Ở đâu trên đất Sài Gòn, người ta cũng có thể nhâm nhi ly cà phê. |
Tảng sáng, có người ghé quán uống nhanh ly cà phê rồi vội vàng đến công sở cho kịp giờ, nhưng cũng có không ít kẻ la cà suốt ngày ở quán vì một lý do nào đó. Quán xá có khi trở nên địa điểm thuận tiện cho việc bàn thảo, ký kết hợp đồng của những người làm ăn nhưng cũng có lúc là chỗ lý tưởng cho việc hẹn hò của các đôi lứa đang yêu hoặc là nơi hàn huyên tâm sự của bạn bè lâu ngày gặp lại.
Có người tìm đến quán để thư giãn tâm hồn bằng tiếng nhạc dịu êm, tiếng suối (nhân tạo) róc rách, nhưng cũng có kẻ tìm đến quán để khỏa lấp nỗi trống vắng trong tâm can bằng những âm thanh sôi động, náo nhiệt. Cũng có không ít người đến đây mỗi ngày như một thói quen khó bỏ, một chương trình đã được cài đặt sẵn, một hoạt động tất yếu trong cuộc sống thường nhật.
Để phục vụ cho những nhu cầu thưởng thức cà phê khác nhau ấy, các loại hình quán xá cà phê Sài Gòn cũng phát triển khá phong phú và đa dạng. Trước tiên phải kể đến những quán cóc, cà phê vỉa hè có mặt khắp mọi nơi.
Quán chỉ sắm cần vài bộ bàn ghế nhựa kê sát lối đi, bày ra cũng nhanh, dẹp vào cũng lẹ mỗi khi trật tự đô thị rảo qua. Đơn giản hơn có các quán cà phê… di động thường xuất hiện nơi các bến xe, công viên, chợ búa. Người bán cho mọi thứ vào chiếc giỏ xách một tay, tay kia là thùng đá đập sẵn. Người mua khi trả tiền xong thì tự tìm chỗ mà thưởng thức.
Ngoài cà phê sân vườn, cà phê bờ sông quen thuộc, nay còn có cà phê bờ kè, là các quán nằm dọc theo bờ kênh Nhiêu Lộc trải dài qua các quận 1, quận 3, Bình Thạnh, Phú Nhuận, Tân Bình. Cà phê truyền hình cáp phục vụ các phim nước ngoài phụ đề tiếng Việt nhưng âm thanh luôn là các ca khúc thuộc hàng top ten của giới trẻ. Cà phê bóng đá thu hút các fan hâm mộ với những đêm cuối tuần cùng giải ngoại hạng Anh. Và đương nhiên mỗi mùa SEA Games, Euro, World Cup cũng là dịp doanh thu các quán này tăng đáng kể. Cà phê võng (có lẽ xuất xứ từ miền Tây) tập trung nhiều ở các cửa ngõ ra vào thành phố.
Có nơi các quán cà phê trải dọc theo suốt cả đoạn đường theo kiểu "buôn có bạn, bán có phường" như: đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa (đoạn Lý Chính Thắng), đường Nguyễn Văn Trỗi (gần sân bay), đường Hoàng Hoa Thám (Bình Thạnh), đường Trần Cao Vân (gần hồ Con Rùa). Thậm chí nhiều nơi quán xá tập hợp thành cả… làng như cư xá Bắc Hải (quận10), làng đại học Thủ Đức, bán đảo Thanh Đa, khu Miếu Nổi (Bình Thạnh)…
Đã có quán xá bình dân thì dĩ nhiên cũng có không ít các quán cà phê sang trọng với giá cả hơn gấp nhiều lần, lúc nào cũng tấp nập khách khứa với đủ loại xe tay ga, xế hộp…
Sài Gòn cũng là nơi khởi xướng các loại hình cà phê khá mới mẻ và độc đáo như cà phê Internet xuất hiện đầu tiên vào cuối thập niên 90 trên đường Trần Quang Khải, sau được phổ biến ở nhiều nơi khác.
Cà phê BCS trong khuôn viên Nhà văn hóa Thanh niên là một mô hình khá thành công với mục tiêu tuyên truyền, tư vấn về căn bệnh AIDS. Cà phê Con Đóm đường Vũ Tùng, quận Bình Thạnh còn có cả phòng tư vấn, xét nghiệm HIV. Trên đường Nguyễn Đình Chiểu, bên hông Đại học Kiến trúc có một quán cà phê cũng khá ấn tượng: cà phê được đựng trong các ly nhựa, uống bằng ống hút, chỗ ngồi là mấy tấm carton mỏng lót dưới đất. Các kiến trúc sư tương lai ngồi dựa lưng vào tường vừa nhâm nhi ly cà phê vừa ngắm nhìn dòng xe cộ trên đường.
Cà phê nhạc thì có đủ loại: Cà phê compact disc, cà phê với ban nhạc - ca sĩ, cà phê piano, cà phê nhạc hòa tấu… Có quán chỉ phục vụ độc nhất một thể loại âm nhạc: nhạc tiền chiến, nhạc Trịnh, nhạc Jazz, Discotheque… hoặc duy nhất một giọng hát cũng là tên của quán như: Tuấn Ngọc, Khánh Hà…
Bên cạnh đó, sự phát triển vượt bậc của công nghệ thông tin cũng góp phần sản sinh hàng loạt quán cà phê wifi (truy cập internet không dây), có quán còn có dịch vụ cho thuê cả laptop, ipod.
Cà phê sách trên đường Ngô Đức Kế, quận 1 lại là điểm hẹn lý tưởng cho những ai thích tĩnh lặng bên tách cà phê cùng quyển sách trên tay. Trong khi đó, cà phê Le Ga ở ngã sáu Gò Vấp nằm trên sân thượng của tòa nhà 3 tầng lại là đài quan sát lý thú cho những ai thích ngắm nhìn sân bay Tân Sơn Nhất từ trên cao. Ngồi nơi đây, ta có thể quan sát những chiếc máy bay cất cánh hoặc đáp xuống đường băng với một cự ly khá gần.
Vào những năm 60 của thế kỷ trước, Sài Gòn còn có một loại cà phê rất độc đáo: cà phê đĩa. Đó là các quán cà phê bình dân của người lao động, người bán pha sẵn cà phê bằng vợt, đựng trong cái ấm lớn lúc nào cũng đặt sẵn trên bếp nóng hổi. Mỗi khi có khách, cà phê được rót ra ly, đặt trên đĩa để cầm cho khỏi nóng. Tuy nhiên, có mấy ai chờ được tới lúc cà phê nguội hẳn để uống vì cái mùi thơm phức cứ bốc lên ngay trước mũi. Cho nên người ta thường rót ra đĩa vừa thổi vừa uống.
Cùng với nhịp sống ngày càng phát triển, cà phê Sài Gòn cũng phát triển phong phú thêm về nội dung và đa dạng hơn về hình thức. Các loại hình cà phê có thể sẽ ngày càng mới mẻ như cà phê địa ốc, cà phê chứng khoán, thậm chí có cả cà phê… ảo. Và một điều không thay đổi theo thời gian, đó là: Cà phê Sài Gòn đã, đang và sẽ luôn là một nét văn hóa hết sức độc đáo không thể thiếu được của nhịp sống Sài Gòn.
(Theo Thanh Niên)