Hùng bần thần tiễn mẹ về quê.
Ở bến xe, khi nhìn thấy mẹ là bà Na nước mắt lưng tròng, anh đã muốn bỏ lại tất cả để về quê cùng mẹ. Nhưng không hiểu sao Hải chẳng thể bước chân, chẳng thể rời bỏ cái lồng sơn son thiếp vàng này. Anh run rẩy khi nghĩ đến việc phải quay về quá khứ, về túp lều giữa đồng và những bữa ăn chỉ có khoai cùng sắn. Hải thì thầm với chính mình: “Mẹ ơi, con không thể sống như vậy một ngày nào nữa”.
Đến giờ Hải vẫn không biết hai mẹ con đã trải qua những năm tháng khó khăn ấy bằng cách nào. Hàng tháng trời, nhà không biết bữa cơm có vị gì. Buổi sáng đi học, nhìn đứa bạn cầm một nắm cơm chấm muối trắng ăn mà cậu bé Hải thèm đến thắt cả ruột gan. Lúc đó, em chỉ mong nó mời mình một miếng, một miếng bé xíu thôi cũng được. Ấy vậy mà nó không mời, nó ăn xong, tỉ mẩn nhấm nháp cả những hạt cơm bết dính trên tay. Cậu bé sợ khoai đến nỗi mỗi sáng, chỉ cần nghe tiếng mẹ lôi chúng sàn sạt từ gầm giường ra là đã muốn úp mặt vào tường để khóc. Nhưng không ăn thì chết đói, thì không thể đi học nên Hải cứ cố nhồi vào họng như người ta nhồi gà, nhồi vịt.
Mẹ góa, con côi, nhà cửa không có, hàng tháng trời chả biết đến mùi cơm trắng. Thế mà bà Na cứ động viên con học giỏi. Bà nói nếu học giỏi, con sẽ có việc làm tốt, kiếm được tiền là ngày nào cũng được ăn no. Ngày con trai rời làng lên Hà Nội để vào đại học, bà mẹ nghèo đưa cho nó đúng 1.628.000 đồng, Hải nhớ như in số tiền ấy bởi nó là cả gia tài của mẹ. Khi đó cậu cứ nấn ná ở nhà, phần vì thương mẹ, sợ mẹ có một mình, phần vì biết thân con nhà nghèo, chẳng biết rồi có được học đến nơi, đến chốn hay lại “xôi hỏng, bỏng không”.
Cũng may là con trai mẹ Na học giỏi. Một phần do thông minh, nhưng phần khác cũng vì cậu bé thèm ăn cơm trắng, thèm ăn thịt cá. Cậu nghe mọi người nói nếu học giỏi sẽ có công việc tốt, kiếm được nhiều tiền, kiếm được nhiều tiền nghĩa là có thể mua thịt, cá ăn đến chán chê. Cậu mơ được đến ngày đó và quả thực đã nỗ lực làm mọi việc để có được cái ngày ăn ở những nơi mình muốn, mặc những thứ mình thấy họ bán trong cửa hàng và lớn nhất là có thể thay đổi cuộc sống.
Ảnh minh họa
Hai mẹ con mình đã vượt qua hết khó khăn. Hải đỗ tốt nghiệp loại xuất sắc, nhận được học bổng du học, đã nhanh chóng trở thành người quản lý trẻ tuổi sau khi chứng minh được năng lực của mình, đặc biệt là trong việc khiến cho con gái của Tổng giám đốc mê như điếu đổ. Ngày mẹ biết con sẽ kết hôn với người con gái ấy, bà đã hỏi con trai rằng: “Con đã suy nghĩ kĩ chưa?”. Hải biết mẹ hiều mình và biết rằng con trai không yêu cô ấy. Con kết hôn chỉ vì lo cho tương lai. Đúng vậy, anh lo cho công việc hiện tại và chỗ đứng của mình trong công ty mà thôi.
Từ ngày lấy vợ, công việc của Hải lên như diều gặp gió. Nhưng ngược lại, sự hối hân trong anh cũng ngày một tăng lên. Vợ Hải cô ấy không bao giờ có thể trở thành một nàng dâu tốt của mẹ anh. Nhiều lần anh thấy tận mắt cô ấy bĩu môi khi mẹ mình bước chân đất trên sàn gỗ, có khi cô còn lườm nguýt khi mẹ chồng khi nhá cơm cho cháu. Hải đã nhiều lần góp ý, đôi khi cả nặng lời mà rồi lại đâu vào đấy.
Nhưng ngay lúc tức giận nhất, tưởng chừng có thể tát cho cô ấy vài cái, anh cũng hiểu chính mình mới là người có lỗi. Vợ anh lớn lên trong gia đình giàu có, từ nhỏ đã chẳng thiếu thứ gì thì làm sao hiểu nổi những người từng chẳng có cơm mà ăn như mẹ và mình. Cô ấy kể chuyện mẹ chồng lấy cơm thừa phơi khô cất đi như chuyện tiếu lâm. Cô ấy còn bắt chước cả điệu bộ kinh hãi của bà khi được biết bộ quần áo vừa mua giá bao nhiêu tiền. Bố mẹ cô cũng chẳng khác gì, họ cười cợt về những hành động “nhà quê” của bà Na mà khiến Hải đau như bị ai róc thịt. Anh gọi thầm: “Mẹ ơi, sao nghèo lại khổ nhục đến thế này”.
Mấy tháng trước, khi nhà vợ đề nghị được hỗ trợ việc sửa lại nhà ở quê cho mẹ đẻ, Hải đã thấy mừng mừng, vì tưởng họ quan tâm thực lòng tới mẹ mình. Nhưng hóa ra, sau khi nhà xây xong, họ mới nói với anh rằng, mẹ đẻ anh không thích hợp ở Hà Nội, ở căn nhà họ mua riêng cho con gái. Họ nói rằng, mẹ chồng con dâu ở với nhau lâu thế nào cũng có chuyện, Hải nên đưa mẹ về quê tinh dưỡng rồi thuê người giúp việc chăm sóc…Trời ơi, họ nói về mẹ anh, về người sinh ra anh như thể một kẻ đang ở nhờ nhà mà họ đuổi mãi không đi. Trong khi đó, vợ anh chỉ ngồi bên và cười khẩy, nhìn chồng với vẻ đắc chí. Hải đã tưởng mình khôn ngoan, lọc lõi khi lấy vợ để làm bàn đạp tiến thân. Nhưng có lẽ, chính anh mới là bậc thềm của họ. Trên đời, có ai học được hết chữ ngờ.
Hải đau lòng lắm. Anh cảm thấy bất lực khi không bảo vệ mẹ được khỏi lòng tham của chính mình. Anh đã sập bẫy chiếc lồng vàng và giờ không thể thoát ra. Hải biết vậy nhưng thật khó để trở lại điểm xuất phát khi mà ta đang đứng trên đỉnh cao danh vọng và tiền tài. Giờ anh chỉ có thể thầm xin lỗi mẹ và dùng tiền để bù đắp sự cô đơn cho người đã sinh ra mình. Mặc dầu anh biết, cái bà cần bây giờ không phải là những khoản tiền chuyển qua Ngân hàng mà là tình cảm và sự gần gũi của con, của cháu. Nhưng mũi tên đã bắn ra khỏi cung, và giờ nó không còn đường về nữa.
Túp lều chăn vịt ngày nào đã nhường chỗ cho căn nhà sang trọng, kín cổng cao tường. Nhưng ở ngoài khung cửa, bà Na không ngày nào thôi trông ngóng con trai về thăm. Trong ước mơ sâu xa nhất của mình, bà lại mong trở về những ngày quá khứ, những ngày chỉ có khoai lang lót dạ nhưng có mẹ, có con.
beforeAfter('.before-after'); Có thể bạn quan tâm: