Một tách trà nóng nhâm nhi cùng với miếng mứt cổ truyền như mứt gừng, mứt dừa sẽ giúp năm mới của bạn thêm trọn vẹn và ý nghĩa.
1. Mứt quấtNói đến Tết ở miền Bắc là không thể thiếu cành đào, cây quất. Không biết từ bao giờ, nhìn thấy nụ hoa đào nở chum chím, nhìn thấy những quả quất vàng nhỏ xinh xen lẫn trong đám lá xanh lại thấy lòng xốn xang đón xuân về, tết đến. Cũng theo đó mà món mứt quất cũng được hiện diện trong phòng khách từng nhà để mỗi khi mời nhau thứ quả này, lại thấy the the, chua dịu mà ngọt ngào không hề ngán.
Mứt quất đã qua bàn tay chế biến khéo léo của các mẹ các cô, vẫn giữ nguyên được màu vàng đặc trưng của quả quất, khi ăn bạn sẽ cắn từng miếng nhỏ để cảm nhận rõ ràng cái vị the the của tinh dầu quất vẫn còn lưu giữ, vị hơi hơi chua và vị ngọt của đường được gia giảm không quá gắt, không quá nhạt. Không chỉ là một thứ quả mang đến may mắn trong năm mới, mứt quất còn có tác dụng trị ho, đau họng, bảo vệ sức khỏe rất hữu hiệu nữa
2. Mứt dừaMứt dừa cũng là một trong các loại mứt truyền thống thường thấy trong dịp Tết. Trước kia mứt dừa chỉ đơn thuần là cùi dừa được nạo thành sợi dài, thêm đường kính, chút tinh chất vani cho dậy mùi để ra được thành phẩm là món mứt dừa trắng trong. Nhưng ngày nay, món mứt dừa này đã đa dạng hơn rất nhiều với các biến thể như mứt dừa cốm, mứt dừa cà phê, mứt dừa lá dứa…
Nếu muốn món mứt dừa mềm dẻo bạn có thể chọn loại dừa non, chọn loại dừa bánh tẻ sẽ có phần cùi dứa cứng hơn, có thể người già và trẻ nhỏ trong nhà sẽ không ăn được nhiều. Mùi thơm của dừa, cùng với các nguyên liệu gia giảm phong phú lại không quá khó làm nên hiện nay có rất nhiều các bạn trẻ tự làm để tặng nhau nhân dịp tết đến xuân về.
3. Mứt gừngMứt gừng là món ăn có thể ăn được quanh năm chứ không chỉ dịp tết. Từng lát gừng vàng nhẹ, được phủ bên ngoài một lớp đường li ti, khi ăn sẽ thấy vị cay cay, ngọt ngoạt hài hòa. Cắn nhẹ miếng mứt gừng, nhấp thêm hụm trà ấm nóng là câu chuyện ngày tết sẽ thêm phần rôm rả.
Mứt gừng cũng như mứt quất, rất được ưa chuộng trong dịp trời lạnh của xứ Bắc chính vì cái vị the the cay cay của nó. Không những thế, chúng lại có tác dụng bảo vệ sức khỏe rất tốt nữa. Đặc biệt với mứt gừng, khi bị cảm lạnh hoặc đầy bụng thì một miếng mứt gừng sẽ rất hữu ích. Tuy nhiên bạn cũng đừng dùng quá nhiều vì gừng có tính nóng, nếu ăn nhiều sẽ có tác dụng không tốt.
4. Mứt senmứt sen trần là một món mứt đặc trưng của người Hà Nội. Không phải chỉ Hà Nội mới có sen, nhưng chính những người Hà Nội cùng với gia tài ẩm thực phong phú của mình đã tạo nên những đồ ăn thức uống đậm chất tinh thế thanh tao từ sen như trà sen hay mứt sen.
Mứt sen hiện nay đã được lan rộng đi khắp cả nước, nhưng có những người con xa nhà vẫn tự thấy cảm giác nhón tay lấy một miếng hạt sen trần ngọt lịm, nhấp một tách trà cùng với làn hương trầm trong không gian mưa phùn của mùa xuân xứ Bắc mới thật là ấm áp. Mứt sen có lẽ đã được những nghệ nhân chế biến “giấu đi” suốt từ mùa hè, qua thu đến đông, rồi sang xuân mới bắt đầu chế biến thành những “hạt ngọc” cho ngày tết. Hạt ngọc ấy quả thật không phải ai cũng ăn được nhiều, vì chúng ngọt đậm được thấm từ trong nhân sen bùi, bở đến lớp bên ngoài; nhưng lại rất đáng để thử, phải không nào?
5. Mứt khếNếu hỏi món mứt nào dân dã nhất thì có lẽ đó chính là món mứt khế. Từng quả khế như những bông sao 5 cánh được chọn lựa cẩn thận không quá chín, không dập không nát được chế biến với đường, với gừng cay mang lại một vị dai bên ngoài, mềm dẻo bên trong quả thật nhìn thôi cũng khiến bạn chảy nước miếng!
mứt khế cũng giống như mứt dừa, bạn hoàn toàn có thể tự làm ở nhà cho gia đình và bạn bè hoàn toàn đảm bảo vệ sinh sạch sẽ. Nếu các loại mứt trên bạn khó có thể ăn được nhiều thì với mứt khế, vị chua ngọt cay hài hòa kích thích vị giác sẽ khiến bạn muốn ăn mãi không ngừng.