Tôi không biết liệu có loài hoa nào đẹp và hợp với ngày Tết đất Bắc hơn hoa đào không, tôi không biết liệu tôi có phải là kẻ thiển cận ngồi trong đáy giếng và tưởng tượng rằng cành đào đang nở ở trên kia là đẹp nhất không? Nhưng tôi quả quyết rằng, khi thấy màu thắm đỏ của hoa đào ánh lên trong không gian ghi xám của một ngày rét Hà Nội, cảm giác âm ấm ùa về nơi lồng ngực là có thực.
Tôi vẫn còn nhớ, ngày bé thường theo mẹ lên đầu phố nơi có 1 chợ hoa nho nhỏ, chọn mua 1 cành đào. Cho đến bây giờ, nhắm mắt lại, tôi vẫn cảm thấy được không khí của chợ hoa ấy. Đông đúc, nhộn nhịp, tiếng người trả giá rì rào, mùi hăng hăng của vỏ cây gặp sương sớm, màu hoa ánh lên giữa buổi u ám như những viên ngọc nạm vào thân cây khẳng khiu. Có thể với nhiều người, đó chỉ là một buổi chợ bình thường, một buổi chợ hoa điển hình có thể gặp bất cứ nơi đâu trên khắp miền Bắc này. Nhưng tôi nghĩ rằng, với nhiều người, những hình ảnh đó và cảm giác này đã gắn liền với một mảnh tuổi thơ, một mảnh ký ức bình yên khi nghĩ về ngày Tết.
Sau này lớn lên rồi mới biết, hoa đào nhìn bạt ngàn vậy mà khó trồng vô cùng. Trồng để nở hoa cũng khó mà trồng để nở hoa đúng ngày Tết lại càng có phần may rủi hơn. Tết ở Việt Nam chẳng bao giờ cố định vào một ngày nào cụ thể, còn tuỳ theo lịch âm sẽ rơi vào ngày nào, có tháng nhuận hay không. Tết đến sớm 1-2 tuần, người ta lo đào ế vì chưa kịp nở. Tết đến muộn 1-2 tuần, người ta lại lo chẳng bán được vì đào nở bung. Đấy là chưa kể, thời tiết thay đổi liên tục có thể đẩy sớm quà trình nở lên vài tuần. Cả năm chăm bẵm cho cả chục, cả trăm gốc đào bỗng chốc trở thành một trò may rủi, mọi ước vọng của người dân trồng đào bỗng chốc gói gọn trong một câu: Nếu trời thương…