Có thể nói, xung đột giữa mẹ chồng – nàng dâu không phải “đặc sản” của riêng một gia đình nào mà là “nhức nhối” của toàn xã hội. Hai người phụ nữ, với những hoàn cảnh tương đồng đáng nhẽ phải có sự tương liên với nhau, ấy vậy mà họ lại coi nhau như những kẻ thù không đội trời chung. Vậy thì nguồn cơn do xung đột do đâu mà ra? Do mẹ chồng? Do nàng dâu? Hay do những yếu tố khách quan bên ngoài?
Đã có rất nhiều ý kiến đề cập tới nguyên nhân sâu xa của mâu thuẫn mẹ chồng – nàng dâu, và đa phần các ý kiến đều chỉ ra rằng một trong những nguồn cơn châm ngòi cho “đại chiến” mẹ chồng – con dâu bắt nguồn từ chính mẹ chồng. Phần lớn nguyên do là sự ích kỉ trong tình yêu mà người mẹ ấy dành cho con trai của mình. Đứa con trai mình dứt ruột sinh ra, chịu bao đau đớn cả về tâm hồn và thể xác. Đứa con trai mình nhất mực yêu thương, hy sinh tất cả để dành tất cả mọi thứ tốt đẹp nhất cho con. Ấy vậy mà bỗng dưng xuất hiện một người phụ nữ xa lạ, người phụ nữ với danh nghĩa là vợ, đã lấy mất tình cảm của con dành cho mình, cướp mất sự quan tâm của con dành cho mình, chia rẽ tình cảm của hai mẹ con.
Âm ỉ trong thâm tâm người mẹ chính là cảm giác lạc lõng, bị bỏ rơi, bị đẩy ra ngoài cuộc đời của chính đứa con mình yêu thương nhất. Người mẹ ấy lúc nào cũng canh cánh một nỗi lo thường trực: Lấy vợ rồi con còn nhớ đến mình? Nó có nghe lời vợ mà bỏ quên mình? Chính vì vậy, trong nhiều cuộc chiến mẹ chồng – nàng dâu, người chồng, người con luôn bị lôi ra làm tấm chắn, phải lựa chọn đứng về phía mẹ hay đứng về phía vợ. Từ đó họ trở thành “nạn nhân đáng thương nhất” của cuộc chiến không hổi kết này.
Thế nhưng nếu chỉ đổ lỗi cho mình mẹ chồng thôi cũng không đúng. Một cuộc chiến nổ ra chỉ khi cả hai bên đều có lỗi. Trên thực tế, có không ít nàng dâu cũng không phải dạng vừa khi ngay từ những ngày đầu về làm dâu đã muốn “đạp lên đầu mẹ chồng ngồi” khi lười biếng, không chịu làm việc nhà, nói những lời gây tổn thương cũng như thể hiện một cái tôi quá lớn không chịu hòa nhập vào sinh hoạt của nhà chồng.
Vẫn biết cô gái nào về làm dâu cũng mong muốn một cuộc sống màu hồng, được chồng yêu thương, chiều chuộng, được bố mẹ chồng coi như con cái trong gia đình. Thế nhưng, chính những thói quen “thích ăn sẵn”, không muốn cố gắng, thích thể hiện cái tôi đã biến cuộc hôn nhân của họ trở địa ngục, kéo mối quan hệ với mẹ chồng xuống điểm đóng băng.
Bởi vậy, dù là mẹ chồng hay nàng dâu, dù có cảm thấy như thế nào thì hãy cố gắng học cách lắng nghe, tìm kiếm tiếng nói chung để hiểu nhau hơn một chút. Hãy là những người mẹ chồng tốt, là người con dâu tốt, đừng để sự ích kỷ, những lo lắng đè nặng lên bản thân. Hãy đối xử chân thành với nhau như hai người bạn vì dẫu sao hai người cũng đã có thời gian gắn bó.