Tỉa cành tạo dáng cho quất. Ảnh: Xuân Thu |
Sau khi mua cành đào về, phải đốt gốc, đốt cành hay nhúng ngay vào chậu nước nóng già 70-80 độ C để các chất dinh dưỡng dự trữ nuôi hoa trong cành không thẩm thấu được ra ngoài... Thông thường sau khi các nụ hoa đã to bằng hạt đậu tương rồi, cành mới cạn kiệt chất và chết.
Còn với đào chơi thế, trước hết, phải chú ý khâu đánh cây, tránh làm cây bị đứt nhiều rễ và vỡ bầu. Khi cần mang đi xa, nên đánh cây và trồng cây vào chậu ngay từ trước đó 1-2 tháng, sẽ đảm bảo cây sống 100%.
Trong khi đó, với quất, phải chọn cây còn tơ. Trên thân chưa có các vết tròn đồng tâm loang lổ, là dấu tích của các tản địa y bám vào, chứng tỏ cây chưa già. Cây có bộ tán tròn đều, các chùm quả khoe đều về các phía. Lá phải to, xanh đậm và bóng. Quả đều, to căng mọng. Đa số các quả trên cây đã chín, nhưng còn các mảng hay các vân xanh, đây là loại quả mới chín, trưng bầy được lâu. Đẹp và chơi bền hơn nữa là những cây có nhiều lộc non, tươi, trên đó còn có đủ búp, quả non, hoa và nụ.
Khi mua quất, phải chọn cây còn bầu nguyên vẹn và đem trồng ngay vào chậu có miệng rộng hơn bầu, tạo khe hở cho để nhồi đất bột mà không làm ảnh hưởng tới vầng đất nguyên trong bầu. Trồng xong, phải tưới ẩm ngay và thường xuyên giữ ẩm. Trong quá trình trưng bày nên thường xuyên phun ướt lá bằng bình xịt. Ngày nắng nóng có thể phun tới hai lần. Nếu có điều kiện, cứ 5-6 ngày lại phun cho cây một lần phân bón lá có tỷ lệ P, K cao.
Các loại hoa như hải đường, cúc, thược dược, lay ơn... có nhiều lá. Để giúp cây tăng cường sự hút nước, chống cành hoa mau héo, người ta thường cắt vát chân cành nhằm tăng tiết diện tiếp xúc với nước. Tiếp đó, rửa sạch chân cành hằng ngày, cắt bỏ đoạn thối hỏng và cho thêm vào bình nước một số chất như acid borric, salicilic và hỗn hợp sinh tố B để cây thêm chất dinh dưỡng.
(Theo Nông nghiệp Việt Nam)