Nấm tràm. Ảnh: Sài Gòn Tiếp Thị. |
Tuy không nhiều như ở Phú Quốc, nhưng nấm tràm cũng làm nên tên tuổi ẩm thực Hà Tiên (Kiên Giang). Tràm rụng lá phủ ngập rừng trở thành lớp mùn. Và sau những cơn mưa đầu mùa đổ xuống, tai nấm tròn cỡ đầu ngón tay út nhú lên, chẳng bao lâu đã rộ khắp.
Hái những tai nấm tròn căng màu nâu đỏ có viền trắng sữa. Sau đó, lấy gà giò đã làm, luộc vừa chín tới, thả nấm vào, thơm lạ. Tai nấm đẹp như miếng rau câu, vừa giòn vừa xốp, càng nhai càng nghe vị đăng đắng. Và rồi vị nhân nhẩn ấy biến đâu mất, còn lại vị ngọt một cách khó hiểu. Húp miếng nước, mới biết nấm tràm ngon cỡ nào
Với vị đắng thanh, nấm tràm xào với tép bạc, thịt ba rọi, tôm, mực đều là những món hấp dẫn nhưng chỉ là chuyện "thường ngày" của người dân duyên hải này. Ở vùng biển đảo Phú Quốc, nếu đánh bắt được con cá rựa hoặc cá nhồng, dân thường xẻ thịt làm chả cá nấu với nấm. Trước khi múc ra bát, người ta đập một vài quả trứng thả vào, cái vị nhẩn, ngọt, béo của bao hương chất đó trung hoà nghe ngan ngát.
Nấm tràm không chỉ có ở Hà Tiên, Phú Quốc (Kiên Giang) mà còn xuất hiện ở một số tỉnh miền Trung. Ở Huế, hàng năm, cứ vào cuối thu, sau những cơn mưa, đất trời dịu mát, rừng tràm mọc chi chít như thảm. Mùa nấm, các chợ ở Huế vui hẳn lên. Các cô bán nấm đon đả chào: "Một bát nấm hơn thang thuốc bổ, ăn vào mát dạ ngủ ngon.". Các bà thường nấu canh nấm tràm với tôm tươi và rau tập tàng. Nếu có thêm khoai lang, bát canh càng thêm ý vị.
Cháo nấm tràm cũng là món ngon. Chỉ với vài chục con tôm tươi, một ít thịt ba rọi, thêm thịt bò, hành, ngò, tiêu, ớt, bạn sẽ có nồi cháo đúng như lời các cô bán nấm chào mời.
(Theo Sài Gòn Tiếp Thị)