Sau nhiều năm chỉ chia phim thành hai loại là đại chúng và 16+, ngày 18/9 vừa qua, Cục điện ảnh đã đưa ra góp ý lần cuối về hệ thống phân loại phim mới, Theo đó, các tác phẩm điện ảnh sẽ được chia thành bốn mức: Phim dành cho mọi lứa tuổi (nhãn P), Phim cấm trẻ em dưới 13 tuổi (C13), Phim cấm người dưới 16 tuổi (C16) và Phim cấm người dưới 18 tuổi (C18).
Theo chân thế giớiĐược biết, dự thảo này đã được xây dựng trong 2 năm qua và dựa trên mô hình của Singapore. Các tiêu chí để phân loại phim là nội dung, mức độ bạo lực, ma túy, tình dục, khỏa thân, ngôn ngữ và yếu tố kinh dị. Theo Cục trưởng Cục Điện ảnh Ngô Phương Lan thì bảng phân loại này vẫn nằm trong phạm vi của Điều 11 - Luật Điện ảnh và Nghị định 54 về Những hành vi bị cấm trong điện ảnh. Có nghĩa là các phim được gắn mác 18+ vẫn hoàn toàn có thể bị cắt bỏ những cảnh không phù hợp.
Một hệ thống phân loại chi tiết vốn là điều quen thuộc ở các nước có nền điện ảnh phát triển, đơn cử như Mỹ có đến 5 cấp độ. Sau đây là hệ thống phân loại của Mỹ: Mức G (dành cho mọi lứa tuổi), PG (trẻ em xem phải có sự hướng dẫn của người lớn), PG-13 (trẻ em dưới 13 tuổi xem phải có sự hướng dẫn của người lớn), R (người dưới 17 tuổi xem phải có sự hướng dẫn của người lớn), NC-17 (tuyệt đối chỉ dành cho người lớn trên 17 tuổi).
Ngoài ra, điện ảnh Mỹ còn 2 mức xếp hạng đặc biệt là NR hay UR cho phim không được xếp hạng vì là phiên bản không cắt bỏ của một phim đã được xếp hạng, và “Phim này chưa được xếp hạng” dành cho bộ phim chưa được xếp vào mức nào cả, cũng được dùng trong các đoạn giới thiệu phim và quảng cáo.
Ở một số quốc gia như Úc hay Pháp, việc kiểm duyệt do một cơ quan chính phủ thực hiện. Ở Mỹ, chính phủ không phân loại phim, mà công việc đó thuộc về một tổ chức có tên gọi Motion Picture Association of America (MPAA). Vì là tổ chức tư nhân nên MPAA không có quyền cấm phát hành hay cắt xén phim, mà chỉ đưa ra các khuyến cáo.
Cơ chế của điện ảnh Mỹ cho phép tính linh động cao. Sau khi nhận được phân loại của MPAA, nhà làm phim có thể chấp nhận mức này, hoặc sửa đổi một số cảnh để phim được hạ phân loại, hướng đến đối tượng khán giả rộng hơn. Trong một số trường hợp đặc biệt, người làm phim có thể lựa chọn không gửi tác phẩm của mình tới MPAA, thế nhưng đa số các rạp sẽ từ chối chiếu các phim chưa được kiểm duyệt qua tổ chức này.
Có nhiều điều chưa rõ ràng và gây tranh cãiTheo dự thảo, các bộ phim gắn mác 18+ sẽ không được có cảnh quan hệ tình dục tình dục trái tự nhiên như quan hệ với trẻ em, loạn luân, hay cảnh khuyến khích sử dụng ma túy. Gây nhiều tranh cãi hơn cả là quy định cảnh nóng và khỏa thân trên phim kéo dài không quá 5 giây và xuất hiện không quá 3 lần trong phim.
Định mức này đã gây ra nhiều ý kiến trái chiều trong giới làm phim. Theo đạo diễn Bùi Tuấn Dũng thì không thể quy định cụ thể cho mỗi phim có bao nhiêu cảnh nóng, và nếu đã phân loại phim thì kiểm duyệt để làm gì? Đạo diễn Nguyễn Thanh Vân thì cho rằng nên xem lại quy định 5 giây để không ảnh hướng đến sự sáng tạo của nghệ sĩ, vì với cảnh đẹp thì 5 giây là quá ngắn, mà cảnh phản cảm thì 1 giây cũng là quá dài.
Một vấn đề khác cũng nảy sinh là làm thế nào tính toán chính xác thời lượng cảnh nóng. Cảnh nóng bắt đầu từ lúc nhân vật âu yếm nhau hay khi cởi quần áo? Nếu cảnh nóng kéo dài vài giây, chuyển cảnh khác rồi tiếp tục thì có được tính gộp vào không? Những cảnh bán khỏa thân có được xét đến không? Hay quy định “cảnh không quá 3 lần” là một phân cảnh không quá 3 lần, hay không quá 3 cảnh trong một phim.
Về vấn đề bạo lực, phim C18 chấp nhận các cảnh tả thực về bạo lực và đổ máu nhưng phải phù hợp ngữ cảnh tác phẩm. Đây cũng là một khái niệm khá mơ hồ, cần được làm rõ thêm. Theo ý kiến của đạo diễn Bi, đừng sợ là Phan Đăng Di, Cục Điện ảnh chỉ nên cấm những chủ đề như phân biệt chủng tộc hay phản quốc. Với những chủ đề khác, người trên 18 tuổi hoàn toàn đủ khả năng nhận thức và chịu trách nhiệm về hành vi của mình.
Tác động đến điện ảnhCó một số ý kiến cho rằng nhãn phim 18+ có thể bị biến tướng thành trò câu khách. Điều này khá ngược đời so với Hollywood, nơi các nhà làm phim khá e ngại phân loại R hay NC-17 vì sẽ làm giảm đáng kể doanh thu phim. Trên thực tế thì gần đây ở Việt Nam, chiêu bài “cảnh nóng” cũng chẳng mấy hiệu quả nữa, như bộ phim Tình + Tình ngập tràn cảnh nhạy cảm nhưng vẫn nhanh chóng mất hút ở các rạp. Một phim khác là Hy sinh đời trai cũng thất bại khi tạo tin đồn cảnh nóng giữa Hồ Ngọc Hà và Tấn Beo, thậm chí còn bị chính nữ ca sĩ phản đối vì dùng tên tuổi của cô để PR quá đà.
Hay việc quy định ngặt nghèo về cảnh nóng trong phim, hãy coi đó như một giới hạn mới để cho những nhà làm phim tài năng có thể bứt phá trong sáng tạo.
Nhìn chung, quy định mới là một động thái đáng hoan nghênh dành cho cả giới làm phim và khán giả. Cách phân loại cũ được đánh giá là lỗi thời và không rõ ràng, dẫn đến nhiều trường hợp đáng tiếc khi phim không được ra rạp như Bụi đời Chợ Lớn hay bị cắt xén quá nhiều như Bi, đừng sợ, Lấy chồng người ta. Các phim nước ngoài cũng được lợi từ quyết định này khi có cơ hội xuất hiện trọn vẹn trên màn ảnh Việt, hạn chế xảy ra tình trạng khiến khán giả hụt hẫng như Fifty Shades of Grey hay 300: Rise of an Empire.
Dù sao đi nữa, hệ thống phân loại phim mới này vẫn chỉ là dự thảo. Sau khi lấy ý kiến, dự thảo này mới được trình lên Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch để duyệt trước khi áp dụng vào thực tế. Những người hâm mộ điện ảnh đều hy vọng kết quả cuối cùng sẽ là một hệ thống hợp lý và giúp phân loại chính xác hơn đối tượng khán giả đến rạp. Nhà kiểm duyệt không nên làm khó mình mà hãy cứ tin vào khả năng tự vận động của thị trường, và nhường lại màn ảnh cho các nhà làm phim phô diễn sự sáng tạo.
Ân Nguyễn