Nàng dâu xinh đẹp kể chuyện đón Tết đầu tiên tại nhà chồng người Việt gốc Hoa
Lý Anh Thư, 25 tuổi, hiện đang công tác tại một doanh nghiệp nước ngoài.
Thư mới kết hôn được 7 tháng.
Vợ chồng Thư và gia đình trong tiệc cưới.
Hình ảnh đời thường xinh đẹp của Anh Thư.
Vợ chồng Thư chuẩn bị đón thêm thành viên mới tới tổ ấm nhỏ.
Hai vợ chồng và bố mẹ ruột cùng chị gái của Thư.
Theo Thu Hương / Trí Thức Trẻ
Ngay trước thềm năm mới, Anh Thư không giấu được sự hồi hộp về cái Tết đầu tiên hứa hẹn nhiều điều thú vị trong văn hóa của cộng đồng người Việt gốc Hoa tại nhà chồng, cũng là dấu mốc về việc cô đã trở thành người phụ nữ của gia đình.
Vừa bận rộn chuẩn bị Tết, vừa rục rịch chào đón thêm thành viên nhí của gia đình, nàng dâu xinh đẹp Lý Anh Thư không giấu được sự hồi hộp trong những ngày cuối cùng của năm cũ.
Gia đình chồng của Anh Thư là người Việt gốc Hoa, với những nét văn hóa rất riêng và độc đáo. Năm mới 2016 cũng là cái Tết đầu tiên của Anh Thư tại nhà chồng. Những tâm sự của nàng dâu Sài thành 25 tuổi này thấm đẫm tình cảm và hi vọng về một năm mới may mắn cho đại gia đình.
Chào Anh Thư! Được biết năm nay là năm đầu tiên bạn ăn Tết ở nhà chồng. Tâm sự của một nàng dâu mới chắc hẳn là hồi hộp và có phần lo lắng lắm nhỉ?
- Tết đầu tiên cùng với gia đình chồng không phải là việc dễ dàng với những nàng dâu mới. Những bỡ ngỡ, khó khăn ban đầu có thể làm những nàng dâu lo lắng vì chưa có kinh nghiệm hoặc chưa có sự chuẩn bị kỹ càng, chu đáo. Thư cũng không ngoại lệ, khá là hồi hộp. Tuy nhiên, theo Thư nếu biết cách ứng xử phù hợp thì những ngày Tết sẽ không còn là nỗi sợ hãi của các nàng dâu mới nữa.
Trước khi cưới, bạn có từng tìm hiểu nếp sống của nhà chồng không? Bạn có cảm thấy áp lực khi phải dung hoà giữa môi trường sống giữa hai bên nội ngoại để thích nghi tốt nhất sau kết hôn?
- Trước khi cưới, Thư cũng tìm hiểu một số nếp sống của gia đình chồng. Nhà chồng Thư là gốc Hoa nhưng cơ bản vẫn giữ nét văn hoá thuần Việt. Ông bà ta có câu: "Nhập gia tuỳ tục", mỗi nhà có một nề nếp gia phong riêng. Khi về nhà chồng, Thư không thể áp dụng "văn hoá Tết" của nhà Thư vào nhà chồng được. Thư sẽ hỏi trước chồng mình hoặc khéo léo hỏi người lớn trong nhà về những nếp sống và nghi thức ăn Tết hàng năm của nhà chồng để có sự dung hòa, điều chỉnh sao cho thích nghi môi trường sống giữa hai bên nội ngoại.
Tất nhiên đây sẽ là việc vô cùng áp lực khi thật sự môi trường sống và của hai bên không giống nhau. Nhưng Thư nghĩ mình tham gia với tư cách như một thành viên của gia đình chồng, có trách nhiệm tham gia mọi công việc lớn nhỏ trong gia đình. Thư cố gắng nhiệt tình tiếp thu, lưu ý luôn hỏi ý kiến người lớn cách thức, cách bố trí trước khi thực hiện. Thư sẽ xem như đây là nhà mình, không coi mình là người mới để cảm thấy nhẹ nhàng hơn không đặt nặng khiến mình áp lực.
Tết của người gốc Hoa có khác biệt gì so với Tết thuần Việt không Thư?
- Cũng là một cái Tết thuần Việt thôi, sau ngày 23 tháng Chạp - ngày đưa ông Táo về trời, các khu phố của người Hoa ở Chợ Lớn gần nhà Thư trang trí đón Tết. Gia đình Thư có mua quả đào tiên - thực phẩm thường được người Hoa gốc Quảng Đông mua về ngày Tết ở bàn thờ tổ tiên, bàn ông địa.
Ngoài ra nét văn hoá ẩm thực đặc sắc của người Hoa sinh sống ở Việt Nam là bánh tổ, bánh củ cải, bánh trái lựu, quả đào tiên, quýt, chè ỷ... Mâm cỗ cúng Tết của người Hoa gốc Quảng Đông có lạp xưởng, lạp dục, gà, tôm, thịt heo, cải xà lách xanh sống. Đi chùa đầu năm, múa lân sư rồng cũng là một nét văn hóa đặc sắc trong Tết của người Hoa ở Sài Gòn. Tuy nhiên, gia đình chồng Thư vẫn theo Tết truyền thống của người Việt.
Ngày Tết trong suy nghĩ của bạn có điều gì đặc biệt?
- Với Thư Tết đặc biệt lắm vì đó là mùa mong đợi nhất trong năm. Theo truyền thống của người Việt Nam, ngày Tết là ngày đoàn viên. Trước đây là sinh viên xa nhà, Thư chỉ mong Tết để được về nhà lâu hơn. Quê hương Thư vẫn giữ hầu như nguyên vẹn nét phong tục truyền thống Tết nên càng cảm thấy ý nghĩa. Tết Nguyên Đán là ngày lễ lớn nhất trong các lễ hội truyền thống của Việt Nam, là điểm giao thời giữa năm cũ và năm mới. Tết cũng là dịp tổng kết mọi hoạt động liên quan đến một năm qua, chào đón một năm mới với hy vọng mọi điều tốt đẹp hơn.
Nhiều bạn trẻ hiện nay nói rằng càng lớn càng thấy Tết mất đi ý nghĩa và niềm vui, bạn có đồng suy nghĩ với điều này?
- Ngày nay, trong thời kỳ hiện đại và hoà nhập, việc tổ chức nghỉ Tết, vui Tết sao phù hợp lối sống công nghiệp nên có thể nhiều bạn trẻ hiện nay nói rằng càng lớn càng thấy Tết mất đi ý nghĩa và niềm vui. Riêng Thư thấy thay đổi cũng tốt, Tết càng ngày càng hiện đại, văn minh, bỏ bớt các hủ tục không cần thiết, vừa giữ gìn được bản sắc văn hóa dân tộc và ý nghĩa nhân sinh của ngày Tết thì không có gì thay đổi.
Tết năm nay cũng là năm đầu tiên bạn lên chức mẹ. Cùng lúc bận rộn với việc chuẩn bị Tết nhà chồng vừa chăm con nhỏ, bạn đã sắp xếp để làm tròn vai trò của mình như thế nào?
- Năm nay gia đình Thư có thêm niềm vui là chuẩn bị đón thành viên mới nên Tết năm nay càng đặc biệt với Thư. Bạn nghĩ rằng Thư sẽ rất bận rộn phải không? Cũng may là gia đình chồng Thư rất tâm lí và thương con dâu như con cái trong nhà nên không đặt nặng áp lực cho Thư nhiều. Đôi lúc vì Thư mang thai nên nhà cũng không cho làm cái này, hay kiêng cái kia nên cũng không phải cực cho lắm đâu! (Cười)
Thư luôn hỏi thăm "bí kíp" của những nàng dâu có kinh nghiệm và sắp xếp, phân chia mọi thứ sao cho phù hợp nhất. Rồi Thư xin ý kiến mọi người xem Thư làm như vậy đã ổn chưa để có những điều chỉnh kịp thời.
Trước đây, Tết là “nỗi kinh hoàng” của các nàng dâu mới. Còn ngày nay thì sao, theo quan điểm của Thư?
- Theo quan điểm của Thư không phải ngày nay hay trước đây, mà là tuỳ vào truyền thống của mỗi gia đình hay do sự chuẩn bị chu đáo và cách nhìn nhận của mỗi nàng dâu. Rất nhiều người thừa nhận rằng Tết là nỗi “ám ảnh kinh hoàng” của các nàng dâu mới. Tuy nhiên, như Thư đã nói, nếu chúng ta biết cách ứng xử phù hợp thì những ngày Tết sẽ không còn là nỗi sợ hãi lớn của các nàng dâu mới nữa. Thư sẽ dùng thái độ chân thành, cầu thị thì chắc chắn sẽ nhận được những trải nghiệm thú vị về một cái Tết ấm áp, đoàn viên bên gia đình mới.
Bạn có chút bí quyết giắt lưng nào để khiến những ngày Tết ở nhà chồng trải qua nhẹ nhàng và vui vẻ nhất không?
- Nói bí quyết thì cũng chưa dám vì đây là cái Tết đầu tiên mình ở nhà chồng. Theo những kinh nghiệm trên sách báo và những nàng dâu "lâu năm" thì Thư nghĩ chúng ta nên biết cách phân chia thời gian chúc Tết, quà Tết, mừng tuổi cho gia đình hai bên, dung hoà môi trường sống, luôn luôn lễ phép và tôn trọng gia đình, họ hàng nhà chồng. Thư nghĩ sẽ không ai khó chịu với một nàng dâu luôn chân thành, hiếu thảo, ham học hỏi và tiếp thu. Đặc biệt là luôn hỏi ý kiến và trình bày với chồng, vì chỉ có chồng mới có thể nhanh trí gỡ rối, bảo vệ chúng ta nếu xảy ra chuyện bất đắc dĩ.
Đón Tết trong vai trò một bà nội trợ, theo bạn sẽ bao gồm những công việc gì?
- Gia đình Thư trước giờ ba mẹ làm công chức, Thư làm việc cho công ty nước ngoài nên thật sự chuyện "nữ công gia chánh" không được giỏi và khéo lắm đâu! Với vai trò một bà nội trợ, không chỉ cố gắng chu toàn trong những mâm cơm cúng ông bà, còn lo quần áo mới cho các thành viên, dọn dẹp nhà cửa, đi chợ Tết và chuẩn bị thức ăn, đồ uống, bánh mứt cho ngày Tết. Còn phải chuẩn bị quà tết, tiền mừng tuổi cho họ hàng, gia đình, hàng xóm láng giềng và những khách hàng thân thiết nữa vì gia đình chồng Thư làm kinh doanh mà.
Người phụ nữ luôn được coi là hơi ấm trong ngôi nhà, lo lắng chu toàn những công việc hậu phương, điều này với bạn là thuận lợi hay thách thức trong việc giữ lửa tổ ấm khi chỉ là một cô gái trẻ kết hôn chưa đầy 1 năm?
- Theo Thư đó vừa là thuận lợi vừa là thách thức. Như bạn nói thì Thư chỉ là nàng dâu trẻ kết hôn chưa đầy một năm, mọi thứ luôn mới mẻ, khó khăn và thách thức. Nếu gia đình được coi là tế bào của xã hội thì người phụ nữ được coi là hạt nhân của tế bào này. Người phụ nữ hiện đại không chỉ là hơi ấm trong ngôi nhà, làm công việc hậu phương mà còn có công việc ổn định ngoài xã hội để đảm bảo cuộc sống.
Thuận lợi là chồng Thư là người khá dễ tính, gia đình chồng cũng không quá khó khăn, luôn tạo điều kiện để Thư đảm đương được vai trò của mình, đồng thời để phát huy được hết khả năng, yếu tố tự thân của mỗi phụ nữ là rất quan trọng. Chỉ khi nào có tính tích cực, chủ động người phụ nữ mới vừa có thể đảm đương tốt công việc ngoài xã hội, vừa duy trì được mối quan hệ gia đình bền chặt, một tổ ấm hạnh phúc.
Tết này cũng là năm đầu tiên bạn đón Tết có chồng bên cạnh. Hai bạn có dự định gì để khiến ngày Lễ này trở thành một dịp đáng nhớ không?
- Bây giờ đối với hai vợ chồng Thư thì Tết này đã là rất đáng nhớ và đặc biệt vì tụi mình sắp sửa chào đón thiên thần nhỏ rồi! Chúc tết và hoàn thành công việc bên gia đình nội xong có thể vợ chồng sẽ trải qua vài ngày Tết bên gia đình ngoại. Hẳn chồng Thư sẽ rất thích thú khi về quê vì anh du học xa nhà gần 10 năm, ít khi đón Tết ở Việt Nam, Tết ở làng quê lại càng mới lạ và thú vị với người Sài Gòn như anh.
Năm mới sắp đến, bạn có điều ước hay mong muốn gì cho bản thân mình và người thân trong gia đình?
- Tết năm nay có một chuyện buồn với gia đình là ba chồng Thư vừa mất không lâu. Thư mong người đã mất được yên nghỉ, còn mẹ chồng sẽ sớm vượt qua nỗi đau này mà sống vui vẻ hơn. Mong mọi người trong gia đình luôn hạnh phúc và mạnh khỏe, đặc biệt là bé con trong bụng bình an và mẹ tròn con vuông.
Mình nghĩ cô gái nào rồi cũng sẽ làm con dâu, và sau này có thể làm mẹ chồng, mới hiểu hết những gì gia đình đã yêu thương, chắt chiu cho con cháu. Nàng dâu hãy coi gia đình chồng như gia đình mình và đảm nhiệm tốt vai trò của mình trong gia đình chồng sẽ càng giúp gắn kết bền chặt hơn tình cảm vợ chồng.
Xin cảm ơn bạn về cuộc trò chuyện. Chúc bạn và gia đình gặp nhiều may mắn trong năm mới!
Có thể bạn quan tâm: