Đến hẹn lại lên, cứ mỗi dịp trung thu là con phố Lương Nhữ Học (quận 5, TP. HCM) tràn ngập trong lồng đèn với nhiều màu sắc rực rỡ, đa dạng mẫu mã. Cũng chính vì nhà nhà đều treo lồng đèn bán nên giới trẻ đã tự đặt cho cái tên thân thương "Phố lồng đèn" ở Sài Gòn. Con phố này cũng là nơi nhộn nhịp nhất trong ngày hội trăng rằm ở TP. HCM, dù có khi còn nửa tháng mới đến trung thu nhưng lúc nào cũng có hàng trăm người chen nhau đặt chân vào đây.
Cả con phố tràn ngập lồng đèn treo bán nhưng không có khách mua.
Chúng tôi có dịp đến phố lồng đèn vào cuối tuần trong những ngày không khí trung thu đang đến gần và chứng kiến cảnh người bán hàng ngồi từ sáng đến trưa mà không bán được chiếc lồng đèn nào.
Ngồi lọt thỏm giữa không gian hàng trăm chiếc lồng đèn đang treo, những người bán hàng với vẻ mặt buồn rười rượi nói: "Người chụp hình nhiều hơn người mua luôn. Ngồi từ sáng giờ chỉ thấy nhiều cô gái và ông chụp hình đến mượn lồng đèn tạo dáng chụp hình thôi. Thỉnh thoảng mới có vài người mua lồng đèn ủng hộ thôi".
Những nhân viên tranh thủ làm lồng đèn khi vắng khách.
Những người bán hàng cho biết, năm nay lồng đèn lại bán chậm hơn mọi năm mặc dù có nhiều cải tiến mẫu mã. Tại phố lồng đèn có khoảng 30 gian hàng buôn bán.
Theo những người bán hàng, khách đến chụp hình nhiều hơn là mua lồng đèn.
Tại đây có nhiều lồng đèn với mẫu mã đẹp mắt nên thu hút nhiều người đến chụp hình.
Khi không còn mấy ai mặn mà với lồng đèn thì điều tất yếu sẽ xảy đến là người dân ở đây phải chuyển đổi hình thức kinh doanh, và như thế phố lồng đèn đứng trước nguy cơ sẽ không còn tồn tại sau vài năm nữa. Hiện tại cũng có một số người dân trước đây bán lồng đèn nhưng vì ế ẩm không thể lấy lại vốn nên đã chuyển sang kinh doanh ăn uống. Chia sẻ về tình trạng đìu hiu khách mua trong những ngày qua, chị Nhàn (người bán lồng đèn) cho rằng nguyên nhân chính có thể là do trời Sài Gòn mưa dai dẳng ngày qua ngày, khiến các cháu thiếu nhi cũng không còn được ba mẹ đưa ra phố lồng đèn để chơi đùa.
Chị Nhàn tâm sự: "Mới vừa rồi gặp trận mưa lịch sử ở Sài Gòn nè, nước ngập quá trời ở đây luôn. Nguyên cả buổi chiều đến tối hôm đó (15/9) tất cả các gian hàng ở đây không bán được cái nào hết. Nước ngập nhiều quá nên mọi người cũng lo chống ngập chứ chẳng muốn bán. Lồng đèn trước đó đã ế, sau trận mưa đó lại càng ế thêm".
Cụ bà Quỳnh Anh ngồi từ sáng đến xế trưa chỉ bán được 1 cái lồng đèn.
Số ít khách đến định mua lồng đèn nhưng không mua được vì có người chụp hình quá lâu.
Cũng theo chị Nhàn, mưa nhiều và ngập cũng khiến nhiều lồng đèn bị hư hại. Thiệt hại nặng vẫn là lồng đèn giấy. "Gian hàng lồng đèn của tôi năm nay bán nhiều mẫu mã truyền thống hơn và cũng bán xen lẫn lồng đèn điện tử theo kiểu cải tiến để thu hút người mua. Cũng vì nhiều mẫu mã đẹp nên người đến chỉ xin chụp hình "ké" chứ cũng chẳng mua nhiều. Hầu hết khách đến đây mua lồng đèn nhỏ với giá rẻ thôi", chị Nhàn cho hay.
Lượng khách đến phố lồng đèn vào ban đêm nhộn nhịp hơn buổi sáng nhưng chủ yếu chỉ đến để chụp hình.
Người bán thì chỉ biết đứng nhìn ngơ ngác khi khách đến hỏi rồi lại đi mà ít mua.
Đến thời điểm này, số lượng lồng đèn tại đây vẫn còn rất nhiều và chỉ còn hơn 1 tuần nữa là đến Trung thu nên đa số hộ kinh doanh ở đây bắt đầu tỏ ra lo lắng. Nhiều người bán cho biết họ đang phải loay hoay không biết có nên mua thêm lồng đèn về bán cho đang dạng hơn nữa hay là có bao nhiêu bán bấy nhiêu.
"Nếu có bao nhiêu bán bấy nhiêu chắc lồng đèn tại cửa hàng mình ít ai để ý hơn vì chỉ có lồng đèn cũ đem ra trưng bày hoài. Còn nếu nhập mẫu mới về mà không tính toán kĩ sẽ lỗ nặng vì sức mua quá èo uột. Thông thường nhập mẫu mới sẽ là lồng đèn điện tử có giá cao hơn lồng đèn truyền thống", chị Thanh (gia đình có lâu năm trong nghề bán lồng đèn) lo lắng.
Ngồi lặng thinh ở một góc gian hàng lồng đèn, cụ bà Nghiêm Quỳnh Anh (88 tuổi) chia sẻ: "Mở hàng từ sáng đến xế trưa chỉ bán đúng một cái lồng đèn giá 20.000 đồng. Tôi bán ở đây cũng được mấy chục năm rồi, giờ cũng đã già nên cũng nhường lại cho con cháu bán, thỉnh thoảng coi phụ giúp. Buôn bán lồng đèn mà thấy khách chụp hình nhiều hơn khách mua. Nhìn cảnh đìu hiu này cũng ngán ngẩm lắm, một phần do mưa quá nên mới như thế này".
Mời gọi khàn cổ họng nhưng khách hàng vẫn không mấy mặn mà với lồng đèn.
Cám cảnh hơn với những người bán lồng đèn ở phố Lương Nhữ Học, khi vào ban đêm mặc dù lượng khách đổ về đây đông hơn mỗi khi trời không mưa nhưng vẫn phải chịu ế ẩm. Người bán liên tục mời gọi đến khàn cả cổ họng nhưng người mua chỉ được vài người.