Đã bao giờ bạn tự hỏi vì sao chúng ta lại cảm thấy không hạnh phúc trong chính tổ ấm mà chúng ta tạo ra, đứa trẻ mà chúng ta mang đến thế giới này để tạo nên một gia đình hạnh phúc lại không hạnh phúc trong chính tình yêu thương mà bố mẹ tạo nên?
Hãy đi tìm đáp án bằng việc so sánh việc nuôi dạy con giống như việc nuôi dưỡng một cái cây.
Theo chuyên gia về giáo dục trẻ em, thầy Dương Quang Minh, khi chúng ta nghĩ rằng Sẽ nuôi trồng một cái cây để chúng ta vui khi nhìn thấy nó. Khi đó chúng ta bắt đầu thực hiện việc nuôi trồng, vun xới, tưới tắm… cho cái cây đó ngày càng trở nên tươi tốt. Cái cây sống khỏe mạnh, ngày một xanh tốt khiến chúng ta cảm thấy thật hạnh phúc.
Tuy nhiên cùng một cách thức nuôi dạy con nhưng tại sao những đứa trẻ lại không mang lại hạnh phúc cho bố mẹ. Đơn giản là việc chúng ta đã nuôi dạy con không giống như trồng cây. Trồng cây, khi cây thiếu nước chúng ta thêm nước, khi cây thiếu ánh sang chúng ta cho chúng ra ngoài trời,….
Nhưng khi nuôi dạy con chúng ta lại làm ngược lại. Chúng ta dường như không cho các con những điều chúng muốn mà chúng ta lại định hướng con đi theo, đạt được những điều bố mẹ mong muốn. Và rồi khi chúng không thể đạt được những mong ước, kì vọng của bố mẹ, chúng ta trở nên bực bội và không cảm thấy hạnh phúc.
Từ đó có thể thấy rằng hành trình nuôi dạy con của mình không cảm thấy hạnh phúc bởi chúng ta luôn dán một cái nhãn tiêu cực lên con khi không đạt được mong ước của bố mẹ, mong muốn con làm theo ý của mình chứ không phải đáp ứng để trẻ đạt được mong ước của trẻ.
Nữ doanh nhân, nhà văn Việt kiều Amy Dương cho biết, điều cần thiết chính là bố mẹ hãy sửa chính mình, không đổ lỗi cho con, sống thông thái, dạy con một cách thông thái và yêu thương con bằng chính tình yêu thuần khiết nhất - tình yêu ở khoảnh khắc chào đón con lần đầu tiên, không mưu cầu bất kì điều gì.
Điều đó đồng nghĩa với việc khi con lớn ở một giai đoạn nào đó, bố mẹ nên là người đứng ở phía sau quan sát ước mơ của con là gì để hỗ trợ con chạm vào được ước mơ của bé chứ không phải ba mẹ là người trải sẵn con đường và áp đặt con phải đi trên con đường đó.
Làm sao ba mẹ tôi luyện cho mình được tình yêu thương thuần khiết và làm sao để luôn luôn giữ được điều đó?
Thầy Quang Minh tiết lộ, các ba mẹ hãy lấy hết tất cả những hình ảnh của con từ nhỏ đến lớn, làm một đoạn phim đi ngược trở lại từ lúc mới nhất đến lúc mà bé còn nhỏ cho đến khi con chào đời và trong bụng mẹ. Bố mẹ hãy ngồi xem đoạn phim đó bất kể lúc nào con không làm vừa lòng mình, bố mẹ sẽ lập tức quay trở về trang thái yêu thương thuần khiết lúc con mới đến thế giới đó. Chỉ vài phút đó sẽ khiến bố mẹ nhận ra rằng bản thân mình đang thả mong cầu vào con quá nhiều, cốt lõi vấn đề nằm ở điều đó khiến đứa trẻ của chúng ta không cảm thấy hạnh phúc.
Cha mẹ cần trang bị cho mình những kiến thức nào để có được những hiểu biết đúng đắn khi nuôi dạy con?
Việc nuôi dạy con như thế nào thể hiện nội tâm của mình rất nhiều. Cha mẹ hạnh phúc sẽ nuôi dạy những đứa con hạnh phúc. Những mối quan hệ gần mình nhất phản chiếu những nội tâm sâu thẳm của mình nhất mà con chính là tấm gương chiếu điều đó vô cùng kì diệu.
Cho nên cốt lõi của vấn đề chính là tự hỏi ba mẹ đã hạnh phúc chưa? vì mình chưa hạnh phúc, chưa bình an, có lo lắng sẽ thể hiện ở con hết. "Nhìn cây sửa đất nhìn con sửa mình”. Đừng để những bực dọc của bản thân ngoài xa hội, ở công việc, ở gia đình… đổ lên đầu những đứa trẻ và biến chúng trở thành những đứa trẻ không hạnh phúc. Chúng chính là tấm gương phản chiếu nhất cho thấy bố mẹ là những người đang ở trạng thái như thế nào.
Cần có sự phân chia nào giữa giáo dục của người cha và người mẹ dành cho con, đặc biệt là giáo dục con trai và giáo dục con gái?
Chị Amy Dương nói, dù dạy con gái hay con trai thì cần phải xác định con là bạn của mình, con đến với thế giới này là để sống hạnh phúc với mình chứ không phải thực hiện mong ước cho mình. Do đó hãy lược bỏ hết những mong cầu con phải trở thành người như thế này, con phải đạt được những điều này... để nuôi dạy con được tốt nhất.
Con gái thường có tính nữ, nhẹ nhàng. Do đó bố mẹ hãy cho phép con gái đi theo những điều bé thích, buông bỏ những trách nhiệm và cần sự cân bằng trong cuộc sống của bé.
Con trai thường mang tính nam, mạh mẽ, ý chí, trách nhiệm là trụ cột cho người khác đứng vững.
Khi đến một độ tuổi trưởng thành của cả con trai và con gái, cha mẹ cần dần buông bỏ trách nhiệm để đối phương trở thành người đồng hành dạy con. Ví dụ mẹ hãy buông bỏ trách nhiệm, nhường quyền giáo dục con trai cho bố và ngược lại, bố hãy dần buông bỏ trách nhiệm, nhường quyền giáo dục con gái cho mẹ.
Với con trai thì nên áp vào một số kỉ luật khi bước vào độ tuổi lên 5 lên 7. Với con gái cần sự nuông chiều, yêu thương nhiều hơn cho đến khi bé đến đủ tuổi trưởng thành và có thể tự lập hơn.
Trong gia đình hai vợ chồng có thể phân chia được vai trò như người mẹ là phân bổ tình yêu thương còn người bố là người cần nghiêm khắc.