Người Mỹ lại khác, họ tổ chức bữa tiệc đứng ngay tại sân vườn, một lò nướng lớn ở giữa những cành thông xanh lấp lánh. Sườn nướng là món chủ đạo. Họ cùng nhảy với nhau, chúc mừng và cùng thưởng thức đợi giây phút Chúa giáng sinh.
Noel không phải là lễ hội truyền thống của Việt Nam, mà chỉ có ở những cộng đồng nhỏ những người theo đạo. Tuy nhiên họ cũng không tổ chức đêm Noel theo kiểu tây, hay kiểu Mỹ. Đêm Giáng sinh cũng có cây thông, cũng có hộp quà, cũng hang đá lấp lánh nhưng những bữa tiệc lại mang tính chất tổng hợp "kiểu ta".
Thường tiệc Noel của người Việt có hai loại: tiệc mặn và tiệc ngọt. Thực đơn của tiệc mặn thường thấy nhất là: gỏi, xúp và cuối cùng là món nướng. Đây đều là những thứ hợp khẩu vị của người Việt Nam, vừa ngon lại rất dễ chế biến. Tuy nhiên, một bữa tiệc được xem là thành công phải biết thực hiện đúng cách, đúng món và đúng trình tự. Nếu như bắt đầu với món gỏi hải sản (tôm, mực,…), thì món thứ hai nên là món xúp (thịt, gà xé…) và cuối cùng là món nướng (lợn, bò, thỏ,…).
Đơn giản hơn, một số gia đình tổ chức tiệc ngọt, vẫn là các loại bánh Noel truyền thống phương Tây như buche chocolate, buche vani có dáng khúc cây khô, được cuốn bên trong là bánh bông lan, kem sữa, ngoài có lớp chocolate màu nâu gồ ghề. Tất cả là biểu tượng của mùa đông, của Giáng sinh. Người Việt Nam còn có thêm bánh buche kem sữa tươi. Theo cách của người Việt, trên ổ bánh hình tròn hoặc hình vuông, người ta còn trang trí thêm: ông già Noel, thiên thần, chuông, cây thông xanh, dòng sông băng, ngôi nhà… thể hiện sự thiêng liêng, ấm áp. Ngoài ra, người ta còn dùng thêm các loại bánh ngọt như: bánh mì, cookies chocolate…
Những bữa tiệc của người Việt cũng như người Âu, Mỹ đều kết thúc khi đến giờ “Chúa sinh ra đời”.
(Theo Sài Gòn Tiếp Thị)