Từng là bạn học thời phổ thông và một thời gian tìm hiểu không hề ngắn ngủi, cặp vợ chồng bằng tuổi Chu Hồng Đông – Lê Thu Trang (sinh năm 1983, TP Thái Nguyên) đã có không ít kỷ niệm bên nhau trước khi tổ chức đám cưới ở tuổi 28. Sau nhiều nỗ lực và cố gắng, Đông – Trang hiện đã có công việc ổn định tại cơ quan Nhà nước, một tổ ấm với kinh tế vững vàng và lúc nào cũng tràn ngập tiếng cười bên cô công chúa nhỏ xinh xắn Lê Diệu Anh (tên ở nhà là Chích Bông).
Những người bạn thân thiết của gia đình nhỏ chắc hẳn đã không hề xa lạ với những bài tâm sự xuất hiện đều đặn trên trang cá nhân mà ông bố trẻ dành riêng cho gia đình nhỏ. Háo hức trước ngày cưới, ngày vợ mang bầu Chích Bông, ngày con chào đời, con gái ốm… Hồng Đông đều trải lòng bằng cách viết lách. Được sự ủng hộ của vợ, sau đám cưới, hai vợ chồng Hồng Đông – Thu Trang còn lên kế hoạch về việc viết nhật ký gia đình bằng hình ảnh, với tần suất mỗi tháng/1 bộ ảnh kể từ khi con gái đầu lòng ra đời cho đến nay.
Cuộc trò chuyện với cặp vợ chồng công chức giỏi giang trong công việc lại vừa biết vun vén cho tổ ấm Hồng Đông – Thu Trang đã phần nào bật mí về bí quyết để gia đình luôn vang mãi tiếng cười hạnh phúc!
Chào Đông, bạn có thể giới thiệu về gia đình nhỏ của mình?
- Chào bạn. Mình rất vui khi được nói chuyện về chủ đề gia đình - chủ đề không mới nhưng là muôn thuở. Về gia đình mình thì hiện hai vợ chồng và bé Chích Bông ở cùng ông bà nội của bé ở thành phố Thái Nguyên. Một gia đình có ba thế hệ và 6 thành viên.
Bạn có từng chia sẻ về dự định xây dựng nhật ký hình ảnh cho hai vợ chồng và bé Chích Bông với một "gia tài nho nhỏ" đáng yêu là 20 bộ ảnh gia đình với đủ các chủ đề. Ý tưởng cũng như là quá trình thực hiện những bức ảnh này ra sao?
- Với mong muốn ghi lại chân thực nhất những hình ảnh cuộc sống đời thường của hai vợ chồng và con gái đầu lòng Diệu Anh Chích Bông, sau khi làm đám cưới và mang thai bé, hai vợ chồng mình đã bắt đầu cùng xây dựng ý tưởng làm nhật ký gia đình bằng hình ảnh. Để sau này con gái của mình có điều kiện hiểu hơn về ấu thơ của mình còn với hai vợ chồng qua mỗi bộ ảnh cùng chụp với con, sẽ cảm nhận được sự trưởng thành của con. Thế là ý tưởng, nối tiếp ý tưởng lần lượt các cung bậc cảm xúc: Chín tháng mười ngày (Ngày mang thai bé), Ngày con biết lẫy (Khi bé Chích Bông 3 tháng tuổi), Mẹ yêu con (Khi con gái 7 tháng), Đất nước trọn niềm vui (Ngày 30/4), Gia đình và tình yêu biển đảo (Ngày gia đình Việt 28/6), Tour mùa thu của bé Chích Bông (khi con 11 tháng), Mùa trung thu con đến bên ba mẹ (Khi con 12 tháng), Ba mẹ mang xuân về (Tết nguyên đán)…. đã ra đời. Và gần đây nhất là bộ ảnh: Một gia đình nhỏ, một hạnh phúc to và Chuyện tình của núi.
Sau khi hai vợ chồng lên được ý tưởng, gia đình mình thường chọn những ảnh viện trong thành phố Thái Nguyên hoặc mời các nhiếp ảnh gia cộng tác ghi hình lại.
Bộ ảnh "Chuyện tình của núi" khá đặc biệt khi được thực hiện trong bối cảnh căn nhà sàn và câu chuyện tình yêu mộc mạc nhưng chan chứa cảm xúc. Bộ ảnh này có phải được lấy ý tưởng dựa trên câu chuyện có thực của gia đình bạn?
- Trong các bộ ảnh gia đình, “Chuyện tình của núi” là duy nhất được gợi tứ từ một bài hát. Đó ca khúc “Chín bậc tình yêu” của nhạc sỹ An Thuyên. Lấy bối cảnh núi rừng Việt Bắc, với nhà sàn đơn sơ, nơi nảy nở tình yêu giữa hai vợ chồng. Một đám cưới quê mộc mạc và sau 9 tháng đợi chờ từ “nhà sàn đơn sơ mẹ sinh con”. Rồi chăm con khôn lớn, dìu từng bước con trưởng thành... Đây cũng là hình ảnh phổ biến tại những địa phương miền núi của tỉnh Thái Nguyên, nơi vợ chồng mình sinh sống.
Và để gần gũi với những ca từ trong “Chín bậc tình yêu”, nhà mình đã chọn trang phục, hậu cảnh là một gia đình dân tộc Tày, một trong những dân tộc có dân số đông thứ hai sau người Kinh. Vì được xây dựng ý tưởng từ một ca khúc trữ tình, “Chuyện tình của núi” vì thế mà cốt truyện rõ ràng theo thời gian tuyến tính như mình vừa kể trên, khác với những bộ ảnh gia đình mình thực hiện theo khoảnh khắc hay theo mùa.
Bạn có thể chia sẻ một ngày của gia đình diễn ra như thế nào?
- Một ngày với gia đình mình thường bắt đầu từ 6h sáng. Hai vợ chồng cho bé Chích Bông thức giấc, vệ sinh cá nhân, cho con ăn sáng, rồi gửi ông bà nội trông bé để hai vợ chồng đi làm. Cả hai vợ chồng là công chức Nhà nước nên 8 tiếng là dành cho công việc. Thời gian còn lại dành cho bé Chích Bông và gia đình.
Được biết vợ chồng là bạn học từ thời phổ thông. Bạn hẳn đã phải chờ đợi rất lâu trước khi tiến đến đám cưới?
- Như bạn đã biết vì vợ chồng mình từng là bạn học từ thời phổ thông nên tình yêu của hai người trước tiên đó là tình bạn. Vì có cả một thời chung học nên khái niệm tình bạn và tình yêu của bọn mình đã bị biến thành một và sau khi ra trường, ổn định công tác và sự nghiệp bọn mình mới quyết định làm đám cưới. Khi ấy cả hai đều ổn định công việc và có một vị trí nhất định trong xã hội.
Sau đám cưới, hai bạn đã có trong tay những gì? Xây dựng tổ ấm và kinh tế gia đình trong mấy năm vừa qua, hai vợ chồng có vất vả không để có được ngày hôm nay?
- Sau đám cưới, gia tài lớn nhất trong tay hai vợ chồng có lẽ là cô con gái rượu đầu lòng. 29 tuổi, cả hai vợ chồng mới được biết cái hạnh phúc làm cha, làm mẹ. Có con đã làm cuộc sống của hai thay đổi. Cả hai vợ chồng nỗ lực hơn trong công tác và cuộc sống bởi vì mọi sự phấn đấu xét cho cùng là để dành cho con hết.
"Vợ chồng bằng tuổi, nằm duỗi mà ăn", câu nói này có đúng với trường hợp của hai bạn?
- Các cụ xưa vẫn bảo "Vợ chồng bằng tuổi, nằm duỗi mà ăn" để ý chỉ những cặp đôi cùng lứa sẽ có cuộc sống sung túc, phát đạt và giàu sang. Mình thấy thực tế đôi khi khác. Hai vợ chồng bằng tuổi, theo mình cái được đó là suy nghĩ dễ có sự đồng cảm với nhau hơn, vì thế mà sự chia sẻ, thông cảm cho nhau nhiều hơn về sở thích, quan niệm sống cũng gần nhau hơn. Theo duy tâm một tý, bằng tuổi là cùng mệnh nên thường không có sự xung khắc gì.
Còn về vấn đề kinh tế với hai vợ chồng mình cũng ở mức trung bình thôi, vì cả hai là công chức Nhà nước, lương rất ổn định. Với đồng lương thường là cố định nên hai vợ chồng phải xây dựng kế hoạch chi tiêu phù hợp: Từ tiền ăn, tiền mặc, tiền tiêu dùng… và tiền tiết kiệm cho con, mọi thứ chi phải có kế hoạch và phù hợp với mức lương của cả hai. Trong cuộc sống, kinh tế quan trọng nhưng không là tất cả theo quan niệm của vợ chồng mình. Điều quan trọng nhất trong cuộc sống là mình hài lòng với cuộc sống của mình và tìm niềm vui trong thứ đời thường xung quanh ta. Với cá nhân mình: Con cái, công việc hiện tại giúp ích được cho đời... là niềm vui sống lớn nhất rồi. Niềm vui ấy đôi khi lại được lưu giữ bằng những bộ ảnh kỷ niệm, những khoảnh khắc đời thường nữa thì thật tuyệt vời.
3 năm sau ngày cưới, đến nay, bạn thấy mình được những gì?
- Mình thuộc thời 8X đời đầu, bạn bè vẫn hay đùa nhau về một công thức sống với 5 chữ số: “1 vợ, 2 con, nhà 3 tầng, xe 4 bánh, đi 5 châu”. Sau ba năm xây dựng tổ ấm, cũng nhiều khi chiêm nghiệm lại công thức sống ấy đúng một phần. Phổ thông trong đời, ai cũng có đam mê như thế. Nhưng như mình vừa chia sẻ, điều quan trọng trong cuộc sống là mình hài lòng về cuộc sống của mình. Vợ chồng là duyên nợ, con cái là lộc trời cho.
Nhà cửa, phương tiện và đi du lịch đây đó còn tùy thuộc điều kiện riêng của mỗi người. Chính thế mà nhà mình không đẹp nhưng nó tiện cho cuộc sống của cả nhà, xe 4 bánh không sang nhưng vẫn phục vụ tốt cho việc đi lại của hai vợ chồng và bé Chích Bông. Việc đi du lịch thì hai vợ chồng cân đối chi tiêu để xây dựng kế hoạch.
Có khi nào bạn hối hận về quyết định nào đó của mình trong quá khứ, chẳng hạn như việc nếu biết kết hôn và có con hạnh phúc thế này thì có lẽ mình nên cưới sớm?
- Ba năm sau ngày cưới, thời gian chưa nhiều để nhìn lại. Nhưng cái được mà mình đã thấy đó là gia đình hạnh phúc, an viên bên con cái. Việc kết hôn muộn có làm mình hối hận không ư? Không bạn ạ, kết hôn muộn cũng có lợi ích riêng của của nó. Khi đã gần 30 mới kết hôn, bạn đã nắm trong tay một sự nghiệp, tài chính vững vàng, sự chững chạc, sự thận trọng vì vậy mà cuộc sống và chất lượng cuộc sống gia đình sẽ tốt hơn.
Ngắm nhìn những bức ảnh hạnh phúc của hai vợ chồng và bé Chích Bông, có cảm giác như tình yêu giữa mọi người lúc nào cũng đong đầy như vậy. Bạn có bí quyết nào về việc gìn giữ "ngọn lửa" trong gia đình?
- Tình cảm vợ chồng và hạnh phúc gia đình người ta hay nhắc đến hai từ: “Tình nghĩa”. Khi trẻ người ta sống với nhau nhiều vì Tình. Khi lớn tuổi hơn thì sống với nhau vì Nghĩa vợ chồng. Vợ chồng mình thì không còn trẻ nữa cũng chưa quá già nên hai vợ chồng trung hòa hai thứ đó: Sống vì cả tình và nghĩa. Sự yêu thương, chia sẻ cuộc sống, quan tâm tới nhau, quan tâm tới con cái, tìm vui trong chăm con và theo mỗi bước con trưởng thành đã làm cả nhà gần gũi nhau hơn vì thế mà “ngọn lửa” yêu thương luôn thắp sáng. Và cả hai vợ chồng mình đều trân trọng những phút giây đã, đang và sẽ có bên nhau ấy.
Hai vợ chồng cùng làm cơ quan nhà nước, kinh tế vững vàng, con gái ngoan ngoãn. Hạnh phúc với bạn tưởng chừng như đã quá đủ đầy. Hai bạn còn mơ ước điều gì nữa không?
- Thực sự với thời điểm hiện tại, mơ ước của hai vợ chồng mình là cả nhà khỏe mạnh, bé Chích Bông trưởng thành, chăm ngoan và học giỏi. Trước mắt thì chỉ có thế!
Xin cảm ơn bạn về cuộc trò chuyện! Chúc gia đình bạn hạnh phúc bền lâu!
Có thể bạn quan tâm: