi chuyến đi chơi, các lần đi công tác hay trong các dịp Tết đến, xuân về của chè Thái.
Quế Trà Bồng
Nếu ai đó đã một lần nghe bài hát Hương quế Trà Bồng hẳn không quên câu ca giản dị nhưng có thể nói lên tất cả:
“Anh đi qua Việt Bắc nhớ hoa hồi biên giới
Anh đi tới miền trung thoáng hương trầm xứ Nghệ
Anh đi vô Đồng Tháp có hương sen thơm ngát
Anh vẫn không quên hương quế! Hương quế Trà Bồng”
Mỗi mảnh đất đều sinh ra một thứ đặc sản để ban tặng cho con người và ở Trà Bồng, Quảng Ngãi thứ đặc sản ấy chính là cây quế. Nhiều người tự hỏi, quế nào chẳng thơm, chẳng cay cay, ngọt ngọt… nhưng có thể họ còn chưa biết rằng, so với các vùng khác, quế Trà Bồng vì có mùi hương đặc biệt, chứa lượng tinh dầu cao hơn nhiều nên được ưa chuộng.
Hương quế Trà Bồng níu hồn lữ khách (Ảnh: Internet)
Cây quế Trà Bồng không chỉ thị trường trong nước mà cả thị trường ở nhiều nước trên thế giới ưa chuộng như: Trung Quốc, Pháp, Ấn Độ, Hàn Quốc... Hiện nay, tinh dầu quế và các mặt hàng mỹ nghệ được sản xuất từ vỏ quế như bình, chén, hộp đựng trà; tăm, nhang… được tiêu thụ khá mạnh. Ngoài việc được thiên nhiên ưu đãi cho vùng đất này những đặc tính riêng để cho ra đời một loại quế nổi tiếng mà trong việc chọn giống, ươm trồng cũng như chăm sóc cây được người bản địa tiến hành rất công phu, tỉ mỉ.
Sâm Ngọc Linh (Kon Tum)
Được sinh ra ở núi rừng Ngọc Linh với độ cao từ 1.200 – 2.100m, sâm Ngọc Linh có những đặc tính rất riêng biệt để tạo nên giá trị của nó. Trong khoảng độ cao này sâm Ngọc Linh mọc dày thành đám dưới tán rừng dọc theo các suối ẩm trên đất nhiều mùn.
Trước khi được các nhà khoa học phát hiện ta, được biết rằng, sâm Ngọc Linh đã được các đồng bào dân tộc thiểu số Trung Trung bộ Việt Nam, đặc biệt là dân tộc Xê Đăng, sử dụng như một loại củ rừng, mà họ gọi là củ ngải rọm con hay cây thuốc giấu, chữa nhiều loại bệnh theo các phương thuốc cổ truyền.
Sâm Ngọc Linh có nhiều tác dụng với sức khỏe con người (Ảnh: Internet)
Mọc dưới tán rừng ẩm, nhiều mùn, thích hợp với nhiệt độ ban ngày từ 20-25 độ C, ban đêm 15-18 độ C, sâm Ngọc Linh có thể sống rất lâu, thậm chí trên 100 năm, sinh trưởng khá chậm. Bộ phận dùng làm thuốc chủ yếu là thân rễ, củ và ngoài ra cũng có thể dùng lá và rễ con.
Theo tiến sĩ Nguyễn Bá Hoạt, phó viện trưởng Viện Dược liệu Việt Nam, những kết quả nghiên cứu dược lý thực nghiệm sâm Ngọc Linh đã chứng minh tác dụng chống stress vật lý, stress tâm lý và trầm cảm, kích thích hệ miễn dịch, chống ôxi hóa, lão hóa, phòng chống ung thư, bảo vệ tế bào gan… ngoài ra còn nhiều tác dụng khác có lợi cho sức khỏe nữa. Chính vì thế mà món quà tặng của núi rừng này đã trở nên quý hiếm và biến thành quà tặng đầy giá trị mà không phải ai cũng tìm mua được.
Cà phê Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk)
Cà phê là thứ đồ uống không chỉ ở Việt Nam mà khắp nơi trên thế giới ưa chuộng bởi sự thơm ngon, hấp dẫn và bởi một chút kích thích làm hưng phấn thần kinh cho những ai thưởng thức.
Những trái cà phê Buôn Ma Thuột chín chuẩn bị được thu hoạch (Ảnh: Internet)
Những quả cà phê chín thật hấp dẫn và hút mắt (Ảnh: Internet)
Ở Việt Nam, cà phê Buôn Ma Thuột là một trong những thương hiệu nổi tiếng nhất, được trồng trên cao nguyên Buôn Ma Thuột, một cao nguyên thuộc vùng Tây Nguyên Việt Nam. Với số lượng sản xuất lớn và hương vị đặc trưng ít nơi nào sánh được mà Buôn Ma Thuột hay được ví như một "thủ phủ cà phê". Cây cà phê chiếm giữ một vị trí độc tôn, không loại cây trồng nào sánh được trên cao nguyên đất đỏ bazan này. Và nó cũng góp phần đưa Việt Nam lên vị trí số 2 của những quốc gia xuất khẩu cà phê trên thế giới.
Cà phê Buôn Ma Thuột mang hương vị đặc trưng ít nơi nào sánh được (Ảnh: Internet)
Nếu đến Tây Nguyên và đặt chân trên mảnh đất Buôn Mê Thuột này, trước tiên hãy tận hưởng những giọt cà phê đăng đắng, thơm lừng nguyên chất để cảm nhận được hương sắc núi rừng này nhé!
Bánh tráng phơi sương Trảng Bàng (Tây Ninh)
Bánh tráng phơi sương là loại bánh tráng đặc sản ở huyện Trảng Bàng - Tây Ninh. Bánh dẻo, có vị mặn, có dạng hình tròn tương tự với các loại bánh tráng khác nhưng có màu trắng đục hơn và lấm tấm những hạt bong bóng nổi trên mặt bánh, có thể sử dụng trực tiếp không cần phải nhúng nước hay nướng giòn.
Việc chọn nguyên liệu cũng như nướng bánh là những công đoạn quan trọng nhất tạo nên màu sắc đặc trưng của bánh tráng phơi sương. Bánh tráng sau khi nướng xong được xếp lên giàn và chờ đến sáng hôm sau chờ đến lúc sương xuống thì đem bánh ra phơi, và chỉ phơi bánh trong khoảng thời gian ngắn, nếu phơi lâu bánh sẽ bị mềm và ẩm ướt và không ngon. Đây là công đoạn quyết định thành công của bánh tráng, vì thế đòi hỏi người làm bánh phải có chút công phu và chịu khó.
Bánh tráng Trảng Bàng mang hồn của xứ nắng Tây Ninh (Ảnh: Internet)
Người phơi bánh phải “thức” cùng bánh, đợi bánh vừa thấm sương đủ mềm là xếp lại ngay bỏ vào trong bao, lót lá chuối để giữ độ mềm, xốp. Bánh tráng phơi sương không giữ được lâu và phải dùng ngay trong khoảng 1 tuần. Thế mới biết, để trở thành một thương hiệu riêng, một đặc sản mà chỉ cần nhắc đến thôi bao nhiêu người phải tấm tắc thật chẳng đơn giản chút nào.
Bánh phồng sữa dừa (Bến Tre)
Nhắc đến Bến Tre là nhắc đến các sản phẩm đa dạng làm từ cây dừa của xứ này: bánh phồng, kẹo dừa, các loại sản phẩm thủ công và hàng gia dụng làm từ cây dừa. Món bánh phồng làm từ bột nếp, đường, sữa, nước cốt dừa. Chiếc bánh phồng sữa dừa làm xong thơm lừng, ăn vừa ngọt, vừa giòn, lại bùi bùi, béo béo, là một món quà ngon khó cưỡng lại.
Bánh phồng sữa dừa mang đậm hương vị miền sông nước Bến Tre (Ảnh: Internet)
Du khách khi đến đây lúc ra về đều mua bánh phồng để làm quà cho người thân, bạn bè. Có lẽ những chiếc bánh này “chở” trong nó “hương vị” nắng gió của miền sông nước mà du khách cũng như người thân, bạn bè không thể tìm thấy được ở nơi nào khác.
Tiêu Phú Quốc (Kiên Giang)
Phú Quốc nổi tiếng với nhiều món đặc sản thơm ngon mà chẳng phải nơi nào cũng có được, trong đó có tiêu. Bước chân vào vườn tiêu Phú Quốc, du khách sẽ không khỏi trầm trồ khi ngắm nhìn những chùm tiêu chín đỏ trên cây. Tiêu ra trái từng chùm và được hái xuống đựng trong cần xé lớn, đổ ra phơi khô dưới nắng. Trái tiêu từ màu đỏ ối đổi sang màu đen đậm. Tiêu được phơi ít nhất mười hôm rồi mới sàng sẩy cho sạch bụi.
Bước chân vào vườn tiêu Phú Quốc, du khách sẽ không khỏi trầm trồ khi ngắm nhìn những chùm tiêu chín đỏ trên cây (Ảnh: Internet)
Hồ tiêu Phú Quốc có vị thơm và cay nồng, và đặc biệt là đậm vị hơn nhiều loại hồ tiêu đến từ những vùng miền khác, trong đó phải kể đến tiêu đỏ (tiêu chín). Sự thơm ngon và giá trị kinh tế lớn của hồ tiêu Phú Quốc đã góp phần biến huyện đảo này thành Đảo Ngọc của Việt Nam.
Hồ tiêu Phú Quốc có vị thơm và cay nồng, và đặc biệt là đậm vị hơn nhiều loại hồ tiêu đến từ những vùng miền khác (Ảnh: Internet)
Tiêu Phú Quốc hiện đã có mặt trên 30 nước trên thế giới và nó xứng đáng được lọt vào danh sách đặc sản quà tặng của Châu Á.