Choáng váng “tập hai” là khi cánh cửa sắt hé mở, chị thấy ngay bức hình cưới của chồng và người phụ nữ không phải là mình chễm chệ ngự trên tường…
Trốn nợ hay trốn vợ?
Kết hôn năm 2008, chị Hà Trinh giã từ miền quê sông nước lên sống ở nhà ngoại của chồng tại P.15, Q.4, TP.HCM. Khi chị có thai đứa thứ hai, một ngày, chồng chị là anh Trần Khanh thú thật mình đang mắc nợ do kinh doanh thua lỗ nên sẽ ra ngoài thuê phòng trọ sống một mình để trốn nợ. Tránh bị lộ tung tích, ngay cả vợ mình, anh Khanh cũng không cho biết địa chỉ. Thấy có nhiều dấu hiệu đáng nghi, chị Trinh lần dò tìm đến phòng trọ rồi vội vàng quay về rước con, định đến ở cùng. Trở lại chỉ sau vài tiếng đồng hồ, bụng mang dạ chửa, tay dắt con, tay nê giỏ quần áo, chị như bước hụt chân khi hay tin chồng vừa trả phòng, dọn đi mất. Bẽ bàng, tức tưởi, chị Trinh mới biết sự thực là chồng đang trốn vợ chứ không phải trốn nợ như lời đã nói.
Trình bày cảnh ngộ của mình với phóng viên báo Phụ Nữ, từng lời của chị Trinh như những mũi kim đâm vào lòng. “Mười ngày sau khi tôi sinh, chồng tôi có về nhà dọn đồ vì nhà bà ngoại sắp bán. Đúng vào ngày con đầy tháng, anh ấy bảo tôi đợi anh ra phòng công chứng làm thủ tục bán nhà giùm ngoại rồi sẽ quay về đón ba mẹ con đi. Nhưng một giờ sau, tôi điện thoại cho chồng chỉ nghe ò í e… Tình nghĩa vợ chồng bao nhiêu năm, rồi còn hai núm ruột của mình, anh cũng bỏ đi đành đoạn” - chị Trinh giở hình con ra xem rồi úp mặt khóc rưng rức.
Đã thiếu vắng cha, đứa bé non ngày tháng lại phải sớm xa lìa tình mẹ. Gửi cả hai con về quê nhờ mẹ già chăm sóc, chị Trinh ra ngoài thuê trọ, tìm phương mưu sinh để gửi tiền về quê nuôi con và tiếp tục “sự nghiệp” tìm chồng. Anh Khanh đã lấy đi hộ khẩu và một số giấy tờ khác khiến chị Trinh gặp khó khăn khi chứng thủ tục xin việc, đành chấp nhận làm tạm bợ, thu nhập đã “khiêm tốn” lại bấp bênh.
Nhiều tháng sau ngày chồng trốn biệt, một người quen điềm chỉ ở xóm lao động thuộc xã Nhơn Đức, H.Nhà Bè (TP.HCM) có một công ty xây dựng mang tên tương tự tên công ty của Khanh trước đây. Chị Trinh lại lặn lội tìm chồng thì gặp phải tình cảnh trớ trêu như đã nêu ở đầu bài. Sức yếu thế cô, chị Trinh chỉ biết chụp hình căn nhà, chụp lại bức ảnh cưới của chồng mình cùng cô gái lạ rồi quay về chứ không dám nán lại lâu, sợ phát sinh những hậu quả khó lường. Cũng là kịch bản cũ của người chồng-di-động, ngày hôm sau, chị Trinh quay trở lại chỉ thấy “vườn không nhà trống”, bảng hiệu công ty treo trước cửa cũng đã “bốc hơi”. Hỏi thăm, hàng xóm cho biết Khanh đang đi làm công trình ở tận Bình Dương.
Luật bó tay?
Mấu chốt khiến Khanh dễ dàng dứt bỏ nghĩa tào khang là hai năm trước, anh ta mượn của mẹ vợ số vàng - của cải tích cóp từ mấy chục năm của một gia đình nông dân lam lũ. Khanh đã làm giấy tay xác nhận số vàng mượn nợ và hứa sẽ trả ngay sau khi bán nhà ngoại và được chia phần thừa kế. Nhưng, bộ mặt thật của anh ta đã bị lột trần ngay trong ngày công chứng bán nhà bằng tiếng “ò í e” vô cảm của chiếc điện thoại. Không đành lòng nhìn cảnh chồng nhơn nhơn chung sống với người đàn bà khác, cảnh chồng quỵt nợ mẹ mình, cảnh con mới mấy tuổi đầu đã mất cha và sống bơ vơ, chị Trinh làm đơn kêu cứu tư pháp xã Nhơn Đức và Công an Q.4, TP.HCM. Mong mỏi tha thiết của chị là chồng ra mặt giải quyết món nợ, quay về lo cho hai con hoặc nếu không còn thương thì ra tòa ly hôn, cấp dưỡng cho con.
Đến đầu năm 2015, tức khoảng năm tháng từ ngày chị Trinh gõ cửa nhờ can thiệp, vụ việc vẫn tắc chỉ vì Khanh đã “lẹ chân khéo chuồn”. Ông Huỳnh Thanh Tâm (cán bộ tư pháp xã Nhơn Đức, H.Nhà Bè) cho biết: “Tư pháp đã nhiều lần chuyển thư cho cảnh sát khu vực để mời Khanh ra làm việc nhưng anh ta không đến. Việc xử lý vi phạm chế độ hôn nhân một vợ một chồng theo yêu cầu trong đơn của chị Trinh là rất khó, vì theo quy định phải bắt quả tang hành vi và người vi phạm thừa nhận hành vi.
Chưa có đủ cơ sở để cho thấy Khanh vi phạm dù anh ta có đăng ký lưu trú với một người phụ nữ cùng địa chỉ. Yếu tố “hàng xóm tưởng họ là vợ chồng” chỉ có giá trị tham khảo”. Hỏi “chị Trinh biết chắc Khanh sẽ về nhà ngay ngày đám giỗ nên đã đến nhờ tư pháp đi cùng chị đến nhà anh, vì sao bị từ chối?”, ông Tâm trả lời: “Làm đúng theo quy định, chúng tôi đã gửi thư mời ngay ngày hôm đó nhưng anh Khanh không đến”. Với sự can thiệp kém hiệu quả của địa phương, chị Trinh thất vọng: “Chồng tôi cố tình trốn mà địa phương lại ngồi chờ ảnh tự tìm đến! Địa phương phải chủ động và nhiệt tình mới bảo vệ được những người phụ nữ thiệt thòi, khổ sở như tôi”.
Qua tìm hiểu, được biết căn nhà ở xã Nhơn Đức là do Khanh mua đất, cất nhà nhưng chưa đứng tên sở hữu vì mua bán bằng giấy tay, chủ cũ chưa tách thửa. Ông Hoàng Anh, người bán đất nhớ lại, khi liên hệ mua đất, Khanh cũng đi cùng với người phụ nữ hiện chung sống và giới thiệu là “vợ hai”. Mấy tháng nay, hai người cùng đi vắng, bảo là theo công trình ở Bình Dương, hàng xóm không hề biết hai người lẩn trốn chỉ vì vợ đã lần tới “ổ”. Theo chị Trinh, chồng chị và tình nhân không phải đi Bình Dương mà đang sống gần đó và thường lén lút về nhà vào đêm khuya để tránh bị phát hiện.
Chẳng lẽ pháp luật chịu thua khi đối tượng dùng kế thứ 36 - “tẩu vi thượng sách”? Câu trả lời là vẫn có “thuốc giải”, chính là điều 36 Bộ luật Tố tụng dân sự về thẩm quyền của tòa án theo sự lựa chọn của nguyên đơn, người yêu cầu trong giải quyết tranh chấp về dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động: “Nếu không biết nơi cư trú, làm việc, trụ sở của bị đơn thì nguyên đơn có thể yêu cầu tòa án nơi bị đơn cư trú, làm việc, có trụ sở cuối cùng hoặc nơi bị đơn có tài sản giải quyết” (trích khoản 1, điều 36).
Với trường hợp của chị Trinh, luật sư Vũ Thị Hoài Vân (Trưởng Văn phòng Trợ giúp pháp lý cho phụ nữ số 6 TP.HCM thuộc Cục Trợ giúp pháp lý, Bộ Tư pháp) tư vấn, mẹ chị có thể gửi đơn khởi kiện đến TAND huyện Nhà Bè để nhờ giải quyết tranh chấp món nợ với chàng rể, trong đó có yêu cầu tòa áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời đối với căn nhà trên. Là chủ doanh nghiệp, anh Khanh càng có nhiều yếu tố, manh mối để tòa có thể khiến anh xuất đầu lộ diện, không thể cố tình lẩn tránh mãi được. Do ở xa lại già yếu, không tiện đi lại khi tòa triệu tập, mẹ chị Trinh có thể ủy quyền cho người khác sau khi tòa thụ lý đơn. Trường hợp khó khăn về kinh tế, nên nhờ địa phương xác nhận hoàn cảnh của mình để được tòa xem xét giảm án phí.
Phần chị Trinh, nếu không còn yêu thương và tôn trọng, đồng thời thấy không còn khả năng hàn gắn hôn nhân, chị có thể nộp đơn đơn phương ly hôn ở TAND H.Nhà Bè, để con cái dù không được gần cha cũng được nhận cấp dưỡng, bù đắp phần nào cuộc sống thiếu thốn, chông chênh của chị Trinh và các con.
(*): Tên nhân vật trong bài đã được thay đổi.
beforeAfter('.before-after');