Giữa bộn bề cuộc sống, có những điều nhỏ bé lại trở thành chốn nương tựa tinh thần quý giá. Với chị Phượng Nguyễn (31 tuổi, sống tại Bắc Ninh), đó là những thùng quà quê đong đầy yêu thương từ bố mẹ chồng – khi là mớ rau xanh mướt, khi là con cá, con gà, lúc lại gói bánh thơm lừng hay rổ trứng gà quê còn vương mùi rơm rạ. Từ tình cảm ấy, căn bếp nhỏ của chị không chỉ là nơi nấu ăn, mà còn là nơi “chuyển hóa” sự quan tâm của gia đình thành những bữa cơm ấm cúng, đầy đủ và chan chứa yêu thương. Dù công việc bận rộn đến mấy, chị vẫn chọn cách vun vén tổ ấm bằng từng bữa ăn hàng ngày. Bởi với chị, nấu ăn không chỉ để no bụng, mà còn để gắn kết, để đáp lại tình cảm chân thành từ những người thân yêu bằng chính sự chăm chút và biết ơn.
Dù công việc bận rộn, thậm chí nhiều hôm phải tăng ca đến tối muộn, chị Phượng Nguyễn (31 tuổi, Bắc Ninh) vẫn không quên dành thời gian để chuẩn bị những bữa cơm tươm tất cho gia đình nhỏ. Với chị, vào bếp mỗi ngày không chỉ là thói quen mà còn là cách thể hiện sự quan tâm, yêu thương qua từng món ăn. Ngoài niềm đam mê nấu nướng, chị còn thích trồng cây, chăm chút không gian sống và lưu giữ những khoảnh khắc bình dị trong cuộc sống hàng ngày để chia sẻ cùng mọi người qua mạng xã hội.
Chị Phương Nguyễn rất thích nấu ăn.
Với chị Phượng, nấu ăn không chỉ là một phần của công việc nội trợ hay cách để giữ gìn hơi ấm gia đình, mà còn là niềm vui thực sự trong cuộc sống thường ngày. “Cảm giác sau một ngày đi làm, được vào bếp, rửa rau, xào nấu… như một cách để mình thư giãn, giảm stress và chăm sóc gia đình”, chị nói.
Tình yêu với việc nấu nướng được chị nuôi dưỡng từ những ngày còn nhỏ, khi thường xuyên quan sát và học hỏi từ bố, người mà chị luôn xem là đầu bếp giỏi và đầy sáng tạo. Những năm đại học chị vẫn thường nấu được các món ăn ngon nhờ sự chỉ dạy từ bố. Khi lập gia đình, niềm đam mê ấy tiếp tục được nuôi lớn nhờ sự ủng hộ của chồng con, sự quan tâm từ bố mẹ chồng và nguồn cảm hứng bất tận đến từ hội chị em mê bếp trên mạng xã hội.
Hiện tại, mỗi bữa ăn chị Phượng chuẩn bị dành cho ba người trong gia đình. Nhờ có thói quen đi chợ vào mỗi sáng Chủ nhật, sau đó sơ chế và trữ sẵn thực phẩm trong tủ lạnh, nên việc nấu nướng trong tuần diễn ra rất nhanh gọn. Khi cần vào bếp, mọi thứ gần như đã sẵn sàng để chế biến. Nhờ đó, trung bình mỗi bữa chị chỉ mất khoảng 30-45 phút để hoàn thành. “Những hôm nào rảnh hoặc đi làm về sớm thì mình chăm chút lâu hơn một chút, chế biến những món cầu kì hơn”, 9X kể.
Về chi phí, chị Phượng cho biết mình không tính toán cụ thể từng bữa ăn, nhưng trung bình mỗi mâm cơm gia đình gồm 2–3 món đơn giản sẽ dao động khoảng 100.000-150.000 đồng. Nếu có món cầu kỳ hơn thì chi phí cũng sẽ tăng lên đôi chút. Tuy vậy, chị cảm thấy rất may mắn khi gia đình thường xuyên nhận được thực phẩm quê do bố mẹ chồng gửi lên. Từ rau sạch, cá đồng đến gà, vịt, trứng… đều được gửi gắm đầy đủ, nhờ đó mà chi tiêu cho việc nấu nướng hàng ngày cũng nhẹ nhàng hơn rất nhiều.
Trong mỗi bữa ăn, chị Phượng luôn chú trọng lựa chọn nguyên liệu tươi sạch, giữ được hương vị tự nhiên của món ăn. Với chị, chất lượng thực phẩm là yếu tố quyết định sự ngon miệng và an toàn cho cả gia đình. Ngoài ra, chị cũng khéo léo cân đối khẩu vị của từng thành viên để ai cũng thấy vừa miệng, thoải mái khi thưởng thức. “Mỗi người trong nhà có khẩu vị khác nhau nên mình thường cân đối nấu sao cho phù hợp. Ví dụ chồng thích đồ ăn vừa có thể ăn vừa có thể nhậu thì mình sẽ cân đối các món trong 1 bữa sẽ có 1 món để chồng có thể nhậu tại gia”, 9X đảm đang tâm sự.
Để bữa cơm luôn phong phú và không bị lặp lại nhàm chán, chị Phượng thường lên thực đơn theo tuần và linh hoạt thay đổi món. Hôm nay có thể là món Bắc thân quen, mai lại thử hương vị miền Trung đậm đà, thỉnh thoảng xen kẽ vài món Hàn Quốc để cả nhà "đổi gió". Ngay cả với nguyên liệu quen thuộc như rau, chị cũng biến tấu đa dạng cách chế biến, hôm thì luộc, hôm xào tỏi, hôm lại nấu canh… Nhờ đó, mâm cơm hàng ngày luôn hấp dẫn, đủ vị mà không tạo cảm giác lặp lại.
Không chỉ giới hạn trong những bữa cơm thường ngày, chị Phượng còn thường xuyên đổi món với các món nước như bún, miến, phở để cả nhà thêm phần ngon miệng. Vào cuối tuần, căn bếp lại rộn ràng hơn khi chị mời anh chị em trong gia đình đến chơi và cùng thưởng thức những món ăn chị tự tay chuẩn bị. Thỉnh thoảng, chị cũng thích thử sức với các món mới như pizza, mì Ý, bánh xèo… như một cách làm mới trải nghiệm ẩm thực tại gia. “Dù không phải đầu bếp chuyên nghiệp, nhưng mình rất thích học hỏi và thử nghiệm món mới. Mỗi lần nấu được món gì ngon là cảm giác ‘đã’ lắm!”, chị nói.
Sự đảm đang, khéo léo và tình yêu với bếp núc giúp chị Phượng luôn nhận được lời khen từ những người thân yêu. Chồng chị thường nói vui: “Ăn quen cơm vợ nấu rồi, đi đâu ăn cũng thấy… thiếu thiếu”. Anh không chỉ khen ngon mà còn rất tâm lý, luôn nhẹ nhàng động viên: “Hôm nay mệt thì mình ăn đơn giản thôi em, không phải nấu cầu kỳ đâu!”. Nhờ những lời quan tâm như thế, chị càng có thêm động lực để duy trì bữa cơm gia đình mỗi ngày.
Cậu con trai nhỏ cũng không kém phần đáng yêu khi thường xuyên chấm điểm cho mẹ với câu nói quen thuộc: “Hôm nay cho mẹ 200 điểm nhé”. Chính sự yêu thương và trân trọng từ chồng con đã tiếp thêm cho chị niềm vui, cảm hứng để mỗi lần vào bếp không chỉ là nấu ăn, mà còn là vun đắp hạnh phúc.
Với chị Phượng, bữa cơm gia đình là nơi gắn kết, lắng nghe và thể hiện sự yêu thương không lời. Dù ngày có bận rộn đến đâu, chỉ cần ngồi ăn cùng nhau, nhìn mọi người ngon miệng, là bao nhiêu mệt mỏi tan biến.
Chị cũng luôn vui vẻ và biết ơn mỗi khi được bố mẹ chồng yêu thương và gửi thực phẩm cho. Đó không chỉ là những món quà thiết thực cho bữa cơm gia đình, mà còn là tình cảm chân thành được gói ghém từ quê nhà. Chị kể, có khi là thùng rau sạch tươi rói, khi thì con gà, con vịt, mớ cá đồng, lúc lại thêm vài chiếc bánh, rổ đậu, ít trứng quê… Tất cả đều được gửi gắm đầy đủ, chu đáo như một “tủ báu vật” từ xa. “Ban đầu mình thấy ‘trời ơi, nhiều quá biết nấu sao hết’, nhưng dần hiểu ra đó là cách bố mẹ thể hiện tình yêu và sự quan tâm. Còn mình thì đón nhận điều đó bằng cách nấu những món thật ngon từ chính những thứ bố mẹ gửi”, chị hạnh phúc nói.
Chị luôn thấy mình rất may mắn được bố mẹ chồng yêu thương, quan tâm như thế. 9X cho rằng, tình cảm là thứ “cho đi rồi sẽ nhận lại”. Bố mẹ chồng thương vì thấy chị sống chân thành, không ngại chia sẻ, luôn cố gắng vun vén cho gia đình nhỏ trong đó có con trai và cháu trai của ông bà.
“Chìa khóa yêu thương luôn nằm ở sự quan tâm chân thành. Nếu bố mẹ để ý từng bữa ăn, từng hộp quà gửi đi, thì mình cũng đáp lại bằng cách gọi điện hỏi han, gửi ảnh món ăn nấu từ đồ quê, hay đơn giản là dọn dẹp nhà cửa sạch sẽ, chăm lo cho chồng con thật tốt. Không cần làm gì to tát, chỉ cần đặt sự trân trọng vào từng điều nhỏ, thì tình cảm sẽ tự nhiên đong đầy”, chị khẳng định.