Bình Định không chỉ nổi tiếng là một miền đất với nhiều môn võ cổ truyền mà còn được nhiều người biết đến với những bãi biển trong xanh, hút hồn bao du khách. Không chỉ có thế, đến Bình Định bạn còn được thưởng thức nhiều món ăn ngon, hấp dẫn, trong đó, thứ không thể bỏ qua là bánh hỏi - một món quà quen thuộc rất đỗi bình dị trong cuộc sống hàng ngày. Không chỉ phổ biến ở các vùng nông thôn, bánh hỏi cũng rất được yêu thích ở thành phố. Nhiều gia đình còn dùng bánh hỏi để ăn thay cơm hay đãi bạn mỗi dịp nhà có khách vốn được nhiều bà nội trợ lựa chọn.
Đến Bình Định bạn đừng bỏ qua món bánh hỏi nhé
Bánh hỏi được làm bằng bột gạo, là loại gạo tẻ ngon hoặc gạo thơm. Gạo được đãi kỹ để loại bỏ tạp chất và sau đó được ngâm bằng nước sạch qua một đêm. Lượng nước phải phù hợp với lượng gạo đem ngâm thì bột xay mới mịn và trắng. Sau công đoạn này, bột sẽ được nhồi và cho vào khuôn bánh hỏi. Khuôn được làm bằng đồng có dạng hình trụ hoặc chữ nhật với nhiều lỗ nhỏ. Bánh hỏi có ngon hay không phụ thuộc vào đường kính lỗ. Nếu lỗ quá lớn thì sợi bánh hỏi sẽ lớn và không đẹp. Cuối cùng là công đoạn hấp cách thuỷ bánh khoảng 3 phút trong nồi hấp. Bánh chín được vớt ra để nguội, dùng dầu lạc thoa lên mặt bánh để bánh không bị khô hay dính vào nhau.
Ở thành phố Quy Nhơn, bánh hỏi ăn với lòng heo và một bát cháo lòng nóng hổi, vốn là một trong số những món điểm tâm phổ biến và được nhiều người ưa chuộng (Ảnh: Internet)
Ở các chợ quê, bánh hỏi thường được để trong thúng lót sẵn lá chuối và đậy kín ở trên. Khi ăn, bánh mới được phết một lớp lá hành hoặc lá hẹ xanh thái nhỏ kèm với hành khô lên trên tùy theo sở thích của từng người. Miếng bánh hỏi trắng muốt ăn nóng vừa dai vừa dẻo, lại có mùi thơm của gạo và hành phi.
Bánh hỏi được người dân Bình Định rất ưa thích và thường ăn kèm với thịt heo luộc hoặc thịt heo quay. Ở thành phố Quy Nhơn, bánh hỏi ăn với lòng heo và một bát cháo lòng nóng hổi, vốn là một trong số những món điểm tâm phổ biến và được nhiều người ưa chuộng.
Bánh hỏi được người dân Bình Định rất ưa thích và thường ăn kèm với thịt heo luộc hoặc thịt heo quay (Ảnh: Interenet)
Cái ngon đậm đà của bánh hỏi lòng heo phải kể đến nước chấm. Người miền Trung luôn dùng nước chấm trong các bữa ăn. Mỗi món ăn phải dùng kèm với một loại nước chấm riêng để làm nổi bật được hương vị đặc trưng cho từng món. Bánh hỏi cũng không ngoại lệ. Nước chấm thường là mắm mộc nhĩ, nhìn sóng sánh đẹp mắt trong từng giọt nâu đượm. Khi ăn, vị mặn còn đọng lại nơi đầu lưỡi, hương thơm quyện trong vị the the của ớt thái sợi, chút tỏi giã nhuyễn và vài giọt nước cốt chanh trong vắt.
Nhấc đũa, miếng bánh ngập trong chén nước chấm đậm đà sẽ khiến bạn ngất ngây trong cái vị chua chua ngọt ngọt, vị thanh thanh nhẹ nhàng của từng sợi bánh trắng tinh, ráo rỏng. Đĩa lòng ăn kèm với bánh phải có đủ tim, gan, cật, phèo non và thịt ba chỉ. Lòng ngon phải thật giòn và ngọt. Thịt luộc không quá khô để khi ăn, thực khách có thể cảm nhận trọn vẹn được vị bùi béo mọng nước trong từng sớ thịt.
Khi ăn, bánh hỏi mới được phết một lớp lá hành hoặc lá hẹ xanh thái nhỏ kèm với hành khô lên trên tùy theo sở thích của từng người (Ảnh: Interenet)
Người Bình Định thích ăn kèm bánh hỏi với cháo. Thông thường, cháo được nấu loãng với thịt nạc băm, không quên thêm một chút tiêu và hành xanh. Khi ăn, bạn phải húp cháo sột soạt khi còn nghi ngút khói mới đúng điệu bánh hỏi cháo lòng. Thực khách vừa ăn vừa thăm hỏi lẫn nhau làm cho cuộc gặp mặt thêm phần rôm rả, thắm đượm nghĩa tình làng xóm. Bánh hỏi, một món ăn dân dã mà lại hấp dẫn lạ kì. Nếu có dịp đến miền thượng võ, bạn đừng quên nhắc tên bánh hỏi…