Bên cạnh vấn đề “"mẹ chồng- nàng dâu" muôn thuở, một mối quan hệ khác cũng rắc rối và khó xử không kém đó chính là mối quan hệ “em chồng- chị dâu”. Đặc biệt, khi về sống chung một nhà, mối quan hệ ấy càng dễ xảy ra nhiều vấn đề khó giải quyết.
Mới đây, tâm thư của một người chị dâu gửi đến em chồng của mình đã nhận về nhiều luồng ý kiến trái chiều đến từ các cư dân mạng.
Câu chuyện sau khi đăng tải đã thu hút sự quan tâm của nhiều người. |
Tâm thư của cô gái ấy như sau:
“Thế là chị em mình sống với nhau cũng đã một năm rưỡi rồi em nhỉ. Thời gian đó đủ để hiểu bản tính của một con người như thế nào đúng không em?
Ấn tượng đầu tiên của chị về em là em trông hiền hiền, hơi nhút nhát, tự ti vì mặt nổi nhiều mụn trứng cá, em thích nhạc hàn quốc và thần tượng các oppa... không sao, chị nghĩ là chị em mình có thể sống chung cùng nhà được, vì anh trai em, ở với em vài năm, cho đến khi em lấy chồng thì có sao đâu.
Thời gian đầu sống chung em chưa thể hiện nhiều, trừ việc em ở nhà cả ngày để ôn thi vào chỗ bố mẹ xin việc cho em. Chắc em là người sướng nhất, ra trường rồi không cần phải bon chen như các bạn, chỉ việc nằm nhà chờ bố mẹ lo lót cho đi làm. Thời gian đấy em cũng xin đi làm bán thời gian ở vài nơi nhưng chưa được mấy ngày em đã nghỉ vì kêu mệt, lương thấp, công việc vất vả. Thế là em lại nằm ở nhà chờ bố mẹ gửi đồ ăn từ quê ra.
Bố mẹ thấy xin việc cho em khó khăn quá, gọi em về nhà bán hàng giúp bố mẹ. Em không chịu, chỉ thỉnh thoảng chủ nhật tạt về quê mang đồ ăn lên Hà Nội. Hàng xóm trông thấy hỏi, bố mẹ cười trừ nói em đã xin được việc rồi nên ít về.
Bố mẹ lại cố chạy việc cho em chỗ khác ở gần nhà. Em cũng ôn thi, cũng thi, chả biết có đỗ không hay do bố mẹ chạy cho em nhưng đến khi người ta gọi đi làm thì em lại không muốn về. Em không muốn làm ở quê, đã khoe với mọi người là làm ở HN rồi mà giờ lại bề quê làm thì ê mặt lắm. Em lại tiếp tục nằm dài ở thành phố.
Rồi một ngày nắng nóng, chị đi làm về mệt nên ăn ít hơn mọi khi, em cho rằng chị không thích ăn đồ ăn em nấu, không thích đồ mang từ quê lên... Từ hôm đấy, em không nấu cơm nữa, em cũng không ăn cơm tối cùng anh chị nữa. Em ở nhà cả ngày nhưng nhà không quét không lau, cơm nước không nấu, quần áo em tích cả tuần mới giặt. Chả ai dám nói em sợ em tự ái.
Em bảo em không ăn tối để em giảm cân chuẩn bị đi làm, em bảo em bận ôn thi tìm việc khác nên không có thời gian dọn nhà. Em thức cả đêm xem các oppa nhảy nhót, cười lăn lộn xem Runing man rồi sáng sau ngủ bù.
Rồi một ngày em nói em xin được việc rồi, bố mẹ mừng, anh chị cũng mừng. Sáng em dậy sớm nấu cơm mang đi làm, em chăm giặt đồng phục công ty hẳn. Chỗ em làm không xa nhưng sáng đi tắc đường mất một tiếng, chiều về tắc đường mất tiếng rưỡi. Em đi làm mệt lắm, nhưng bù lại lương cao, nên em phải cố mà bám lấy công việc ấy.
Thế nhưng em ơi, từ lúc em đi làm công việc lương cao ấy đến giờ, và thậm chí trước đó nữa, em chưa bỏ ra một đồng đóng tiền nhà tiền điện tiền nước tiền sinh hoạt phí đâu nhé. Bao nhiêu chi phí anh chị vẫn đang gánh cho em đấy. Còn em thì sáng nấu cơm xong nồi niêu xong chảo còn nguyên.
Được hôm em rửa thì còn nguyên mỡ, cơm vẫn dính đáy nồi, bếp dính đầy dầu mỡ chả lau để gián kiến hành quân đầy nhà. Nhà vệ sinh phòng em bốc mùi nồng nặc em cũng chả dọn, chăn màn giường gối em em không gấp không giặt, ở sạch như vậy thì bao giờ mặt em mới hết mụn hả em?
Chị với anh em cũng nín nhịn dọn thay em nhiều lần rồi, dù sao cũng ở chung nhà, nhưng em à, giờ anh chị sắp có em bé rồi, không có nhiều thời gian để dọn hộ em được nữa, anh chị còn phải dành tiền chăm sóc em bé nữa. Nếu em vẫn đang làm công việc lương cao ấy thì biết ý mà san sẻ giúp anh chị, dù là việc nhà hay chuyện sinh hoạt phí. Còn không thì em nên tìm căn nhà trọ gần chỗ em làm để đi lại cho tiện, có thời gian làm đẹp, dọn dẹp và nghỉ ngơi.
Có ai còn độc thân nhà có ôsin thì rước em chồng mình về ở cùng nhé, mình biết ơn lắm lắm”.
Ngay sau khi được chia sẻ, câu chuyện trên đã thu hút hơn 6.000 lượt like, bày tỏ cảm xúc cùng hàng trăm lượt bình luận. Có những lời thẳng thắn ủng hộ người chị dâu.
Bạn Phương Minh bình luận: “Đọc tâm sự của chị, em thấy chị dùng lời lẽ rất lịch sự nhưng có lẽ chịu đựng lâu quá nên bao nhiêu tức giận mọi người cũng đều thấy được".
Đồng quan điểm, bạn Hiền Hoa nói: "Trong trường hợp này thì tôi lên án mạnh mẽ cô em chồng kia nhé. Anh chị cô đã im lặng giúp đỡ dọn dẹp cho rồi mà không biết đường! Như thế người ta gọi là mặt dày, không biết ăn ở. Thương thay cho bố mẹ bạn. Mong bạn sớm tỉnh ngộ.”
Cũng có những người lại cho rằng những chuyện như thế này không nên mang lên đến tận trên này: "Đăng lên tự dưng em cô đọc được tình cảm rạn nứt hơn. Việc này tốt nhất nói thẳng dĩ nhiên là người anh trai nói rồi. Còn nếu nói không được nữa cho ra ngoài ở", bạn Tuyến thẳng thắn nói.
Kết lại, trong câu chuyện này, lỗi sai đến từ cả hai. Cô em chồng lười biếng, thiếu tế nhị và dựa dẫm vào anh chị, cha mẹ, nhưng người chị dâu cũng có cách ứng xử chưa khéo léo, khiến cho mối quan hệ càng căng thẳng hơn. Suy cho cùng, khi đã cùng chung sống dưới một căn nhà, mỗi người cần phải học cách cảm thông và quan tâm đến nhau nhiều hơn để cuộc sống gia đình luôn được êm ấm.