Dân làng Tây Đình, xã Tam Hợp (Bình Xuyên - Vĩnh Phúc) mỗi năm được ăn hai cái Tết lớn: Tết nguyên đán và Tết 12 tháng tám âm lịch, thường gọi là Tiệc làng. Những ngày này, ngoài cỗ bàn thịnh soạn, mọi nhà còn làm ra nhiều thứ bánh, trong đó bánh chưng vuông và bánh nắng dài là hai thứ bánh không thể thiếu trên các bàn thờ. Bởi ngoài tính âm dương giao hòa, hai loại bánh này còn mang ý nghĩa phồn thực.
Bánh nắng, ở đây gọi là bánh gio Tây Đình ngon có tiếng và hầu như các bà, các chị ở làng ai cũng biết làm bởi nguyên liệu luôn có sẵn tại vườn nhà. Bụi lá chít ở góc vườn, cây gai sương song ngoài bờ rào, tầm gửi cây dọc trên gò cao... Bí mật làm nên tấm bánh gio ở Tây Đình nằm trong khâu chọn nguyên liệu, cách ngâm gạo và thời điểm gói bánh, luộc bánh...
Gạo nếp thật ngon đem sàng sảy kỹ, chọn bỏ các hạt xấu và gạo tẻ lẫn vào. Vo gạo thật kỹ, thay nước nhiều lần, bao giờ thấy nước gạo thật trong mới thôi. Để gạo thật ráo nước rồi đem ngâm vào nước vôi trong chừng 2 giờ đồng hồ. Lại vớt ra đợi hạt gạo thật khô tơi mới đem ngâm vào nước nắng qua một đêm.
Cách làm nước gio ở đây cũng giống như các nơi khác nhưng nguyên liệu chỉ dùng gio than của ba loại cây: Tầm gửi cây dọc, thân lá cây vừng khô và thân cây sương song (cây gai nhể ốc).
Lá chít đem luộc thật kỹ và thay nước nhiều lần cho phai hết chất diệp lục. Mỗi chiếc bánh gio chỉ cần dùng 2 hoặc 3 chiếc lá chít. Gạo nếp đã ngâm nước nắng lên màu hổ phách được vớt lên cho ráo nước. Dùng muôi xúc gạo đó cho vào giữa lá chít đã rửa sạch lau khô, dàn gạo đều và dài ra, gói lại lăn tròn vấn bẻ hai đầu lá kín lại dùng lạt mềm buộc chặt. Mỗi cái bánh gio chỉ dài chừng hơn gang tay đường kính nhỉnh hơn ruột quả chuối tiêu nên chỉ cần luộc ba giờ đồng hồ bánh đã rền. Bánh để nguội bóc cắt ra từng khoanh, nhìn thấu qua trong suốt màu sáp ong đã thấy ngon, đem chấm cùng mật giọt càng hấp dẫn.
Trong quá trình làm bánh gio, việc kiêng kỵ nhất là tất cả từ nguyên liệu đến dụng cụ đều không để dính chút dầu mỡ nào. Vì vậy bánh gio ở đây thường được làm xong từ trước lễ tết vài ba ngày, trước khi mổ lợn, mổ gà... Chỉ bị dính "tí" dầu mỡ là ruột bánh sẽ không rền và liên kết để tạo nên độ dai và các hạt gạo sẽ không trong suốt nên chất lượng bánh giảm hẳn.
Người Tây Đình ít ai làm bánh gio đem bán mà chỉ làm để ăn Tết và biếu tặng họ hàng, bè bạn xa gần. Ai đã được ăn bánh gio Tây Đình đều nhớ mãi vì ngon hơn hẳn bánh ở các nơi về cả màu sắc và hương vị.
(Theo Văn Hoá Nghệ Thuật Ăn Uống)