Khi mũ đã gần khô lại dùng tay sửa cho đều một lần nữa. Bạn yên tâm đi, khi khô mũ sẽ không bị biến dạng đâu.
Với mũ da lông đã quá bẩn do cả tháng nay bạn không có thời gian rỗi, bạn chỉ cần dùng vải tẩm xăng rồi lau theo chiều của lông. Chỉ sau một vài động tác, bạn đã có chiếc mũ mới như vừa mua xong. Muốn chiếc mũ dệt kim của con bạn được nhanh khô, sau khi giặt xong bạn nhớ nhét đầy giấy báo đã được vò nhàu cùng với nắm vải vào bên trong rồi mới đem phơi. Điều đó còn giúp giữ dáng của mũ tốt hơn.
Nếu giặt nhiều, áo len sẽ nhanh bị dão, không còn độ bền như ý muốn. Hãy chịu khó làm sạch áo len sau mỗi lần mặc bằng cách phủ một tấm khăn ẩm lên trên và dùng một cái gậy đập nhẹ. Nhưng bạn phải đảm bảo là mặt phẳng bạn đặt lên phải thật sạch đấy nhé. Thử hình dung nếu bạn đặt lên mặt ghế hay mặt đệm thật bẩn để đập bụi áo len thì có thể áo len của bạn sẽ làm bẩn cả mặt ghế hay đệm. Còn cách phơi áo len khô dưới nắng rồi đập hoặc phủ lên trên áo len một tấm khăn khô rồi đập, cả hai đều không có tác dụng.
Để giữ độ bền cho áo len, quần len, khăn len, cách tốt nhất là nên dùng nước gội đầu hoặc nước bồ kết đóng gói sẵn để giặt. Không giặt bằng nước rửa bát vì nước rửa bát có tính tẩy quá mạnh nên rất hại cho áo len.
Để khắc phục tình trạng áo len bị sờn và sổ lông rồi bết bóng, nên lấy nước hòa với dấm theo tỷ lệ 50/50 sau đó phun lên chỗ len bị sờn và bóng rồi dùng vải sạch lau khô nhiều lần. Cái áo của bạn sẽ trở nên mới như trước, chẳng ai còn phát hiện ra khuỷu tay bị sờn nữa.
Nếu áo quần bằng nỉ, dạ của bạn bị bẩn, chỉ cần dùng khăn mặt ẩm đặt lên trên áo dạ rồi là, như thế những bụi bẩn sẽ bám hết vào khăn mặt. Bạn vừa là vừa giặt là khăn sẽ được một chiếc áo sạch sẽ như ý muốn. Nhớ là nếu treo áo lên rồi đập hoặc dùng bàn chải mềm phủi sạch, bụi bẩn sẽ không đi hết được đâu, như vậy vừa mất công, vừa mất thời gian.
Nếu muốn làm sạch tấm drap bị ố vàng, bạn nên bôi sữa tươi phơi khô, rồi giặt sạch. Không nên bôi nước muối hoặc nước xà phòng lên chỗ ố, phơi khô rồi giặt.
Thông thường sau khi giặt tã lót của trẻ em vẫn còn lưu lại một lượng amoniac và bột giặt mà mắt thường không nhìn thấy được. Do đặc tính sinh lý, làn da của trẻ rất mẫn cảm, chỉ với lượng hóa chất sót lại này cũng có thể gây viêm nhiễm, đau, ngứa. Vì vậy khi giặt, bạn nhớ nhỏ thêm vào nước giặt một vài giọt giấm ăn, các chất trên sẽ được khử sạch. Như vậy ta vừa tiết kiệm được bột giặt, nước, thời gian lại vừa bảo vệ được làn da cho trẻ.
(Theo Nhân Dân)