Là giảng viên tiếng Anh ở một trường đại học lớn tại Hà Nội rất bận bịu nhưng chị Minh Thuận vẫn chăm chỉ dành thời gian để vào bếp nấu ăn cho gia đình mỗi ngày. Những mâm cơm chị nấu luôn có phong cách riêng, dù đơn giản hay phức tạp nhưng luôn được chị bày biện giống như các bức tranh mùa xuân, đẹp mắt và đầy sức sống.
Chị bật mí, trước đây bản thân không hề thích nấu ăn. "Mình không ghét nấu ăn chỉ là không thích thôi", chị nói. Thế nhưng có lẽ, qua nhiều năm tháng gắn bó với căn bếp, làm những món ăn cho chính gia đình thân yêu của mình nên dần dần chị Minh Thuận đã mê nấu nướng lúc nào không hay.
Chị Minh Thuận có niềm đam mê đặc biệt với nấu ăn.
Chị tâm sự, mình không theo học một trường lớp nấu ăn nào cả, cũng không học hẳn của một ai đó. "Nhiều khi đi ra chợ mua đồ thì hỏi luôn người bán cách chế biến thực phẩm đó. Hoặc nhiều khi đi ăn hàng thấy món gì ngon hợp khẩu vị thì lên mạng tìm hiểu cách làm". Dần dần kinh nghiệm nấu nướng của chị tăng lên và thực sự là đầu bếp của gia đình như hiện tại.
Cô giáo Tiếng Anh chia sẻ, nhà chị có 4 người nhưng thời gian này con trai học xa nhà, cuối tuần mới về nên trong tuần sẽ là những bữa cơm 2 hoặc 3 người. Các món ăn chị nấu tuy đơn giản, dễ chế biến và không tốn thời gian nhưng rất nhiều người lại nhận xét mâm cơm nhà cô giáo như ăn cỗ. Đó là do cách chị bày biện món ăn vô cùng khéo léo và tinh tế.
Theo chị Minh Thuận, với một người chưa quen bày biện thì sẽ thấy việc này tốn rất nhiều thời gian và công sức. Tuy nhiên, đúng như người xưa đã từng nói “Trăm hay không bằng tay quen”, chị làm quen nên không hề thấy vất vả chút nào, thậm chí còn thực hiện vô cùng nhanh.
Chị kể, "Có hôm bạn của con trai mình đến nhà chơi đúng vào giờ mình chuẩn bị cơm tối. Bạn ấy đứng xem một lúc và thốt lên là sao cô làm nhanh thế, đẹp và rất đơn giản luôn". Chị Minh Thuận khẳng định, để làm được điều này thì quan trọng nhất là nên có ý tưởng từ trước rồi, chứ nấu xong vẫn chưa biết bày biện thế nào sẽ rất khó.
Nữ giảng viên đảm đang còn bật mí nhỏ, nếu ai thích trang trí bữa ăn đơn giản mà hiệu quả khi bản thân chưa có ý tưởng gì đặc biệt là đó hãy xếp các món ăn theo hình hoa. Chỉ cần xếp đồ ăn thành vòng tròn rồi thêm cái gì đó vào giữa là đã có ngay những bông hoa hết sức dễ thương rồi.
Chị khẳng định, việc bày biện bữa ăn đẹp mắt sẽ giúp kích thích cảm giác muốn ăn của mọi người. Chẳng thế mà trên các mâm cơm của chị Thuận luôn rực rỡ chẳng kém gì một vườn hoa đang nở với đủ màu sắc khác nhau. Chị còn từng nổi tiếng trên mạng xã hội với những đĩa rau luộc được sắp xếp vô cùng bắt mắt. Nhiều người còn nhận xét chị thực sự là bàn tay vàng trong làng rau luộc.
Không chỉ mê bày biện món ăn, chị Minh Thuận còn đặc biệt thích sắm các bộ bát đĩa phục vụ cho bữa ăn. Chính sở thích này đến giờ đã làm chị không còn nhớ chính xác mình có bao nhiêu bộ đồ ăn nữa. "Nếu là nguyên bộ thì cũng không phải là nhiều lắm nhưng mọi người thì lại thấy mình có quá nhiều bộ luôn. Đó là vì mình hay ghép vào với nhau. Ví dụ như bộ tranh tứ bình là mình ghép bốn đĩa chữ nhật mà thành chứ đầu tiên nó không phải là ý định của nhà sản xuất. Nhưng khi mình nhìn thấy cả một chồng đĩa chữ nhật trong siêu thị thì mình đã nghĩ ngay đến trong đầu một bộ tranh tứ bình rồi", chị nói.
Nếu tinh ý sẽ thấy phần lớn bát đĩa chị Minh Thuận dùng để bày biện bữa cơm đều có màu trắng. Chị lý giải, chúng có thể giúp chị ghép lại thành nhiều bộ khác nhau làm cho phong cách từng bữa cơm trở nên mới mẻ, sáng tạo hơn, càng kích thích thị giác và hứng thú ăn uống của các thành viên trong gia đình.
"Bát đĩa màu trắng cũng không bao giờ lỗi mốt và có thể mua bổ sung rất dễ dàng. Bát đĩa có hoa văn đôi khi không thể mua bổ sung nếu chẳng may bị vỡ vì có thể mẫu mã đó không còn được sản xuất nữa. Hơn nữa bát đĩa trắng còn làm nổi bật đồ ăn", nữ giảng viên xinh đẹp khẳng định.
Mỗi lần vào bếp, chị Minh Thuận luôn áp dụng 3 tiêu chí: ngon, đẹp mắt và đủ dinh dưỡng. Chị cho biết, mình luôn luôn cố gắng cân bằng các nhóm thực phẩm làm sao cho các bữa ăn được đầy đủ chất và nấu hợp khẩu vị của các thành viên trong gia đình. Bên cạnh đó, chị còn chú ý đến màu sắc của các loại thực phẩm để làm sao bữa ăn có nhiều màu sắc bắt mắt nữa. Ngoài ra, nữ giảng viên còn đổi món thường xuyên để cả nhà đỡ cảm thấy ngán ngấy và sự tươi mới của bữa cơm sẽ kích thích sự thèm ăn của cả nhà.
Chị tâm sự, đôi khi tình yêu ẩm thực cũng đã ảnh hưởng và lây lan sang cả công việc chính của mình. Chẳng hạn, vào những ngày đặc biệt như Ngày Thuần Chay Thế Giới (1/10) hay Ngày Lương Thực Thế Giới (16/10), khi ở trên lớp chị có giới thiệu cho sinh viên của mình biết về những ngày này. Sau đó, đến chiều khi về nhà, chị đã vào bếp với đúng những chủ đề này luôn. Một bữa toàn các món chay cho Ngày Thuần Chay Thế Giới và một bữa với các món ăn của các nước trên thế giới cho Ngày Lương Thực Thế Giới.
Bên cạnh những bữa cơm gia đình, thỉnh thoảng chị còn làm các món bún, miến, phở. Trong thời gian giãn cách xã hội vì COVID-19, chị còn nấu những món này rất thường xuyên.
Nhờ có sự đảm đang, bàn tay khéo và sự sáng tạo không ngừng nghỉ mỗi khi vào bếp, mà mỗi khi thưởng thức các món ăn chị nấu, chồng con chị luôn nhận xét “ngon!”, “cuốn!”… Thỉnh thoảng có những bữa chị nêm nếm hơi bị mặn thì được chồng con an ủi là “đậm đà”. Nhờ thế, chị càng có thêm động lực để nấu ăn mỗi ngày.
Với chị Minh Thuận, bữa cơm gia đình có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Đó là thời gian mà các thành viên trong gia đình gặp lại nhau, nói chuyện và thưởng thức những món ăn ngon sau một ngày đi làm đi học vất vả. Các bữa cơm gia đình có tác dụng gắn kết các thành viên trong gia đình lại với nhau.