Gói bánh chưng đã trở thành một thói quen, tục lệ lâu đời của người dân Hà Nội mỗi dịp Tết về. Vài năm trở lại đây, người Hà Nội có xu hướng tự gói và luộc bánh chưng thay vì đi mua sẵn ngoài hàng. Chính vì vậy, ngay từ 28 – 29 Tết, không khó để bắt gặp hình ảnh những nồi bánh chưng với ngọn lửa rực hồng, ấm áp giữa trời đông Hà Nội.
Thông thường, vài ba gia đình sẽ cùng “góp gạo chung” để có một nồi bánh chưng ăn Tết. Với những nguyên liệu quen thuộc như gạo, đỗ xanh, thịt lợn, một chiếc bánh chưng vuông vắn được ra đời dưới bàn tay khéo léo của người gói. Sau đó được bỏ vào nồi luộc, chờ trong khoảng thời gian 12 -14 tiếng để bánh chín. Có thể luộc bằng bếp củi hay bếp than, nhưng có một điểm chung là ngọn lửa đỏ rực của nồi luộc bánh chưng sáng bừng trong đêm tối, xua tan đi không khí giá lạnh của mùa đông những ngày cuối năm.
Ngay trên vỉa hè nhà mình, người dân bắc bếp luộc bánh chưng. Hình ảnh ngọn lửa sáng bừng giữa đêm tối với nồi bánh chưng dường như đã trở thành một trong những nét đặc trưng của ngày Tết dân tộc, những ngày này lại hiện hữu trên phố phường Hà Nội.
Có mặt trên các tuyến phố Hà Nội những ngày giáp Tết, ngay cả vào buổi tối, dễ dàng ghi lại được hình ảnh nhiều người dân Thủ đô quây quần bên nồi bánh chưng chờ chín. Có lẽ đây đã thành một nét đẹp văn hóa mỗi độ xuân về của người Hà Nội. Việc gói bánh chưng không chỉ đảm bảo cho ra đời chiếc bánh ngon như ý, đảm bảo an toàn vệ sinh mà còn là cơ hội để con cháu trong gia đình, anh em bạn bè có dịp sum họp, hàn huyên cuối năm, mang không khí Tết vào từng con phố, ngõ hẻm.
Hình ảnh nhiều trẻ em vui vẻ, háo hức bên nồi bánh chưng chờ trời sáng đã đi vào nhiều tác phẩm văn thơ, và trong cuộc sống hiện đại như bây giờ cũng vậy. Tại nhiều góc phố, ngõ xóm, vẫn có rất nhiều nhóm trẻ em quây quần, tụ tập chờ bánh chưng chín. Có lẽ đây là cơ hội hiếm hoi trong năm mà các em được thức thật khuya, cũng là việc mà chỉ có ngày Tết mới được làm, khiến nồi bánh chưng trở nên vừa thân thuộc, lại vừa hết sức đặc biệt và ý nghĩa.
Nồi bánh chưng nóng hổi được đun bằng ngọn lửa từ củi là chủ yếu. Thông thường, một nồi bánh chưng như vậy sẽ chứa từ 10 đến vài chục chiếc bánh , đủ dùng hay làm quà Tết cho vài ba gia đình, có thể là họ hàng, có thể là hàng xóm cùng nhau gói chung.
Cụ Vũ Thị Nhịp năm nay đã 82 tuổi nhưng vẫn tự tay gói bánh chưng cho con cháu với mong muốn cho ra đời những chiếc bánh vừa ngon, rẻ, lại đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.
Trong khi đó, bác Hưng (ở phố Lương Yên) lại quây quần cùng con cháu quanh nồi bánh chưng. Năm nay nhà bác chỉ gói 10 chiếc mục đích là để các con và cháu có cái mà quây quần cuối năm, bác cho biết thêm năm nào nhà bác cũng gói, vì phải có nồi bánh chưng mới ra được không khí Tết. Dễ dàng nhận ra được ánh mắt háo hức, vui tươi của các em nhỏ trong hình. Có lẽ không phải lúc nào trong cuộc sống hiện đại, các em cũng có dịp được trải nghiệm một nét đẹp đã đi vào truyền thống của ngày Tết dân tộc.
Dù đã 4h sáng nhưng bác Tuyết (56 tuổi, ở Giảng Võ) vẫn ngồi trông nồi bánh chưng. Nhà bác năm nay gói tới 40 chiếc bánh chưng.
Bánh chưng sau khi được luộc chín...
... sẽ được vớt ra, cho vào nước nguội rửa sạch cẩn thận...
... rồi được xếp ngay ngắn và nén lại. Một chiếc bánh chưng hấp dẫn trên mâm cỗ ngày Tết nhìn thì đơn giản, nhưng phải trải qua rất nhiều công đoạn để trở thành một món ăn cổ truyền hấp dẫn với mọi người.