Món bánh chưng ngày Tết nhà nào cũng có. Loại bánh này là lễ vật cảm tạ ông bà tổ tiên cùng thần linh đã phù hộ để gia chủ có một năm làm việc, học hành thuận lợi.
Không những thế, bánh chưng với sự góp mặt của nhiều loại nguyên liệu từ gạo, thịt lợn, lá dong, đậu xanh còn biểu trưng cho sự ấm no, sung túc.
Người ta tin rằng, trong ngày đầu năm, ăn miếng bánh chưng xanh mướt, dẻo thơm xen chút béo ngậy của đỗ, thịt lợn sẽ giúp cho năm mới luôn no đủ, may mắn.
Người ta tin rằng, trong ngày đầu năm, ăn miếng bánh chưng xanh mướt, dẻo thơm xen chút béo ngậy của đỗ, thịt lợn sẽ giúp cho năm mới luôn no đủ, may mắn (Ảnh: Vũ Ngọc)
Để làm bánh chưng rất đơn giản:
* Nguyên liệu cần có: Gạo nếp, đậu xanh bỏ vỏ, thịt lợn, lá dong, lạt.
* Cách làm bánh chưng:
- Gạo và đỗ xanh đem ngâm qua đêm hoặc tối thiểu trước 4 - 8 tiếng.
- Lá dong rửa sạch, lau khô.
- Thịt lợn thái miếng dài, ướp với bột canh, hạt tiêu trước 60 phút.
- Gạo nếp đem vo sạch trộn với 1 chút muối cho đậm vị.
- Đỗ xanh đồ chín, nghiền nhuyễn.
- Xếp lá bánh vào khuôn sau đó cho nguyên liệu bánh vào theo thứ tự: Gạo nếp - đậu xanh - thịt lợn - đậu xanh - gạo nếp.
- Gấp mép lá dong lại, cố định lá bánh bằng lạt giang chẻ mỏng.
- Lần lượt thực hiện theo trình tự trên cho tới khi hết nguyên liệu.
- Xếp phần lá bánh thừa vào đáy nồi tôn. Lần lượt cho bánh chưng đã gói vào. Xếp cẩn thận để bánh không bị xô lệch khi sôi.
- Luộc bánh khoảng 10 - 12 tiếng thì vớt ra.
- Bánh sau khi luộc đem rửa thật sạch cho hết lớp nhớt ở bên ngoài. Để bánh vào nơi khô ráo rồi dùng vật nặng đặt lên trên như thế sẽ ép hết nước thừa ra.
- Bánh có thể bảo quản ở điều kiện nhiệt độ khoảng 20 độ C trong vòng 3 - 5 ngày. Nếu để lâu thì phải cất vào tủ lạnh.
Canh mướp đắng (khổ qua) nhồi thịtTrên mâm cỗ Tết của người miền Nam không thể thiếu món canh mướp đắng nhồi thịt. Đây là một trong những món ăn ngon, bổ dưỡng lại mang ý nghĩa mong cầu năm mới gặp nhiều may mắn.
Dân gian quan niệm, ăn món canh này sẽ lấy đi mọi vất vả, khổ đau trong năm cũ và đón một năm mới thật nhiều bình an và thuận lợi.
* Nguyên liệu: Thịt lợn xay, hành khô, mộc nhĩ, đường, hạt tiêu, muối
* Cách nấu mướp đắng nhồi thịt
- Dùng dao rạch 1 đường thẳng trên thân mướp đắng rồi khéo léo lấy toàn bộ phần ruột ra.
- Rửa mướp đắng thật sạch, để ra rổ cho ráo nước.
- Mộc nhĩ ngâm nở, rửa sạch rồi băm nhỏ.
- Hành khô băm nhỏ
- Cho thịt xay, mộc nhĩ băm, hành khô, hạt tiêu, muối vào trộn chung. Ướp khoảng 20 phút cho ngấm gia vị.
- Dùng thìa lấy 1 phần thịt rồi khéo léo nhồi vào ruột của quả mướp đắng. Lần lượt thực hiện cho tới khi hết nguyên liệu.
- Bắc nồi nước lên bếp đun sôi sau đó thả từng quả mướp đắng đã nhồi vào nấu chung.
- Điều chỉnh lửa vừa để phần nhân kịp chín kỹ mà vỏ mướp đắng không quá dừ.
- Nêm nếm 1 chút muối, mì chính vào nồi canh cho đậm vị.
- Khi mướp đắng chín, bạn thả hành lá vào cho thơm rồi múc ra bát.
- Bỏ mùi ta lên trên và rắc chút hạt tiêu là hoàn thành.
Thịt gà luộcTừ xưa tới này, gà luôn góp mặt trong những nghi lễ quan trọng, từ thắp hương rằm, mồng Một, giỗ chạp cho tới lễ Tết.
Người ta tin rằng, đĩa thịt gà trên mâm cỗ trước là để bày tỏ tấm lòng thành, sự biết ơn của con cháu với ông bà tổ tiên, sau là gửi gắm mong muốn những điều tốt đẹp, may mắn.
Đặc biệt, lớp da gà luôn căng bóng, màu vàng đẹp đại diện cho ước mong về một cuộc sống “thuận buồm xuôi gió”, tài lộc đong đầy.
Để luộc gà cúng Tết, bạn mua gà trống hoa hoặc gà mái tơ.
- Gà làm sạch lông, mổ moi lấy toàn bộ phần nội tạng ra bên ngoài.
- Dùng muối cùng chanh chà xát trên bề mặt da gà rồi rửa lại với nước sạch.
- Dùng tay bóp nhẹ phần đầu để lấy hết phần dịch ở mũi, lưỡi gà.
- Rửa lại gà 1 lần nữa với nước là có thể đem đi luộc.
- Đặt gà nằm úp rồi cho nước vào. Nhớ bỏ thêm 1 củ hành và 1 nhánh gừng để thịt gà thơm hơn.
- Bật bếp với ngọn lửa to cho tới khi nồi gà sôi thì vặn nhỏ lại. Lưu ý, sau khi gà sôi chỉ để khoảng 10 phút là tắt bếp.
- Ngâm gà trong nồi khoảng 20 phút cho gà chín hoàn toàn, không sợ khi chặt ra bị đỏ thịt.
- Nhấc gà ra và cho ngay vào bát nước lạnh để lớp da gà giòn ngon không bị nứt, nhão.
- Đặt gà ra đĩa hoặc chặt miếng sau đó xếp lên mâm.
Dưa hấuNgày đầu năm rất nhiều gia đình mua dưa hấu về thắp hương và đãi khách. Loại quả này có hình dáng tròn trịa, bề mặt căng bóng là biểu trưng cho sự viên mãn.
Phần ruột của dưa hấu nhiều nước, có màu đỏ tươi thể hiện cho sự đầy đặn và may mắn.
Ngày Tết, bạn có thể bổ dưa hấu thành từng miếng làm món tráng miệng. Hoặc thái nhỏ rồi thêm sữa chua, sữa đặc cùng chút đá để làm hoa quả dầm. Món ăn vặt này vừa thanh mát, ngon lại tốt cho sức khỏe.
CáNếu bạn đang tìm kiếm một món ăn cầu mong may mắn cho năm Quý Mão 2023 thì nhất định phải lựa chọn các món cá nhé.
Không phải ngẫu nhiên mà cá lại được xem như món ăn mang đến nhiều may mắn. Cá trong tiếng Hán có cách phát âm nghe hơi giống với chữ “dư” (có thể hiểu là dư thừa hay dồi dào). Do đó mà ăn cá sẽ giúp năm mới dư thừa tiền bạc, sức khỏe, may mắn…
Cá dùng để chế biến có thể là cá chép, cá trắm, cá trôi… Tuy nhiên không được sử dụng cá mè hoặc cá trê. Bởi theo quan niệm dân gian, đây là 2 loại cá mang lại nhiều điều không may.
Ngày Tết ăn nhiều thịt sẽ ngán, bạn có thể tham khảo công thức cá chép hấp bia sau đây.
* Nguyên liệu: Cá chép, bia, hành lá, gừng, thì là, sả, chanh, nước mắm, mì chính, hạt tiêu, tỏi, ớt, đường.
* Công thức làm cá hấp bia
- Cá chép mua về làm sạch cạo bỏ phần vảy cùng màng đen trong bụng. Đừng quên bóc lớp mang cá rồi rửa sạch, để ráo.
- Khứa vài đường trên bề mặt cá và tẩm ướp gia vị gồm: Gừng, sả băm nhỏ, muối hạt thêm chút mì chính.
- Massage bề mặt cho cá ngấm gia vị. Ướp chừng 30 phút thì đem cá đi hấp.
- Xếp vào đáy nồi sả cây thái khúc, gừng tươi đập dập.
- Đặt cá lên trên sau đó rót bia vào nồi. Đậy vung lại và đun nhỏ lửa chừng 20 phút là cá chín.
- Khi chuẩn bị nhấc cá ra, bạn cho hành tươi thái khúc, rau thì là, cà chua bổ múi cau vào.
- Đun thêm chừng 5 phút là có thể tắt bếp.
- Nhấc cá ra rồi bày lên đĩa. Cá hấp bia thơm lừng, thịt ngọt ngon thấm đẫm gia vị chấm cùng bát nước mắm gừng thì hết ý.
* Bài viết chỉ mang tính tham khảo.