Chiếc xe đạp cọc cạch chở 3 con người len lỏi giữa dòng xe cộ ngược xuôi của Sài Gòn hoa lệ. Mưa nắng, người mẹ 53 tuổi cùng với hơn 50km cho quãng đường hằng ngày bà phải chở 2 cô con gái đi học, chính là minh chứng tuyệt vời nhất cho một tình yêu thương vô bờ bến. Kệ những bất hạnh đang ngang qua cuộc đời.
Hình ảnh bà mẹ chở hai người con gái trên chiếc xe đạp cọc cạch đã trở nên gần gũi với người dân ở khu vực đường Nguyễn Thị Định (Q.2, TP.HCM).
Người mẹ ấy là bà Nguyễn Thị Mai (53 tuổi, quê Kiên Giang). Bà Mai có hai người con gái là bé Khưu Thị Quỳnh Giao (9 tuổi) và Khưu Thị Ái Mi (12 tuổi).
Điều không may mắn là từ khi lọt lòng mẹ, Ái My lại bị bại não nên phát triển không bình thường. Thấy con bị như vậy, nên từ khi My mới sinh ra, bà Mai rời quê Kiên Giang lên Sài Gòn mưu sinh để nuôi con.
Hơn 12 năm ở Sài Gòn, bà Mai mưu sinh bằng nghề lượm ve chai. Căn nhà trọ nhỏ ở số 8, đường số 24 (giao với đường Nguyễn Thị Định, Q.2) ngập tràn các loại ve chai. Từ 6 giờ sáng, bà đã dậy chăm sóc hai người con và chuẩn bị cho chúng hành trang để theo mẹ đi một ngày dài rong ruổi.
Bà Mai ẵm My lên chiếc xe đạp cũ kỹ được thiết kế ghế ngồi. Sở dĩ bà phải mang theo hai cô con gái vì Ái My không có ai trông coi. Bà cũng không có tiền cho My vào trung tâm nuôi dậy trẻ thiểu năng. Quỳnh Giao đi học ở trường tình thương Ánh Sáng (Q.3) đến trưa tan học cũng theo mẹ đi lượm ve chai.
Một ngày của mấy mẹ con trên chiếc xe đạp bắt đầu từ khoảng 7h sáng, là khoảng thời gian bà Mai đưa Quỳnh Giao đi học. Cô bé năm nay lên lớp ba, được học miễn phí ở trường tình thương và học rất giỏi.
Ba mẹ con đi qua nhiều tuyến đường trong thành phố như Nguyễn Thị Định, Lương Định Của, Điện Biên Phủ... Riêng quãng đường chở con đến trường là khoảng 15 km. Chiếc xe đạp lỉnh kỉnh đồ đạc, túi dứa, nước uống, có cả gối ôm... tựa như một ngôi nhà di động.
Tuổi cũng toan về già, hai người con cũng ngót gần 50 kg nên đạp được một vài đoạn bà lại dắt bộ, nhất là ở những quãng đường lên dốc.
Trên cầu Thủ Thiêm, vì dốc quá cao nên Quỳnh Dao đi bộ. Người mẹ đang mệt nhoài đẩy xe lên cầu giữa trưa nắng.
"Càng ngày Ái My càng lớn nên càng nặng trong khi vì đạp xe nhiều nên tay chân tôi hay tê, nhức mỏi" bà Mai tâm sự.
Dù mệt nhưng người mẹ luôn quan tâm, chăm sóc cho con. Bà cũng có chồng nhưng cuộc sống không như ý. Chồng bà làm phụ hồ ở Sài Gòn 4 năm thì bị đau xương khớp nên về Kiên Giang làm thuê. Vừa để trông nhà và chăm sóc mẹ chồng 89 tuổi. Họa hoằn năm 1 lần chồng lên thăm vợ con.
Bé Quỳnh Giao hay than vãn với mẹ là ngồi xe kiểu vậy hay nhức mỏi. Bà cũng đành chịu, chỉ cố kiếm miếng nệm chèn vào chỗ ngồi cho con.
Đạp xe khoảng hơn 1 tiếng thì bà đưa Quỳnh Giao đến trường và đưa con vào học.
Thời gian trước, khi đưa con vào học xong thì bà hay chạy vòng vòng nhặt ve chai. Nhưng bây giờ, vì Ái My cân nặng tăng nên bà ngồi vỉa hè cạnh trường để chăm sóc con. Cô con gái cả khá quậy phá, hay ăn, khổ nhất là chuyện đi vệ sinh. Người mẹ phải cho con mặc tã.
Sau khi đón con, chừng 12 giờ trưa ba mẹ con lại tiếp tục đạp xe, hướng về Tịnh xá Trung Tâm (Q.Bình Thạnh). Từ sáng đến trưa, bà Mai không ăn gì, chỉ uống nước trà. "Không có nhiều tiền chú ơi, tôi lượm ve chai tháng nào cao thì được 2 triệu, mà tiền phòng đã hết 1,2 triệu rồi", bà bộc bạch.
Bữa trưa của ba mẹ con ở trong chùa. Thường có người thương tình hay cho họ một hộp cơm, có người thì cho chè, bánh tráng trộn... Ở trong chùa bà hay quét rác phụ nên có thêm ít cơm chay, đồ công quả. Đồ ăn không hết thì để dành đến tối. Đó là cách ba mẹ con sống qua ngày.
Sau khi lo chuyện ăn uống cho hai con xong, bà mới ăn phần cơm thừa còn lại. Xong xuôi đâu dó, bà lại mang Ái My đi tắm vì cô bé hay lê la ngoài đường. Một ngày, My phải tắm ít nhất hai lần.
Rồi bà đi lượm rác, tìm những chai nhựa còn sót lại đem bán ve chai. Trước kia, một ngày bà lượm được 4-5 bọc nhưng giờ chỉ còn 3 bọc ve chai.
Hành trình của ba người phải đến 8 giờ tối mới kết thúc, sớm hơn thì 6 giờ tối về đến nhà.
Cứ đi dọc đường, thấy chỗ nào có thùng rác là bà lại dừng xe cho Quỳnh Giao xuống nhặt. "Tôi không thể xuống nhặt ve chai được vì sợ My bị ngã", bà chia sẻ.
Tính trung bình mỗi ngày, bà Mai chở hai người con đi quãng đường gần 50 cây số.
Với bà Mai niềm hạnh phúc nhỏ nhoi là được đưa con đi học và thấy "con khôn lớn nên người". Dù cuộc sống của 3 mẹ con còn cơ cực và khốn khó nhưng bà lạc quan, mong đời con gái nhỏ của mình sẽ có cái chữ, không vất vả như mẹ. Điều bà trăn trở là không biết lúc mình già và Ái My nặng hơn thì sẽ thế nào đây. "Giá như có chiếc xe Cub 50 hay Charly để chạy thì ba mẹ con đỡ khổ", người mẹ chia sẻ.
Hương Thu