Làm bánh neng nóc đòi hỏi phải có một bàn tay khéo léo để rây bột cho đều, nếu không bột sẽ bị vón cục, vừa không đẹp, vừa ăn không ngon. Nguyên liệu để làm bánh gồm có bột gạo, đường mè (còn gọi là rừng), mứt bí, mỡ (dầu ăn) và mầu tự nhiên của nghệ, lá dứa, lá cẩm. Trước tiên bột được nhồi bằng nước nóng xong đập thành sợi mành (dùng tay đập, người Kinh gọi là nhào), sau đó bằng những ngón tay khéo léo, bột được rây trên chảo nóng có tráng mỡ và dần được định hình giống như tổ yến.
Bí quyết để làm bánh này là phải dùng lửa hợp lý, nếu không bánh sẽ bị khét và kỹ thuật xếp thành bánh đòi hỏi phải có sự khéo léo. Người ta cho nhân bánh là mứt bí đã được xào trước với đường, mè vào giữa rồi nhẹ nhàng xếp lại. Bánh tổ yến khi ăn nóng sẽ giòn và nổi mùi thơm hơn là để nguội mới ăn. Theo lời kể của những người lớn tuổi bánh neng nóc đã có từ lâu lắm rồi và được các bà cố trong phum, sóc truyền lại cho con cháu. Bánh chỉ xuất hiện trong các dịp lễ hội của người Kh'mer với hàm ý biết ơn trời đất cho mưa thuận gió hòa đồng thời mong muốn có được niềm vui gia quyến đoàn tụ.
Bánh dây hay còn gọi là bánh dứa cũng là loại bánh đặc trưng của đồng bào Kh'mer dùng trong các dịp lễ hội với ý nghĩa tạ ơn trời đất giống như chiếc bánh neng nóc. Chính vì thế cách làm bánh dây cũng gần giống bánh neng nóc, chỉ khác ở chỗ được làm từ bột nếp và hình thức của vỏ bánh đơn giản hơn. Bột nếp đã xay, được nhồi thật nhuyễn, dùng rỗ rây nhỏ bột đều trên chảo nóng đã tráng qua lớp mỡ. Nhân bánh có thêm dừa xào với mứt bí, đường, mè cho ngấm, rải đều lên trên lớp vỏ trong chảo và gấp bột bánh lại là đã có một chiếc bánh ngon.
Bánh dây là một loại bánh dân gian được làm đơn giản hơn bánh tổ yến, nên nhiều người Kh'mer còn dùng nó trong sinh hoạt hằng ngày và làm bán mời khách du lịch thưởng thức một món ăn cổ truyền của người Việt Nam mang đậm phong cách dân tộc Kh'mer Nam Bộ.
(Theo Văn Hoá Nghệ Thuật Ăn Uống)