Thịt lợn và những phụ phẩm từ thịt lợn như gan, nội tạng, lưỡi lợn chứa nhiều vitamin B1, A và D tốt cho sức khỏe con người. Từ nội tạng lợn, chị em nội trợ có thể chế biến thành nhiều món ăn ngon dành cho gia đình. Tuy nhiên, ăn như nào cho đúng cách, đảm bảo sức khỏe thì rất ít người biết.
Ths.Bs Doãn Thị Tường Vi (Viện Phó - Viện Dinh dưỡng Lâm sàng) sẽ giúp chị em nội trợ biết cách chế biến nội tạng lợn với số lượng bao nhiêu là đủ và những lưu ý khi ăn.
Nội tạng lợn chứa nhiều chất béo, hàm lượng cholesterol cao
Theo Bs Tường Vi, trong các cơ quan nội tạng của lợn, chúng ta có thể ăn được những bộ phận như óc, tim, gan, lòng, tiết,... vì chúng chứa chất đạm, chất béo, vitamin A, kẽm, selen và vitamin nhóm B. Riêng phổi tuyệt đối không ăn vì nó tập trung nhiều bụi bẩn do phổi là nơi trao đổi khí, thu thập nhiều bụi bẩn.
Dù vậy, nội tạng lại chứa hàm lượng hàm lượng cholesterol rất cao, nhất là trong óc, gan và bầu dục (thận). Nó không tốt cho người cao tuổi, người mắc bệnh rối loạn chuyển hóa: tăng cholesterol máu, xơ vữa động mạch, tăng huyết áp, tiểu đường, bệnh goute, bệnh thận, người thừa cân - béo phì.
Phủ tạng lợn chứa hàm lượng hàm lượng cholesterol rất cao, nhất là trong óc, gan nhưng không phải cũng ăn được (Ảnh: Internet)
“Người có bệnh mãn tính như trên không ăn phủ tạng lợn. Đối với người khỏe mạnh chỉ nên ăn 1-2 lần/tháng, mỗi lần ăn khoảng 50gam để tránh ảnh hưởng đến sức khỏe, gây ra một số bệnh”, Bs Tường Vi nhấn mạnh.
Thực hư gan lợn chứa kim loại nặng
Gan lợn chứa nhiều vitamin A, sắt, kẽm và selen tốt cho trẻ bị thiếu máu, suy dinh dưỡng. Do đó, chị em nội trợ có thể bổ sung gan vào khẩu phần ăn của trẻ nhưng cần chọn gan lợn không bị bệnh.
“Chọn gan, chị em nội trợ cần lựa gan màu đỏ sẫm, không có nốt sần trên bề mặt. Khi chế biến, chúng ta nên cắt lát mỏng và rửa sạch bằng nước lạnh, lấy khăn giấy thấm khô hết máu ứ trong gan. Như vậy, các chất độc có trong máu của gan sẽ được loại bỏ, còn lại các tế bào gan giàu dinh dưỡng. Trường hợp gan của con lợn bị bệnh tuyệt đối không nên ăn”, Bs Tường Vi nói.
Gan của lợn mắc bệnh, con người tuyệt đối không nên ăn (Ảnh: Internet)
Lòng lợn – hãy ăn một cách chừng mực
Lòng lợn là món ăn khoái khẩu của nhiều người. Tuy nhiên, lòng lợn có nhiều ký sinh trùng gây hại cho sức khỏe như: giun, sán,… Nếu ăn lòng lợn chưa được nấu chín kỹ hoặc ôi thiu, những ký sinh trùng này có thể xâm nhập vào cơ thể và gây ra nhiều bệnh nguy hiểm như tả, viêm gan, bệnh thận, bệnh lao,… Bên cạnh đó, trên thị trường hiện nay tồn tại nhiều nội tạng lợn không rõ nguồn gốc, nhất là lòng lợn. Vì vậy, cho dù yêu thích món ăn này thì hãy ăn một cách có chừng mực.
BS. Tường Vi cho hay, lòng non của lợn hay bị đắng nên khi mua chị em nên chọn loại bé, ống ruột căng và tròn, màu trắng hồng, chất dịch bên trong màu trắng sữa. Những đoạn lòng đường kính lớn, mỏng, dẹp, chất dịch bên trong màu vàng thường không được non, ăn sẽ dai và dễ đắng.
Lòng non của lợn hay bị đắng nên khi mua chị em nên chọn loại bé, ống ruột căng và tròn, màu trắng hồng, chất dịch bên trong màu trắng sữa (Ảnh: Internet)
Mối nguy hiểm khó lường cho sức khỏe
Tiết lợn là một trong những nội tạng động vật được nhiều người ưa chuộng. Ngoài việc chế biến thành món tiết canh, nó cũng có thể nấu thành nhiều món ăn khác. Trong tiết lợn rất giàu protein, chứa hàm lượng sắt, lecithin và một số nguyên tố khác cần thiết cho cơ thể.
Tuy nhiên, nếu sử dụng sai cách, tiết lợn có thể trở thành mối nguy hiểm khó lường cho sức khỏe, gây ra các bệnh: Nhiễm trùng huyết, viêm màng não mủ, nhiễm giun xoắn, rối loạn tâm thần, có thể bị liệt, mù mắt,…
Để tránh mắc phải những căn bệnh kể trên, chị em nội trợ nên lựa chọn nguồn tiết lợn đảm bảo vệ sinh, nấu chín thật kỹ rồi mới được sử dụng. Không được để tiết lợn chín ở chung với các thực phẩm sống khác đặc biệt là thịt lợn, lòng lợn có khả năng dễ bị nhiễm bệnh. Đặc biệt không nên ăn tiết canh lợn (tiết sống). Ăn tiết canh lợn tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm nhiều mầm bệnh nguy hiểm, từ sán, tiêu chảy, tả lị đến các bệnh truyền nhiễm từ lợn, đặc biệt là bệnh liên cầu khuẩn.