Món bánh đúc nộm thoạt đầu chỉ thấy trắng toát. Bánh đúc trắng vàng, nước chan trắng sữa, giá chần trắng đục - lạc giã cùng vài lát ớt kéo lại không đặng. Cho vào miệng có thể đọc được từng vị một: ngậy bùi của nước chan, ngậy nồng của bánh đúc thái nhỏ, ngậy hăng của giá…
Để ngậy khỏi thành ngấy, ăn kèm với kinh giới, đọt chuốt hay lá bạc hà… Chính các thức rau mới làm cho các vị kia hòa vào nhau một cách chí lí. Các bà các cô khen “ăn đến đâu mát đến đấy”. “Vừng lạc rang lên, xay cùng nước giá đỗ chần, trước xay bằng cối, giờ đã có máy sinh tố. Xay xong đem đun, để nguội cho vào can đem đi bán. Bánh đúc thái nhỏ, chan nước vừng lạc, ăn kèm rau sống, vị ngọt mát, béo ngậy.
Công đoạn nặng nhất trong chế biến món ăn này là quấy bột. Bột càng quánh, quấy càng mệt. Khi bột chín dẻo, quấy mới nhẹ. Không nhanh tay sẽ bị cháy. Xong một nồi bánh mất đến 2 tiếng. Một trong những bí kíp nằm ở vôi - thiếu vôi thì nát, thừa vôi thì nồng. Quấy bánh đến lúc sắp bắc ra mới cho nước muối, vừa để giữ ẩm vừa làm bánh thêm dẻo. Gạo phải là gạo cũ, nấu lên lúc nóng thì dẻo, lúc nguội rắn lại thì mới được. Các giống gạo thường dùng: Q5, Nông nghiệp 8, Mộc Tuyền…
(Theo Nhân Dân)