Bắt nguồn từ nền ẩm thực Trung Hoa, những món tiềm đã du nhập, dần được dân ta đón nhận và trở nên yêu thích. Tiềm là phương thức nấu thức ăn bằng cách hầm, qua hai hình thức cách thủy hoặc không cách thủy. Thông thường, món tiềm phải mất thời gian nấu từ ba đến tám tiếng, thậm chí có những món phải mất đến mười tiếng. Tuy nấu lâu nhưng thành phần dưỡng chất trong thịt, cá, hải sản, rau củ và dược liệu đều không bị thất thoát, lại còn hòa quyện với nhau làm cho nước tiềm trở nên đậm đà hương vị.
Trong số các món tiềm ngon phải kể đến món mì vịt tiềm. Món ăn tưởng chừng như phải chế biến công phu thế mà lại vô cùng đơn giản. Tham khảo cách làm mì vịt tiềm dưới đây nhé!
Nguyên liệu: (lượng nguyên liệu cho 3 khẩu phần)
- 500g thịt vịt (đùi hoặc ức)
- 300g xương heo
- 80g nấm đông cô
- 30g thảo mộc (hoa hồi, quế, đinh hương, cam thảo)
- 300g cải thìa
- Gia vị: 80ml nước tương; 40g bột nêm; 80g đường; 5g tiêu
- Gừng
- Rượu trắng
- Dầu ăn
- Mì trứng
Thực hiện:
Bước 1: Rửa sạch nấm đông cô và cải thìa. Cắt bỏ gốc nấm và chọn lấy phần gốc cải thìa.
Bước 2: Dùng rượu trắng và gừng để khử mùi của thịt vịt. Ướp vịt với 60ml nước tương, 20g bột nêm, 60g đường, 5g tiêu khoảng 15 phút.
Bước 3: Đặt một chiếc chảo lên bếp, cho một ít dầu vào, mở lửa lớn. Khi dầu nóng, nhẹ nhàng thả vịt vào chiên vàng lớp da.
Bước 4: Cắt lấy 4 – 5 lát gừng. Cho gừng cùng thảo mộc vào chảo rang nóng.
Bước 5: Rửa sạch xương heo, cho vào nồi nước đun sôi khoảng 5 phút để xương nhả bọt bẩn. Đem bỏ phần nước bẩn đó đi.
Bước 6: Đổ 1.5 lít nước sạch cùng gừng, thảo mộc vào nồi xương, đặt lên bếp hầm khoảng 45 phút.
Bước 7: Lược lấy nước dùng. Sử dụng phần nước dùng đó, tiếp tục hầm với thịt vịt, nấm đông cô khoảng 45 nữa, nêm thêm 20ml nước tương, 20g bột nêm, 20g đường rồi tắt bếp. Trong lúc nấu nước dùng, trụng sơ cải thìa khoảng 1 phút rồi vớt ra.
Bước 8: Trụng mì trứng qua nước sôi khoảng 2 phút để mì mềm. Dọn mì, cải thìa ra tô, dùng chung với mì vịt tiềm.
Chúc bạn và gia đình ngon miệng với cách làm mì vịt tiềm dễ ăn nhé!