Thương hiệu… không đăng ký!
Cà phê Hàng Hành. |
Nói đến phở Hà Nội thì hầu như ai cũng biết đến phở Thìn, tên của ông chủ quán. Ai đã từng một lần ăn qua một tô phở Thìn thì hẳn là sẽ khó mà quên được cái vị ngọt của nước phở - đây là món tuyệt chiêu của ông chủ mà nhiều người từng cố “đánh cắp bản quyền” nhưng không được; bánh phở mềm, thịt thái mỏng, chút hành lá rắc bên trên cùng với màu đỏ của ớt tạo cho người ăn một thú khoan khoái vô kể. Nhưng có một điều mà nhiều người lần đầu đặt chân tới Hà Nội băn khoăn là có tới ba, bốn phở Thìn, không biết quán nào thật, quán nào giả. Hỏi những người sành ăn thì họ bảo phở Thìn nằm ở trên phố Đinh Tiên Hoàng trông ra hồ Hoàn Kiếm, thường được gọi với “nhũ danh” phở Thìn Bờ Hồ. Nhưng những thương hiệu kia cũng không phải là giả mà thực ra là con cháu của ông chủ tách ra làm ăn riêng, vẫn dùng cái tên cũ để tiện bề làm ăn và gọi khách quen. Một dạo, ông chủ có liên doanh với mậu dịch mở phở Thìn trên phố Ngô Quyền, được một thời gian thì thôi. Sau đó, thấy có phở Thìn Lò Đúc, rồi lại phở Thìn Lê Văn Hưu.
Thành danh như ông Thìn, lấy tên riêng của mình làm thương hiệu cho phở kể cũng hiếm. Hà Nội không thiếu những quán phở ngon và thường thì người ta lấy luôn tên phố nơi bán hàng làm thương hiệu. Chẳng hạn như phở Hàng Đồng chuyên về phở bò, phở Bát Đàn chuyên phở xào, phở Hàng Bột (nay là Tôn Đức Thắng) chuyên về sốt vang, hàng phở trên phố Cầu Gỗ, tên hiệu là Tự Do hẳn hoi nhưng người ta vẫn quen gọi là phở Cầu Gỗ. Chẳng cần phải có địa chỉ số nhà cụ thể, chỉ cần nhắc đến là người ta biết ngay nó nằm ở đâu. Mỗi một cửa hàng đều có nét đặc sắc riêng, khiến cho khách hàng quen mà tìm đến. Chính hai quán phở ở Bát Đàn và Lý Quốc Sư đã tạo ra một hình ảnh xưa cũ của thời bao cấp, khi người ta vẫn còn xếp hàng để ăn phở. Đơn giản chỉ vì vào tầm ăn sáng, khách hàng quá đông. Một sự xếp hàng tương đối dễ chịu, tạo nên một cái nét ẩm thực là lạ ở Hà Nội.
Nhưng chính trong lĩnh vực cà phê, Hà Nội mới có nhiều tên quán mang tên riêng của người chủ. Cà phê Nhân ở ngõ Hàng Hành, ngày xưa chỉ là một cái quán lụp xụp lợp mái lá, khách uống cà phê ngồi tràn cả ra vỉa hè. Nay thì
đây đã là một quán cà phê lớn, nhà cao tầng, cửa kính sáng choang, chỉ có tên hiệu là vẫn như cũ. Chủ quán bây giờ cũng thuộc thế hệ con cháu. Khách hàng vẫn đông đúc, nhưng phần lớn là lứa tuổi thanh thiếu niên, chẳng biết từng có một thời cà phê Nhân vỉa hè...Một thương hiệu quán cà phê khác cũng nổi tiếng ở Hà Nội là cà phê Giảng. Quán nằm ở đầu phố Hàng Gai, trông ra ngay khu vực ngã năm đông đúc, nhộn nhịp bên Hồ Gươm. Bao năm nay rồi mà quán vẫn thế, nằm trong một cái ngách nhà hẹp, người đến uống thì phải chen chúc nhau, thế mới biết là để thu hút khách hàng, không nhất thiết cứ phải là nhà cao cửa kính. Người ta đến uống vì chất lượng cà phê, mà nhiều khi cũng bởi mùi hương xưa cũ của một thương hiệu đã đi vào lòng người. Cà phê Giảng từng được đưa vào trong một số sách hướng dẫn du lịch về Hà Nội.
Cà phê Lâm trên phố Nguyễn Hữu Huân nổi tiếng vì có ông chủ là người sưu tầm tranh. Gần đây, cà phê Quỳnh, mang tên diễn viên Như Quỳnh, vợ của nhà nhiếp ảnh Nguyễn Hữu Bảo trên phố Bát Đàn cũng được nhiều người biết đến…
Những thương hiệu không đăng ký bản quyền như vậy l
àm cho đời sống thị trường ở Hà Nội thêm phần mầu sắc. Điều làm cho người khách tìm đến với những thương hiệu như vậy, có lẽ chính là nhờ chất lượng, một yếu tố mà không một bản đăng ký bản quyền nào có thể thay thế được. (Theo SGTT). Có thể bạn quan tâm: