Ngày 24.11.2015, Quốc hội đã thông qua Bộ luật Dân sự (sửa đổi), trong đó có quy định về cho phép chuyển đổi giới tính.
Điều 37, Bộ luật này quy định: "Việc chuyển đổi giới tính được thực hiện theo quy định của luật. Cá nhân đã chuyển đổi giới tính có quyền, nghĩa vụ đăng ký thay đổi hộ tịch theo quy định của pháp luật về hộ tịch; có các quyền nhân thân phù hợp với giới tính đã được chuyển đổi theo quy định của Bộ luật này và luật khác có liên quan".
Hàng ngàn người chuyển giới ở Việt Nam đã vui mừng khi được pháp luật công nhận, để họ được sống đúng với giới tính của mình. Thế nhưng, đến nay vẫn chưa có văn bản hướng dẫn kèm theo nên quyền chuyển đổi giới tính vẫn bị "treo" khiến bộ phận này mỏi mắt chờ đợi.
Ảnh minh họa. Nguồn: Zing.vn |
Người chuyến giới và bi kịch chứng minh "Tôi chính là tôi”
"Trên giấy tờ thì họ tên và giới tính của tôi vẫn là nữ. Trong khi thể hiện bên ngoài của tôi lại như một người nam. Rắc rối khiến tôi không thể xin được việc. Họ nhìn tôi với ánh mắt nghi ngờ, rồi ngạc nhiên, rồi như xua đuổi...
Một lần đi thanh toán bảo hiểm, thủ tục chỉ cần chứng minh thư nhân dân, đến lượt tôi thì họ yêu cầu tôi có cả sổ hộ khẩu, giấy khai sinh, phải làm giấy cam kết rằng tôi chính là tôi. Tôi phải chạy đôn đáo khắp nơi để xin xác nhận từ chính quyền, công an...”.
Sau nhiều lần bối rối vì những thủ tục chẳng giống ai, V.D.H (27 tuổi, Hoàng Mai, Hà Nội) đã cảm thấy quen dần với hành trình chứng minh thân xác của một chàng trai trên giấy tờ của một cô gái.
V.D.H nói: "Trước đây, tôi trông ngóng việc chuyển giới được công nhận ở Việt Nam bao nhiêu, thì giờ, tôi chờ đợi việc luật hóa để mình được pháp công nhận bấy nhiêu. Bản thân tôi hoang mang, lo lắng vì không biết mình phải chờ đến bao giờ”.
Đó cũng là cảm giác của hơn 1000 người đã tiến hành phẫu thuật chuyển giới đang sinh sống tại Việt Nam.
Trò chuyện với PV, Lương Trường Giang (SN 1994, Sa Đéc, Đồng Tháp), một hot girl chuyển giới được biết đến nhiều trên mạng xã hội với biệt danh dễ thương là Su Pin cho biết: "Trải qua quá trình phẫu thuật chuyển giới tốn kém, với bao nhiêu chịu đựng đau đớn, điều cuối cùng nhưng là điều quan trọng nhất là được pháp luật công nhận là một người con gái danh chính ngôn thuận thì vẫn chỉ là mơ ước.
Được pháp luật công nhận là một người con gái danh chính ngôn thuận là mơ ước của nhiều người chuyển giới nữ. |
Hiện tôi cũng có bạn trai, đi đâu cũng quấn quýt lấy nhau nhưng đôi lúc đưa ra hai chiếc chứng minh thư đều là con trai, người ta lại nhìn chúng tôi với ánh mắt rất lạ”.
Su Pin chia sẻ thêm: "Mệt mỏi nhất là khi làm thủ tục xuất nhập cảnh, qua cửa an ninh hàng không. Những giấy tờ nhân thân như chứng minh thư, hộ chiếu trước đây khác rất nhiều so với tôi hiện nay. Thế nên tôi phải thuyết phục mất rất nhiều thời gian để đối chiếu giấy tờ. Nhiều khi tôi suýt bị lỡ chuyến bay.
Khi tôi làm thủ tục xuất cảnh ở Thái Lan, tôi cũng phải giải trình với an ninh, nhưng ở một đất nước công nhận chuyển giới như Thái Lan, việc giải trình dễ dàng hơn rất nhiều so với việc nhập cảnh vào Việt Nam. Nhiều người dường như chưa quen, hoặc chưa chấp nhận những người chuyển giới như chúng tôi”.
Su Pin nói cô mong đợi được thay đổi về giấy tờ, để ước mơ kết hôn của cô sẽ trở thành hiện thực.
"Bạn bè tôi nhiều người đã chết trên bàn phẫu thuật, hoặc chết vì những biến chứng sau phẫu thuật chuyển giới, tôi may mắn trở về và có một hình hài đẹp đẽ.
Nhưng tôi còn khao khát có chứng minh nhân dân đúng với giới tính của mình, để sống một cuộc đời bình thường như bao công dân khác. Tôi cũng như nhiều người chuyển giới ở Việt Nam vẫn đang mong ngóng từng ngày để đạt được ước nguyện”.
Chờ đến bao giờ?
Theo số liệu thống kê năm 2015 của Bộ Y tế, Việt Nam có khoảng 500.000 người có giới tính không trùng với giới tính hiện có. Trong đó, trên 1.000 người đã ra nước ngoài phẫu thuật chuyển giới và về sinh sống ở Việt Nam. Điều đó đồng nghĩa với việc khoảng 1.000 người chuyển giới đang sống ngoài vòng pháp luật khi không được công nhận về mặt pháp lý với những giấy tờ, thủ tục phù hợp với ngoại hình, giới tính hiện tại.
Luật sư Trần Tuấn Anh (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho biết: "Bộ luật dân sự sửa đổi về quyền chuyển đổi giới tính chính thức có hiệu lực là bước ngoặt lịch sử đối với cộng đồng người chuyển giới Việt Nam. Nhưng thừa nhận quyền và thực hiện quyền là hai bước khác nhau. Bộ luật này cũng nêu rõ việc chuyển đổi giới tính sẽ thực hiện theo quy định của Luật. Trong vài năm tới, chúng ta có thể sẽ có Luật chuyển đổi giới tính. Lúc đó Luật sẽ quy định về điều kiện, trình tự, thủ tục”.
Một cảnh quay trong phim Lô Tô nói về cuộc sống của người chuyển giới Việt Nam. |
Thận trọng trong việc đưa ra luật chuyển đổi giới tính là cần thiết, xong nếu "ngâm" càng lâu thì quá trình thông qua luật sẽ gây ra nhiều khó khăn, rắc rối cho cộng đồng người chuyển giới ở Việt Nam, nhất là những người đã chờ đợi đến nửa cuộc đời.
Trao đổi với PV, ông Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng Vụ pháp chế (Bộ Y tế) cho biết, hiện, Bộ Tư pháp đang phối hợp với Bộ Y tế tham gia xây dựng luật chuyển đổi giới tính.
Theo đó, Bộ Y tế chủ trì nghiên cứu xây dựng các quy định về điều kiện của những người chuyển đổi giới tính; điều kiện và thẩm quyền của các cơ sở y tế, điều kiện của người thực hiện phẫu thuật CĐGT; các quyền và nghĩa vụ của người sau khi CĐGT... Dự kiến năm 2018, luật này sẽ trình Quốc hội để xem xét thông qua.