Đó là câu chuyện về mẹ con tôi ở những tháng ngày đã cũ...
Cũng như bao đứa trẻ khác, tôi lớn lên với đầy đủ điều kiện vật chất mà mình mong muốn. Cuộc sống của tôi hồn nhiên cho đến năm tôi 15 tuổi, khi tôi nhận thức được cuộc đời.Vào cái thời điểm bỡ ngỡ vào trường đời ấy, gia đình tôi đặc biệt khó khăn.
Ba mẹ tôi ly dị năm tôi lên ba, mẹ nhận quyền nuôi tôi, tôi và mẹ đi "lang thang kiếm sống" khắp phố phường từ Bắc vào Nam, nhưng chưa bao giờ tôi than phiền, ngược lại tôi còn rất thích thú. Vì cái lẽ không có hộ khẩu ở Phố Núi, tôi phải học trường dân lập, và điều đương nhiên rằng học phí luôn cao gấp mấy lần các trường khác.
Mẹ con tôi thuê một căn nhà gỗ nhỏ có gác mái, hàng ngày tôi đi học bằng xe đưa đón đến ngôi trường cách xa nhà năm cây số, được ngắm dòng người Đà Lạt qua lớp sương mù sao mà mộng mơ thế. Tôi cũng đã bước vào năm cuối cấp hai, với nhiều sự tự tin gặt hái được trước đám đông, tôi cần phải nỗ lực thêm nhiều để có được kết quả cao thì mới vào được ngôi trường không tốn kém. Mẹ tôi ở nhà, vất vả quạt tỏa ra hương vị bún chả Thủ Đô, mỗi ngày bà tích góp từng đồng để nuôi tôi ăn học, mẹ luôn dặn tôi rằng hãy nhìn từ hoàn cảnh của mình để lấy đó làm động lực bước tiếp, cuộc đời phải có vấp ngã thì mới biết đứng lên.
Ở cái thành phố ngàn hoa này, mùa du lịch thì rôm rả lắm, đến mùa đi học, dòng người chậm lại, thi thoảng bóng dáng ai đi qua. Khách ăn bún cũng ít dần, mà một thân một mình mẹ tôi làm quán thì đâu dễ dàng gì, mẹ con tôi nghỉ bán, tiếp tục sống bằng số tiền đã kiếm được bấy lâu nay cho đến mùa du lịch tiếp theo sẽ mở lại. Mùa hè năm ấy, tôi đã tự hào khoe mẹ rằng tôi kiếm được vài trăm nghìn từ tiền làm cộng tác cho báo mạng, mẹ tôi mắng tôi một trận vì tội thức khuya viết ba cái thứ linh tinh xong cũng mừng lây, mẹ bảo: "Tổ sư nhà cô, có quý gì đâu mà cứ tham việc, còn nhỏ kiếm tiền làm gì, cất đi mà mua quần áo và sách vở để học!".
Cuộc sống vẫn tiếp tục vui vẻ khi tôi bước sang học kì II của năm học. Nhà tôi chỉ còn đủ tiền để ăn và cầm cự được một ít để đóng tiền học cho tôi. Mẹ không nói, nhưng tôi biết bà không dám ăn tiêu gì nhiều cho bản thân, tôi làm mất điện thoại, bà vẫn trách móc xong lại kiếm bằng được một chiếc khác để liên lạc, chứ nhà có hai mẹ con, rời nhau sao mà sống!
Tháng mười hai kề cập, tôi cảm thấy ái ngại mỗi khi hỏi mẹ tiền học thêm và tiền xe đưa rước, số tiền đó đâu có ít gì, cả triệu bạc không hơn. Mỗi buổi trưa tôi chỉ dám ăn mì tôm, hôm nào nấu cơm, tôi nhường hết thịt cho mẹ, chỉ ăn vài miếng rau rồi cắp sách đi học luôn, mẹ cũng không hơn gì, gạt hết thịt lại mắng tối về để tôi ăn. Một phần như thế, một phần trong lòng bà đang muộn phiền chuyện tiền nong học hành cho con. Mấy tháng Tết nhất, nhà tôi không dám ăn tiêu, một bước ra đường cũng ngại, nhưng có một thứ mẹ tôi không muốn thiếu, mẹ và tôi cùng nhau gói bánh chưng, coi như quà lì xì hai mẹ con. Cái lúc ngắm pháo hoa, nó rực rỡ lắm, nó đẹp đến lạ, chỉ tiếc rằng cuộc sống mẹ con tôi không đẹp được như nó.
Sau tết, trung tâm học thêm và chú lái xe đưa đón đều gặp tôi để nói chuyện, tôi chỉ biết dạ vâng theo lời người lớn, khất được đến đâu hay đến đấy. Có những lúc tôi cảm thấy nhục nhã, bước chân vào lớp học, lên xe đưa đón một cách ngượng ép, thiệt tình thà không đi học, thà không đi xe còn hơn! Tôi quyết định tiết kiệm hơn, nhịn ăn sáng, vay mượn mấy đứa bạn thân khá giả rồi tích góp trả nó sau, thế mà tôi đã giấu mẹ, lén đóng được hai tháng tiền học thêm, một tháng tiền xe đưa rước. Những tháng ngày đó, nhìn ra ô cửa sổ, tôi thấy một Đà Lạt thật buồn, thật bất hạnh, tôi chỉ muốn khóc thật to, khóc cho nỗi niềm trong lòng, khóc cho mẹ, khóc cho cuộc đời.
Rồi một chuyện cũng đến, tôi hoàn toàn có thể khóc vì nó. Ba tôi mất, nhưng trớ trêu, chúng tôi cách nhau 1500km, đi đã khó, về còn khó hơn. Tôi là con một, và dĩ nhiên tôi bắt buộc phải về. Mẹ tôi lại phải chạy chỗ nọ, vay chỗ kia để mua vé máy bay về. Suốt quãng đường bay, tôi không ngủ, mặt tôi vô cảm, cứ thế nhìn ra những đám mây. Có đáng gì khi lần cuối cùng tôi nhìn thấy ba là bốn năm trước, có đáng gì khi người không làm được gì cho mẹ con tôi lại khiến mẹ có thêm một khoản nợ đời. Tôi hận ông vì chính ông đã khiến mẹ tôi phải nuôi tôi vất vả như thế. Trong đám tang, tôi chỉ biết chạy lên căn phòng cũ nơi tôi và ba tôi từng sống mà khóc thật to. Mẹ tôi đâu nói rằng, ông là tình đầu, và là mối tình mẹ tôi yêu mãi, ngoài miệng mẹ chỉ nguyền rủa và hận thù vậy, nhưng sâu thẳm nếu ông can đảm níu kéo, bà sẽ quay lại, và tôi sẽ có đủ cả ba - mẹ. Quay về Đà Lạt sau đám tang, mẹ tôi vẫn buồn vậy, tôi chỉ muốn hờn trách ba khi thấy những giọt nước mắt mẹ rơi. Cuối năm học, tôi được học sinh giỏi, lần này mẹ nở nụ cười thật sự, nhìn vào tờ giấy khen hai năm rồi chưa có tên tôi in trên đó, bà ôm tôi vào lòng, chỉ nói một câu nhưng nó chất chứa cả nỗi lòng: "Con làm tốt lắm."
Thời gian trôi đi, tôi về nhà nội sống, một phần là để học tập tốt hơn, một phần là để hương khói cho ba cũng như bớt đi gánh nặng cho mẹ. Tôi chẳng bao giờ nói được câu yêu thương nào tử tế cho mẹ, bà vẫn đang sống một mình ở đất người mà làm việc cực nhọc. Còn tôi ngồi đây gõ vài dòng thương nhớ bà, tôi cũng không dám chắc mình nói được những lời tâm sự thật lòng như vậy cho bà nghe hay không. Tôi luôn yêu bà, tôi yêu khuân mặt đó, tôi yêu bàn tay đã bồng tôi khi còn đỏ hỏn, tôi yêu nếp nhăn hiện rõ từng ngày nuôi tôi khôn lớn.
"Công cha như núi Thái Sơn, nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra."
Nhìn lại giới trẻ bây giờ, họ sống quá sung túc, được cha mẹ chăm lo đùm bọc ấm no nhưng có mấy ai hiểu được lòng mẹ cha, mấy ai cảm nhận được tình yêu của họ thực sự. Có những đứa con, đánh đập mẹ chỉ vì bà làm vỡ một chiếc bát khi đang cố nấu cho họ bữa ăn ngon như những ngày cắp sách. Có những đứa con, đuổi mẹ ra đường, đến khi được hỏi thì họ dửng dưng trả lời: "Bà ta bế con tôi không được, làm thằng bé ngã rồi khóc lớn.". Phải rồi anh trai ạ, người anh vừa đuổi ra đường chỉ đang cố yêu thương đứa cháu, ngày nhỏ chẳng phải anh cũng từng được bà bồng bế suốt đó thôi, sao anh không đuổi bà đi ngay lúc đó?
Xã hội này thật chua chát và đầy đắng cay, đằng sau nụ cười yêu thương ở căn nhà mặt phố là giọt nước mắt đau khổ trong phòng trọ ngõ nhỏ. Đến bao giờ, con người ta mới tập thấu hiểu bậc sinh thành?
Xin Chào Ngày Mai -