Đám cưới ông Khương với người vợ hai diễn ra giản dị khi vỏn vẹn chỉ có vài người tham dự cùng mâm cơm cúng gia tiên. Thế nhưng, người vợ này cũng chỉ ở với ông Khương đúng 1 tháng thì phải viết đơn ly dị vì không chịu được sức ép mà những đứa con của ông mang lại.
Chuyện tình tuổi xế chiều
Vụ việc xin ly hôn của bà Văn Thị Loan (35 tuổi) vào cuối năm 2012 khiến thẩm phán Lê Bình Dân – cán bộ công tác tại TAND huyện Long Mỹ, Hậu Giang mang nhiều trăn trở. Theo lời kể của ông Dân, chồng của bà Loan là ông Khương (70 tuổi) nhất mực thương yêu vợ, muốn có người bầu bạn lúc tuổi già nhưng vì chuyện tình của hai người bị con cái ngăn trở, tạo nhiều khó khăn. Không những thế, sau 1 tháng làm vợ chồng, bà Loan nhận thấy người chồng của mình đã bước sang bên kia con dốc của cuộc đời trong khi mình còn quá trẻ nên cả hai không tìm thấy điểm chung trong chuyện chăn gối, từ đó dẫn tới mâu thuẫn giữa hai người.
“Ông Khương có 3 người con với người vợ đầu. Tuy nhiên, cuộc sống gia đình của người đàn ông này không bằng phẳng khi người vợ thứ nhất qua đời cách đây 30 năm trước. Nhớ vợ, thương con còn quá nhỏ nên ông Khương không muốn đi bước nữa vì sợ các con ở trong tình cảnh dì ghẻ con chồng. Do đó ông Khương quyết định ở vậy nuôi các con trưởng thành, nên người. Đến khi 3 người con của ông Khương khôn lớn trưởng thành thì đều đi làm ăn xa, cả năm chỉ tranh thủ được mấy ngày nghỉ về thăm ông, trong khi một mình ông thui thủi trong căn nhà với mảnh đất rộng, có khi cả tuần chẳng có bóng người lạ” – thẩm phán Lê Bình Dân kể.
Ảnh minh họa
Sự cô đơn của tuổi già khiến ông Khương cảm thấy sợ hãi, giây phút vui vẻ ngắn ngủi khi con cháu về thăm cũng không khỏa lấp được khoảng thời gian vò võ một mình. Nhiều đêm nằm nghĩ “tuổi già đau yếu, sinh có hẹn tử bất kỳ, có khi chết trong nhà cả tháng chả ai biết” khiến ông Khương rùng mình sợ hãi. Từ đó, ông Khương quyết định lấy thêm vợ để có thêm người bầu bạn lúc tuổi già.
Nhờ vào các mối quan hệ, ông Khương biết được bà Loan ở xã bên tuy trẻ hơn mình đến nửa đời người nhưng chồng qua đời cũng đã lâu. Đứa con duy nhất của bà Loan cũng đã lập gia đình, làm ăn xa nhà đến cả năm mới về. Hoàn cảnh của hai người khá giống nhau, nên dễ tìm được sự đồng cảm, ông Khương đánh liều sang trò chuyện rồi “đặt vấn đề” nên duyên vợ chồng với bà Loan.
Sau thời gian lưỡng lự, bà Loan chấp nhận lấy ông Khương làm chồng. Tuy nhiên cả hai đã vấp phải sự phản đối kịch liệt của con cháu. Để chia rẽ mối quan hệ giữa hai người, con cháu hai bên gia đình đã sang nói chuyện riêng với ông Khương, bà Loan, yêu cầu hai người chấm dứt. Nhưng hành động ấy như “đổ thêm dầu” vào ngọn lửa tình đang bốc hấy giữa hai người, ông Khương càng có cớ để gặp bà Loan tâm sự về những khó khăn mà con cái đem lại, còn bà Loan lại càng có cơ hội để trải lòng mình.
Các con càng chia rẽ thì tình cảm của ông Khương và bà Loan càng trở nên gắn bó. Hai người bất chấp tất cả, vượt qua sự phản đối của con mà đến trụ sở UBND xã đăng ký kết hôn. Ngày đám cưới diễn ra, không người con nào của ông bà Khương – Loan có mặt. Chỉ có hai người em của ông Khương chở anh trai sang đón bà Loan về nhà làm mâm cơm cúng gia tiên. Từ đó nên nghĩa vợ chồng.
Ly hôn trong nuối tiếc
Tưởng chừng sống bên cạnh nhau thì sẽ được yên ấm nhưng không ngờ đây mới chỉ là thời điểm bắt đầu những mâu thuẫn gay gắt xảy ra giữa bà Loan và ông Khương. Nghĩ rằng bà Loan nhất quyết cưới cha mình là vì muốn chiếm đoạt tài sản nên các con của ông Khương không ngừng gây sức ép.
“Trong đơn trình bày của bà Loan có nói rằng, ngày nào con ông Khương cũng đến nhà mắng nhiếc rồi ra ngoài đường nói xấu, đặt điều vu vạ khiến bà Loan không dám ngẩng mặt lên nhìn ai. Mặc dù tình thương dành cho ông Khương là thật lòng nhưng vì bà Loan còn quá trẻ nên khiến cho nhiều người cũng cảm thấy nghi ngờ” – ông Dân kể.
“Ngày hòa giải, tôi đã triệu tập cả bà Loan, ông Khương cùng con riêng của hai người. Tại căn phòng hòa giải, cả hai vợ chồng ông Khương thú nhận tình cảm dành cho nhau rất nhiều hơn là tình yêu. Mặc dù vậy, họ đều tỏ vẻ buồn rầu trong sự sôi sục của các con ngồi bên cạnh. Tất cả 3 người con của ông Khương đều một mực đề nghị giải quyết ly hôn cho cha mình.
Nghe thấy thế, ông Khương quay sang nhìn con với đôi mắt ái ngại, còn bà Loan ngồi nép vào tường với khuôn mặt khổ sở. Trước sức ép đến từ những người con, bà Loan và ông Khương dần dần cảm thấy mệt mỏi, cuộc sống hai người gặp nhiều khó khăn nên không còn cách nào khác là đành phải ly hôn để thỏa lòng con cái” – ôn Dân cho biết.
Mặc dù rất thương cảm cho tình cảnh của vợ chồng ông Khương nhưng trước sự cương quyết đòi ly hôn đến từ hai người, mà đằng sau đó là sự ngăn cấm của con cái, thẩm phán Lê Bình Dân đã nhiều lần khuyên nhủ các bên không thành nên đành phải đưa ra xét xử 1 tháng sau đó.
Ngày ra tòa, ông Khương gầy rộc hẳn đi, trên khuôn mặt hốc hác là đôi mắt trũng sâu. Còn bà Loan cũng không khá hơn khi đầu tóc xác xơ, bà bảo rằng: “Những tin đồn, cùng với gánh nặng tâm lý mà các con bên chồng tạo ra cho tôi không ngừng gia tăng. Mặc dù đã nộp đơn ly hôn ra tòa, đến tòa hòa giải nhưng dường như vẫn chưa tin hai người sẽ ly hôn thật nên sau khi trở về, 3 người con của ông Khương tiếp tục gây dức ép. Họ nói tôi còn trẻ mà còn chơi trò “trống bỏ” đi lấy ông già sắp chết để giải quyết nhu cầu sinh lý”.
Ông Dân nhớ lại: “Ngày diễn ra phiên xét xử, các con của ông Khương cũng có mặt tại tòa. Họ một lòng nói rằng vì thương cha đã già yếu nay phải đèo bòng nên mới làm như vậy. Nghe những câu nói đó, ông Khương không phản ứng gì, chỉ lặng lẽ quay sang nhìn bà Loan rầu rĩ. Cuối cùng, tôi buộc phải xử cho hai người ly hôn.
Bà Loan khăn gói rời khỏi nhà chồng sau đúng 1 tháng lấy ông Khương. Vì thời gian sống với nhau quá ngắn, tài sản chung cũng không nhiều nên không gặp mâu thuẫn trong việc phân chia tài sản giữa bà Loan với các con của ông Khương. Ra khỏi phòng xét xử rồi mà bà Loan và ông Khương vẫn cố đứng lại, gặp nhau lần cuối, gửi cho nhau những lời dộng viên ngậm ngùi”.
Luật sư Nguyễn Văn Nam thuộc Đoàn Luật sư TP.Cần Thơ cho biết: Theo luật hôn nhân và gia đình là không giới hạn về năng lực hành vi. Người được kết hôn chỉ cần đủ về độ tuổi, có quyền công dân, chứng minh được mình chưa có vợ (có chồng) hoặc chồng mất (vợ mất). Trong trường hợp của ông Khương và bà Loan, con cái cản trở việc ông bà kết hôn là vi phạm luật hôn nhân và gia đình. Nếu gây hiệu quả nghiêm trọng thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Còn chuyên gia tâm lý học Đinh Đoàn chia sẻ: “Con cái chính là người hiểu cha mẹ nhất. Vì thế, nếu các cụ muốn thêm “tập hai” thì cũng phải bình tĩnh ngồi nói chuyện với bố mẹ để có cái nhìn thống nhất. Nếu thấy mối quan hệ có thể chấp nhận được thì nên chủ động tìm hiểu “nửa còn lại” cho bố mẹ để tránh gặp phải người xấu, kết hôn chỉ để lợi dụng tình cảm và vật chất của cha mẹ mình. Nhiều người cho rằng, lấy thêm “tập hai” cho bố, mẹ là phải chăm sóc thêm cho một người già nữa, nhưng thực tế không phải vậy, hay mẹ chính là cách san sẻ trách nhiệm “hợp lý” nhất, bởi sẽ không có sự quan tâm nào chu đáo bằng sự quân tâm nhân danh “tình yêu”. |