Theo BSCKII Phạm Tuấn Dương, Phó Viện trưởng Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương, tính đến ngày 23/6/2015, trong ngân hàng máu của Viện chỉ còn khoảng 5.000 đơn vị máu.
Tuy nhiên, hiện tại Viện đang cấp phát máu cho khoảng trên 120 bệnh viện khu vực Hà Nội, bình quân mỗi ngày Viện cấp phát 1.200 đến 1.500 đơn vị máu để điều trị cho bệnh nhân. Như vậy theo tính toán, với khoảng 5.000 đơn vị máu hiện có Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương chỉ đủ để cung cấp cho bệnh nhân trong khoảng 3 ngày nữa.
BSCKII Phạm Tuấn Dương, Phó Viện trưởng Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương.
Nguyên nhân dẫn tới tình trạng khan hiếm máu diễn ra vào thời điểm này là do thời tiết nắng nóng kéo dài nên người dân cũng ngại ra khỏi nhà để đến các điểm hiến máu hay khu vực tiếp nhận máu lưu động. Một lý do nữa là ở thời điểm này học sinh, sinh viên, lực lượng hiến máu chính của chúng ta lại đang trong giai đoạn thi cử và nghỉ hè dẫn tới tình trạng thiếu nguồn người hiến máu vào dịp này.
BSCKII Phạm Tuấn Dương cho biết: Tình trạng khan hiếm máu kéo dài như thế này sẽ ảnh hưởng rất lớn đến việc điều trị cho bệnh nhân, trong đó nguy hiểm nhất là các bệnh nhân đang có kế hoạch phẫu thuật, những bệnh nhân thiếu máu cấp, mãn tính mà phải truyền máu trong một thời gian dài như bệnh Tan máu bẩm sinh (Thalassemia), hay bệnh nhân bị Rối loạn đông máu di truyền (Hemophilia)… và cả các bệnh nhân mắc các bệnh về máu khác nữa…
Cần lắm những tấm lòng thiện nguyệnGặp bệnh nhân Nguyễn Thị Là (Hà Nội) đang nằm điều trị tại Trung tâm Thalassemia của Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương; năm nay Là đã ngoài 30 tuổi nhưng trông chị chẳng khác gì một người mới lên tuổi15, bởi căn bệnh Thalassemia quái ác và di chứng truyền máu và thải sắt liên tục đã kìm hãm sự phát triển về thể chất của một cô gái đang ở độ tuổi chín của cuộc đời.
Bệnh nhân Nguyễn Thị Là, 30 tuổi đang điều trị bệnh máu tại Viện huyết học - Truyền máu Trung ương.
Chị Là cho biết, từ năm 18 tháng tuổi, chị đã được bố mẹ đưa vào Viện để truyền máu; 30 tuổi –chị không thể nhớ nổi mình đã được truyền bao nhiêu đơn vị máu rồi, chỉ biết trong 30 năm qua, đều đặn mỗi tháng chị phải vào viện từ 1 đến 2 lần và mỗi lần chị phải truyền ít nhất là 5 đơn vị máu. Bình thường nếu có đủ máu thì chỉ khoảng 1 tuần là bệnh nhân có thể được ra viện, tuy nhiên đợt này chị đã nằm viện 12 ngày rồi và mới chỉ được truyền 1 đơn vị máu.
Bệnh nhân Là chia sẻ: “Máu đối với những bệnh nhân như chúng tôi như cơm ăn nước uống hằng ngày vậy, nếu không có máu thì chúng tôi cũng không thể giữ được tính mạng của mình, chúng tôi cần lắm những tấm lòng thiện nguyện trong xã hội hãy chia sẻ giọt máu của mình vì sự sống của những người mắc bệnh máu như chúng tôi, để chúng tôi tiếp tục nuôi hi vọng được sống như một người bình thường trong xã hội”.
Khác với bệnh nhân Nguyễn Thị Là, cháu Vũ Khánh Lâm (quê Thái Nguyên) - một bệnh nhân mới 15 tuổi, cái tuổi mà chúng bạn cùng trang lứa với cháu đang được cắp sách đến trường và vui đùa với bạn bè thì Khánh Lâm lại phải coi bệnh viện như ngôi nhà thứ hai của mình. Bởi cháu phải thường xuyên đến Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương để điều trị và truyền máu liên tục mỗi tháng. Mới 15 tuổi nhưng trông Khánh Lâm rất già dặn trong cách giao tiếp, đặc biệt Khánh Lâm hiểu tường tận về căn bệnh mà mình đang mắc phải là bệnh tan máu bẩm sinh (Thalassemia), cách để duy trì sự sống đối với những bệnh nhân như Khánh Lâm là phải truyền máu suốt đời.
Khánh Lâm chia sẻ: “Em ao ước được đến trường như các bạn cùng trang lứa, em luôn hi vọng một ngày nào đó những người mắc bệnh như em sẽ được điều trị khỏi bệnh, đặc biệt lúc này đây sẽ có thật nhiều người tham gia hiến máu để chúng em có máu để truyền…”.
Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương quyết tâm làm nên thành công Hành trình Đỏ 2015.
Chờ “phao cứu sinh” Hành trình ĐỏTrước tình trạng khan hiếm máu vào mùa hè, cách đây 3 năm (năm 2013) Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương phối hợp với Ban Chỉ đạo quốc gia vận động hiến máu tình nguyện và Ban Chỉ đạo vận động hiến máu tình nguyện các tỉnh/thành phố tổ chức hành trình vận động và hiến máu xuyên Việt mang tiên “Hành trình Đỏ”. Năm 2015, Hành trình Đỏ lần thứ III sẽ xuất quân vào ngày 5/7 với hai đoàn hành trình: Đoàn miền Nam và đoàn miền Bắc, dừng chân và tổ chức hiến máu tại 22 tỉnh/ thành trong cả nước, tiếp tục thực hiện sứ mệnh "Kết nối dòng máu Việt”. Trong đó đoàn phía Nam sẽ dừng chân tại 13 tỉnh/thành phố; đoàn phía Bắc sẽ dừng chân tại 9 tỉnh/thành phố. Hành trình Đỏ 2015 phấn đấu đạt tối thiểu 17.000 đơn vị máu nhằm cấp cứu và điều trị cho người bệnh trong dịp hè này.
Mỗi ngày, Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương tiếp nhận trên 300 bệnh nhân đến khám và điều trị các bệnh về máu.
GS.TS Nguyễn Anh Trí - Viện trưởng Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương, Trưởng Ban tổ chức Hành trình Đỏ 2015 cho biết: “Chúng tôi hi vọng qua chiến dịch hiến máu xuyên Việt này sẽ có thêm nhiều người dân biết về phong trào hiến máu tình nguyện và đặc biệt là Ban tổ chức sẽ tiếp nhận được một lượng máu cần thiết nhằm bù đắp tình trạng thiếu máu diễn ra trong dịp hè này”.