Vốn là con một trong gia đình nên tôi được cưng chiều từ nhỏ. Ngày còn con gái, tôi chỉ biết ăn học chứ chẳng biết việc gì trong nhà, kể cả những việc nữ công gia chánh... Nhưng về làm vợ, làm dâu, tôi rất lo vì mẹ chồng luôn giữ thái độ lạnh nhạt, ít nói, ít cười, con dâu làm gì cũng không nhắc nhở, không khen mà cũng chẳng chê. Tôi vô cùng hoang mang, không biết mình phải làm như thế nào để vừa lòng mẹ chồng.
Nếu cứ tiếp diễn cuộc sống như thế, e rằng tôi phải thuê nhà ở riêng. Trong lúc tôi đang hoang mang, khó xử thì bố chồng nói: “Bố biết tuổi trẻ các con ngày nay khác với thời bố mẹ nhưng dù thời nào, đạo dâu con cũng phải biết cách ăn ở đối xử với bố mẹ chồng bằng cái tâm của mình chứ không phải bằng sự đối phó tình thế. Cuộc sống làm dâu, khó hay dễ là do mình tạo ra chứ bố mẹ nào lại không thương con. Theo bố, buổi sáng con nên thức dậy sớm hơn mẹ một chút, pha trà, pha cà phê, chuẩn bị bữa sáng cho cả nhà... Hằng ngày đi chợ, con nên thay đổi thực đơn và nhớ tránh mua những món mẹ con không thích. Đi đâu hay làm gì, con cũng nên tranh thủ hỏi ý kiến hoặc xin phép mẹ để bà thấy mình được con dâu tôn trọng. Mẹ con coi vậy chứ tính tình rất tốt! Bố sống với mẹ con mấy chục năm rồi nên bố rất hiểu”.
Chính nhờ bố chồng “mách nước” và tận tình chỉ bảo mà tôi hiểu được tính, ý, của mẹ chồng. Nghe lời khuyên của bố chồng, sau nửa năm cố gắng, tôi đã “chinh phục” được mẹ chồng khó tính. Từ chỗ lạnh lùng, ít nói, bà đã sống cởi mở, nói cười vui vẻ với tôi, khen khi tôi làm tốt và chỉ bảo, uốn nắn khi tôi làm sai...
Mỗi lần nhớ lại những sóng gió trong cuộc hôn nhân của mình, tôi đều cảm thấy biết ơn vì có người bố chồng tâm lý và thương yêu con dâu như con gái của mình (Ảnh minh họa).
Chuyện tưởng thế là đã vượt qua được sóng gió gia đình và tôi chỉ việc phụng dưỡng bố mẹ và chăm sóc vun vén cuộc sống gia đình và hạnh phúc cho riêng mình. Nhưng thời gian gần đây, chồng tôi thường hay đi làm sớm về nhà muộn và thường xuyên vắng nhà. Vốn vô tâm và tin chồng nên tôi nghĩ đó là chuyện bình thường. Như chiếc kim để lâu ngày trong bọc cũng lòi ra, chồng tôi đang ngoại tình với một nữ đồng nghiệp. Bố chồng tôi đã phát hiện ra việc này và báo cho tôi biết. Khi nghe tin tôi hụt hẫng và choáng váng, phẫn uất vì bị chồng phản bội, trong cơn điên giận tôi đã muốn tung hê đập phá tất cả rồi muốn ra sao thì ra.
Tôi quyết tìm cho được cô gái kia đánh một trận đòn cho bõ cơn ghen. Sau đó đến cơ quan của chồng làm cho ra lẽ, rồi sẽ ly hôn... Như hiểu được tâm trạng và biết ý định của con dâu, bố chồng tôi ân cần khuyên: “Nếu con còn yêu chồng, thương con và muốn giữ chồng thì con không thể hành động theo kiểu giang hồ được. Con có đánh ghen cô ta thì cũng chẳng giải quyết được việc gì, có khi còn phải chịu trách nhiệm trước pháp luật vì tội cố ý gây thương tích cho người khác. Nếu con đến cơ quan của chồng làm ầm ĩ thì người bị sỉ nhục và tổn thương trước tiên là chồng con. Hành vi này sẽ đẩy chồng con ra xa con và đến gần cô gái kia hơn. Như vậy, chẳng đợi con đòi ly hôn mà chính chồng con sẽ đặt vấn đề ly hôn với con trước. Con vẫn còn yêu thương chồng mình cơ mà. Chồng con ngoại tình rõ ràng là có lỗi nhưng đó chỉ là cuộc vui qua đường và là sai lầm nhất thời, con có thể bỏ qua được. Hai đứa đã sống với nhau bao nhiêu năm, lại còn con cái, đâu bỏ nhau dễ dàng như vậy được?...”.
Bố chồng đã vạch phương án giúp tôi từng bước khéo léo giải quyết vấn đề. Trong cuộc “đấu tranh” giành lấy hạnh phúc này, ông còn tác động để mẹ chồng đứng về phía tôi. Ông đã đến gặp cô gái kia nói chuyện và khuyên nhủ con trai mình... Phải một thời gian dài, chồng tôi mới cắt đứt hoàn toàn mối quan hệ với cô gái kia và quay về bên gia đình. Mỗi lần nhớ lại những sóng gió trong cuộc hôn nhân của mình, tôi đều cảm thấy biết ơn vì có người bố chồng tâm lý và thương yêu con dâu như con gái của mình.
beforeAfter('.before-after'); Có thể bạn quan tâm: