mẹ mạnh mẽ hơn tất cả những gì con có thể nghĩ. Mẹ yêu thương con và các em theo một cách riêng - cái cách mà xưa nhiều khi con còn nói xấu mẹ với bà rằng mẹ ghê gớm, mẹ chẳng hề như các bà mẹ của bạn con và còn một mực xin sang nhà bà ở với bà.
Con vẫn hay tự hỏi:
- Tại sao mẹ lại cấm đoán con đủ điều trên đời và ngay cả việc con kết bạn cũng bị mẹ xen vô?
- Tại sao mẹ một mực chạy ngược chạy xuôi muốn con vô lớp chọn để học chứ không muốn con học lớp bình thường như bao bạn khác?
- Tại sao khi con đi chơi bị ngã chày mặt và tím bầm thì về nhà còn bị mẹ đánh đòn thêm?
- Còn những khi con không thể hiểu nổi tại sao mẹ lại cư xử độc đoán như vậy
- Và rất nhiều những điều khác nữa cứ thường trực nhảy xổ ra khi con và mẹ to tiếng với nhau.
Tâm sự với con ư? - chưa bao giờ hai mẹ con có khái niệm đó cả. Con ngoài chuyện báo cáo học hành bài vở, hoặc mách lẻo chuyện thằng em họ có người yêu thì tuyệt nhiên con cất hết mọi bí mật cho riêng mình - tại mẹ cấm con yêu đấy chứ, mẹ còn dọa dẫm sẽ làm gì đó nếu yêu đương nhăng cuội.
Con xin hứa là cho đến năm con hai mươi tuổi con vẫn còn kể với mấy chị hàng xóm rằng: " hồi bé em mà ngã thì mẹ đánh em té khói - cái tội đi không cẩn thận, chứ chẳng như bọn trẻ bây giờ, có vấp tí xíu mà nào thì mẹ thì bà rồi lại ông xúm vô coi cháu rồi đổ lỗi cho nhau ".
Còn chuyện lớp " chọn " - cấp ba con thi vô trường dư cả đống điểm, họ chưa kịp xét xem con có được vào lớp chọn không thì mẹ đã nẫng tay trên của họ mất rồi còn đâu - mẹ kêu dì ép nó phải vô lớp đó cho mẹ thì mẹ mới yên lòng ba năm được. Con chẳng hiểu - nhưng con vẫn phải thừa nhận, tại vì chơi với mấy cái đứa cứ ngày học đêm học, học cả giờ ra chơi, nên con mới đỗ đại học được - đến giờ con vẫn nhớ nguyên cái hình ảnh chúng nó ngồi học chắn cả lối làm con chẳng ra chơi được, mà có ra chơi cũng chẳng ai chơi với con.
Mẹ biết đấy, con nghe mọi người kể đại học vui ghê nha - học không được lại học lại. Mà lên đại học được coi là người lớn rồi còn gì, muốn làm gì thì làm, yêu đương khỏi bị cấm đoán này kia. Con quên mất là mọi người kể với con, tại con cứ ngỡ con cũng thế. Mẹ bảo:" học cho ra học, không học ở nhà đỡ tốn tiền, yêu đương nhăng cuội rồi cầm cái bằng trung bình về thì xấu cái mặt " - cấp ba mẹ bảo lên đại học rồi yêu - đại học mẹ bảo ra trường chưa muộn. Có hôm con xin:" không lấy chồng nha mẹ ", mẹ ừ ở nhà mẹ nuôi:" nhà mẹ rộng lắm ".
Xưa - dạo cấp hai - mẹ cấm đoán con chơi bạn này bạn kia vì tụi nó lêu lổng chẳng học hành - mẹ nói không được mẹ đánh đòn khóc sướt mướt, tại con sợ mẹ nên nghỉ chơi cả bạn luôn, giờ thì tụi nó có đứa có cả con vài tuổi rồi ấy chứ. Còn con gái mẹ vẫn chỉ ngồi chờ mẹ mượn xe để mẹ đổ giùm xăng vô cho - hì! con vẫn vui - tại con chưa muốn lớn đến mức nghĩ mình sẽ lấy chồng.
Xưa - ốm - thì mẹ chăm, bố đêm hôm vẫn đi mua thuốc. Từ ngày cấp ba mẹ bắt đầu thả cửa - tự đi mà lo - ốm thì phải nói với bố, chứ bố mẹ bận làm sao để ý mãi được. Lên đến đại học, có khi vô tình đọc trên facebook bạn này than ốm chẳng ai lo. Con chỉ muốn gào lên là - con còn được huấn luyện từ cấp ba rồi cơ, con tự đi mua thuốc và còn kiểm nghiệm xem cho đến giờ con hợp với thuốc nhà bác nào nhất.
Mẹ luôn nói:" mẹ với bố có tiếc mua tiếc sắm chứ không bao giờ tiếc ăn tiếc học cho mấy đứa - ăn cho lớn, học cho giỏi để không vất vả như bố như mẹ ". Mọi người hay nói:" học không phải là con đường duy nhất " - đúng - nhưng với hầu hết các ông bố bà mẹ đều muốn con mình lựa chọn việc học là trên hết. Con thi vào trường con thích - chứ không phải trường mẹ thích, cái ngày công bố điểm thi đại học của con - trong khi con còn ngái ngủ thì mẹ đã biết tỏng con được mấy điểm mất rồi. Mẹ chẳng chúc mừng, cũng chẳng thưởng - con đoán là mẹ lại nghĩ đỡ uổng tiền mẹ bỏ ra cho mày ăn học - tánh mẹ luôn vậy - thành ra giờ tánh con cũng y vậy á.
Cho đến những ngày của tuổi hai hai, khi con ngưng đặt những câu hỏi và nhìn lại bản thân mình - con mới hiểu - không bỗng dưng con có thể học mọi điều một cách tự lập và mạnh mẽ đến như thế. Và nếu như - con không sinh ra từ bụng mẹ thì giờ con sẽ là người như thế nào mẹ nhỉ?.
Ảnh: nguồn pinterest
LIU.
L I U -