Minh (30 tuổi) lấy chồng đã gần 4 năm nay nhưng không ngày nào cô không bị dằn vặt bởi những lời mỉa mai của gia đình chồng vì chuyện bố mẹ cô thách cưới. Minh và Thành quen nhau từ thời sinh viên, tình yêu của hai người kéo dài đến khi cả hai ra trường và đi làm. Đến khi ổn định thì cả hai gia đình tính chuyện cưới xin. Hôm sang nhà Minh dạm ngõ, họ nhà trai được một phen giận tím mặt. Vì ngoài bánh cốm, bánh phu thê, bánh đậu xanh, cau, chè, thuốc lá, mứt sen, rượu ngoại, heo sữa quay, bố mẹ Minh còn đòi thêm 50 triệu tiền mặt. Và tất nhiên đồ trang sức vòng vàng cho cô dâu ngày cưới nhà Thành cũng phải lo nốt. Tính toán ra cũng ngót nghét gần trăm triệu.
Vẫn biết quê Minh còn tục thách cưới nhưng không thể ngờ bố mẹ cô lại “chặt chém” đến vậy. Sau hôm đó bố mẹ Minh tuyên bố nhà trai không lo đủ lễ thì cũng quên chuyện cưới xin đi. Minh giải thích với bố mẹ là gia đình Thành cũng không phải giàu có, ông bà không nên thách cưới nhiều vậy thì bố Minh mắng: “Ngu vừa thôi, người ta cưới mày về dễ dàng quá thì ai coi mày ra cái gì. Vả lại chúng tao nuôi mày ăn học đàng hoàng, giờ mang cho không, họ hàng làng xóm cười thối mặt chúng tao ra….”. Còn bố mẹ Thành cũng vì ác cảm với thông gia “bán” con mà ghét lây sang cả con dâu.
Không những hay mỉa mai con dâu, bố mẹ chồng Minh luôn tìm cớ để làm mất mặt con dâu (Ảnh minh họa).
Minh chia sẻ cuộc sống của mình ở nhà chồng sau chuyện thách cưới: “Ngay trong bữa cơm tối hôm rước dâu, mẹ chồng đã nói thẳng thừng trước mặt mình là nhà này phải bỏ số tiền lớn ra để mua người về thì mình liệu mà sống cho thỏa đáng. Lúc ấy mình tủi thân lắm, lại xấu hổ nữa. Suốt mấy năm nay, mình đã cố gắng làm một người con dâu hiếu thuận nhưng bố mẹ chồng chưa bao giờ có được một lời nhẹ nhàng với mình. Nhất là mẹ chồng, bà lúc nào cũng nói bà có con gái, con gái bà hơn mình cả vạn lần mà ông bà cũng chẳng dám thách cưới như nhà mình”.
Không những hay mỉa mai con dâu, bố mẹ chồng Minh luôn tìm cớ để làm mất mặt con dâu. “Hễ cứ có khách đến nhà chơi, nói chuyện quanh quẩn thể nào cũng đến chuyện thách cưới của gia đình mình. Ông bà chẳng hề ngần ngại nói bố mẹ mình tham lam, thời nay còn có kiểu bán con gái như nhà mình. Thậm chí ở nhà trông cháu, mẹ chồng mình còn suốt ngày tiêm nhiễm vào đầu óc trẻ con bằng những câu như ‘mẹ mày được ông bà mua về, chỉ đáng là osin ở nhà này thôi’, hay ‘May con là con trai, không sau này mẹ mày lại bán mày về nhà người ta thì khổ’… Tuy con mình còn bé chưa hiểu những lời đó nhưng sau này nó lớn mà bà cứ nói thế thì thực khổ, làm sao mình dạy được con cái đây” – Minh buồn rầu kể lại.
Cũng như Minh, Thảo (28 tuổi) đang phải sống khốn khổ chỉ vì chuyện thách cưới. Thảo vốn xinh xắn, lại làm ở một công ty nước ngoài nên bố mẹ cô rất tự hào về con gái. Quá tự hào nên ông bà cũng cực kì để tâm đến chuyện kén rể. Nhiều người đến với Thảo nhưng lúc tính chuyện cưới xin thì không thể vượt qua được ngưỡng cửa… thách cưới của bố mẹ cô. Mãi đến khi Thảo 27 tuổi, bố mẹ cô mới bằng lòng cho cô cưới một anh chàng đại gia. Hôm hai gia đình gặp mặt bàn bạc chuyện cưới xin, bố mẹ Thảo cứ bài cũ soạn lại: “Cái Thảo nó đẹp người đẹp nết, lại có công ăn việc làm tử tế, lương nó hàng nghìn đô nên chúng tôi cũng muốn đám cưới sao cho xứng với nó. Chúng tôi chỉ xin 3 cái lễ, mỗi lễ 30 triệu. Ngoài ra thì tiệc cưới nhờ nhà trai lo, bên nhà tôi chỉ tầm trăm hai mươi mâm thôi”. Nghe bố mẹ nói vậy mà Thảo cúi gằm mặt xấu hổ với bên nhà trai. Nhà cô đâu phải nghèo khó gì để bố mẹ thách cưới đến mức vậy. Nhưng với nhà trai giàu có thì chuyện thách cưới này có đáng là gì.
Ngày cưới, nhà trai đáp ứng đủ những gì bố mẹ Thảo yêu cầu, thậm chí mẹ chồng Thảo còn sởi lởi tặng cho con dâu cái kiềng trị giá cả một cây vàng. Bố mẹ Thảo được dịp mở mày mở mặt, nhưng ông bà không ngờ chuỗi ngày khốn khổ của Thảo cũng bắt đầu bằng chuyện thách cưới của ông bà. Thảo cười khổ kể lại: “Sau hôm cưới, mẹ chồng mình tính toán hết mọi chi phí mà bên nhà trai chi ra cho bên nhà gái rồi bà ngọt nhạt nói với mình đây là số tiền mình nợ ông bà. Mẹ chồng mình giàu nhưng là người tính toán khá chi li, bà nói tiền của ông bà không phải vỏ hến, ông bà đáp ứng yêu cầu bên nhà mình như vậy là coi như giữ thể diện, làm mát mày mát mặt cho nhà gái. Giờ mình về đây ở rồi, lo liệu mà trả nợ cho ông bà. Mình thực sự choáng, không bao giờ nghĩ đến tình huống đó. Song mình cũng vui vẻ đồng ý sẽ gom góp tiền trả bố mẹ chồng, vì thực sự mình cũng không đồng tình với chuyện thách cưới của bố mẹ mình lắm”.
Mẹ chồng Thảo còn vin vào cớ “lương hàng nghìn đô” để bắt Thảo phải đảm nhiệm mọi chi phí sinh hoạt trong gia đình (Ảnh minh họa).
Không những bắt Thảo phải trả số tiền nhà gái thách cưới, mẹ chồng Thảo còn vin vào cớ “lương hàng nghìn đô” để bắt Thảo phải đảm nhiệm mọi chi phí sinh hoạt trong gia đình. Và cũng từ ngày Thảo về làm dâu, mẹ chồng Thảo cho người giúp việc về quê vì ông bà mất tiền “mua” dâu về để chăm sóc gia đình. Thảo nghĩ đến những ngày tháng đi làm dâu mà than thở: “Thật kinh khủng, mình đi làm ở công ty về còn phải nấu nướng, dọn dẹp nhà cửa. Hôm nào cũng phải sau 11 giờ mới được đi ngủ. Anh xã mà làm giúp việc gì thì mẹ chồng mình lại lườm nguýt, bà bảo đàn ông con trai không được làm việc nhà, hơn nữa nhà này bỏ ra mấy trăm triệu để mua mình về chẳng nhẽ mấy việc cỏn con này không làm nổi. Rồi lần nào lần ấy, bà luôn kiếm cớ để sinh sự mắng mỏ mình, thế nên chồng mình đành ngậm ngùi chẳng dám giúp vợ việc gì. Thà để mình cực một chút cho yên cửa yên nhà. Đã thế, đến chuyện sinh con bà cũng lôi ra nói mình. Lúc nào mẹ chồng cũng nói bỏ ra mấy trăm triệu để mua về một đứa con dâu 'điếc', nghe vậy khổ tâm lắm. Những chuyện như thế này mình chẳng dám kể với bố mẹ đẻ vì trong mắt ông bà thì mình vẫn là đứa con gái được gả vào gia đình giàu có tử tế, ông bà vẫn luôn tự hào về mình”.
Thảo chia sẻ chẳng biết thách cưới cao mát mặt bao nhiêu mà cuối cùng cô lại phải sống khổ sở đến thế. Cô cũng không biết những ngày khốn khổ này sẽ kéo dài đến bao giờ vì bố mẹ chồng cô vẫn còn “nhớ” đến chuyện thách cưới khi xưa lắm.
Có thể bạn quan tâm: