1. Bản thân đã thực sự chơi đủ chưa?
Khi được hỏi “Đã muốn kết hôn chưa?”, không ít các bạn nữ sẽ chần chừ không thể trả lời bởi không nỡ giã từ cuộc sống “độc thân quý tộc”, không nỡ tạm biệt những tháng ngày bay nhảy khắp nơi. Hôn nhân giống như là một bước đường mà ai cũng phải đi qua trong cuộc đời nhưng một khi đã bước vào thì không còn con đường nào quay đầu trở lại. Chấp nhận kết hôn đồng nghĩa với việc bạn chấp nhận mất đi sự tự do tự tại của mình, mất đi những cuộc vui cuồng nhiệt với lũ bạn, mất đi sự tự do về kinh tế, không thể nào tuỳ ý tiêu pha như trước, mất đi những thời gian tự chăm chút cho bản thân.
Do đó trước khi kết hôn, hãy tự hỏi thật nhiều lần liệu bản thận đã thực sự đủ ý thức độc lập và sự chín chắn hay chưa. Bạn đã sẵn sàng vứt bỏ hết những điều mà bản thân yêu thích hay chưa? Mấu chốt ở đây không phải bạn bao nhiêu tuổi, không phải bạn đã trải qua những mối tình như thế nào mà là bạn đã sẵn sàng vứt bỏ “sự ích kỷ” của bạn thân và sẵn sàng chấp nhận cuộc sống hôn nhân đầy sự “trói buộc”.
2. Bạn có sẵn sàng hy sinh cho đối phương không?
Trên thế gian này, không ít lần, hôn nhân được ví như sự cống hiến và lòng khoan dung. Chính bởi vậy, trước khi cùng một ai đó bước vào cuộc sống hôn nhân, bạn hãy tự hỏi bản thân có đồng ý vì đối phương mà hy sinh? Bản thân đã đủ sự bao dung để không tính toán thiệt hơn với người chung chăn gối? Nếu tự hỏi bao nhiêu lần mà câu trả lời vẫn là “không”, thì dù xuất phát điểm của bạn là gì đi nữa thì hôn nhân của bạn cũng sẽ sớm kết thúc trong “chiến tranh”, sự bất đồng và thiếu sự thấu hiểu lẫn nhau mà thôi.
3. Bạn đã thực sự hiểu hết về hôn nhân?
Đối với nhiều bạn nữ, hôn nhân giống như một thế giới đầy màu hồng tràn ngập niềm vui, sự hạnh phúc, và chỉ cần có tình yêu là đủ. Thế nhưng, thực tế đã chứng minh điều hoàn toàn ngược lại, hôn nhân chính là một thế giới pha trộn giữa màu hồng hạnh phúc và sự xám xịt của sự bất đồng. Dù tình yêu có lớn đến thế nào nhưng thiếu đi những điều như sự chấp nhận của gia đình, sự trách nhiệm của cả hai, sự thấu hiểu, sẻ chia về công việc và cả sự giàu nghèo của đối phương…, thì chắc chắn hôn nhân đã đi vào ngõ cụt.
Bởi vậy nếu không thể hiểu hết về hôn nhân, về những điều chứa đựng trong nó thì những ngày tháng sau hôn nhân sẽ không ngừng xuất hiện mâu thuẫn, va chạm giữa hai người, làm rạn nứt tình cảm cho dù ban đầu nồng nàn đến mức nào.
4. Quyết định kết hôn có phải do bản thân đã quá tuổi hay bạn bè đã kết hôn hết?
Nếu câu trả lời là “Đúng” thì bạn hãy tự hỏi bản thân mình liệu bản thân có thực sự hạnh phúc khi kết hôn hay không? Đại đa số những người kết hôn vì quá tuổi hoặc bạn bè đã kết hôn hết đều là những người thiếu lòng tự tin, và luôn luôn lo sợ. Sợ rằng bản thân sẽ một thân một mình sống hết quãng đời còn lại. Sợ rằng nếu còn chậm trễ nữa thì sẽ chẳng còn ai muốn cưới. Sợ những lần gặp gỡ bạn bè bị hỏi “Bao giờ mày mới định lấy chồng?”. Trong tình hình như vậy, việc bạn cần làm không phải là kết hôn mà là thay đổi cách sống, cách suy nghĩ của chính bản thân mình. Đừng tự trói buộc bản thân phải kết hôn, đừng tự nghĩ ra những viễn cảnh mù mờ, ảm đạm. Hãy tự gia tăng thêm màu sắc cho cuộc sống của mình rồi đến một lúc nào đó bạn sẽ tìm được một cuộc hôn nhân vừa ý.
5. Có phải bạn kết hôn vì muốn trốn chạy điều gì đó?
Hãy tự hỏi bạn muốn kết hôn có phải do muốn trốn chạy khỏi cuộc tình cũ hay vì một lý do khó nói nào đó? Nếu câu trả lời là “Đúng” thì tốt nhất bạn nên mạnh dạn buông bỏ hoặc chờ đợi cho đến khi bạn thực sự muốn kết hôn. Đừng chỉ vì một lý do cá nhân nào đó mà trói buộc cả hai người vào một cuộc hôn nhân không tình yêu.