Suốt tuần qua, kể từ khi bộ phim"Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh"(dựa trên tác phẩm cùng tên truyện dành cho thiếu nhi của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh), được công chiếu cuối tháng 9, trên các diễn đàn vẫn không ngừng xôn xao. Cứ ngỡ phim sẽ khiến người ta tung hô như khi trailer xuất hiện, nhưng khá bất ngờ là dư luận lại liên tiếp "chọi" nhau...
Đẹp - Liệu đã đủ?Bộ phim "Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh" do đạo diễn Victor Vũ thực hiện đã gây sự háo hức trong lòng những người yêu điện ảnh từ cách đây vài tháng, khi tung ra trailer (hình ảnh giới thiệu) tuyệt đẹp về thế giới tuổi thơ những năm tháng cũ, cùng cảnh non nước Việt vô cùng nên thơ, quyến rũ. Những hình ảnh mướt mắt ấy ngay lập tức chinh phục được người hâm mộ. Trước khi công chiếu, bộ phim cũng đã vinh dự nhận giải thưởng điện ảnh phim hay nhất tại Liên hoan phim quốc tế Phúc Châu, Trung Quốc. Đây chính là một kết quả trọn vẹn góp phần tạo thêm tiếng tăm và càng tăng sự háo hức của công chúng dành cho phim. Cũng lâu lắm rồi, phim Việt mới được chứng kiến cảnh mọi người ồ ạt kháo nhau đi xem phim, xem rồi thì bình luận rôm rả trên trang cá nhân, còn báo chí thì liên tục đưa tin mỗi ngày, nhờ đó màcác diễn viên trong phim cũng lập tức trở thành tâm điểm chú ý.
Người khen, người chê, đủ mọi luồng ý kiến, kể cả báo chí cũng vậy. Sau rất nhiều ý kiến khen ngợi, những lời ca tụng mĩ miều dành cho bộ phim, thì cũng có không ít những lời chê. Bên cạnh các quan điểm cho rằng bộ phim thật sự đẹp đến nao lòng, khiến bất kì ai khi xem xong cũng muốn được trở về những ngày tháng thơ bé trong trẻo, để tâm hồn yên ả hơn, và được một lần khóc vì những ấu thơ ngọt ngào... cũng có không ít ý kiến chê bai dữ dội, rằng phim chỉ như một video clip ca nhạc nào đó, chỉ đẹp thôi chứ chẳng có nội dung gì, nhàn nhạt.
Gần đây nhất, báo chí cũng lại một phen xôn xao với câu chuyện từ lời phê bình của một thành viên đoàn làm phim rằng:"Chẳng thấy hoa vàng trên cỏ xanh. Chỉ toàn hoa héo rơi trên cỏ!... Thất vọng cùng cực, phim dở ẹc, thiếu tính nhân văn khi để tình tiết vì miếng ăn mà thằng anh đập thằng em ruột mình chấn thương cột sống nằm liệt giường một cách vô lí và vô nghĩa cho toàn bộ nội dung. Người cha trong phim lúc nào cũng chỉ đánh đập, dọa nạt con, lại còn chẳng thèm nói chuyện khi con hỏi... Cái tình yêu tuổi mới lớn trong phim nhợt nhạt, chẳng có gì để thấy ấn tượng, rung động đầu đời, chỉ thấy hục hặc, rồi lại còn để cho 2 đứa trẻ con trai - con gái ngủ chung giường qua đêm... Nhà có trẻ con, bố mẹ chớ dại dẫn con đi xem phim này, nguy hiểm về giáo dục!".
Lời nhận xét cay nghiệt này ngay lập tức bị phản bác, thậm chí nhiều người còn nghĩ rằng đây là cách PR gây dư luận trái chiều của phim để tạo thêm sự tò mò, sức hút. Tuy nhiên, ý kiến của vị thành viên này cũng không đơn lẻ, khi mà có khá nhiều người xem phim xong vẫn cứ băn khoăn về hành động người anh đánh gãy lưng em trai mình chỉ vì nhìn thấy thằng bé và người con gái mình thích giành nhau đồ ăn.
Thậm chí, cũng nhiều ý kiến cho rằng thoại phim nhiều chỗ bị "người lớn" quá so với cảnh trẻ con ở trên phim. Và cũng không ít người sau khi xem phim đã thốt ra"Xem cũng được, không xem cũng không tiếc"hay"Không có gì mà ầm ĩ". Nhiều người đi xem theo trào lưu khen trên mạng của cộng đồng về rồi thở dài:"Không giống như tưởng tượng, đã thấy và thấy cũng... bình thường".
Công bằng mà nói, "Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh" là một bộ phim đẹp cho những ai muốn trở về tuổi thơ của mình, khơi gợi lại nhiều kí ức thơ ấu và trong trẻo, cộng với hình ảnh về cảnh đẹp hoang sơ ở Phú Yên, Nha Trang nên nếu xem để thưởng thức thì sẽ hài lòng, nhưng để mong đợi điều gì đó vượt bậc thì có lẽ không nên quá chờ đợi. Cũng giống như người đọc thơ, ai thích thơ sẽ say mê từng lời thơ, nhưng không thích thì thơ sẽ gây nhiều điều "cụt hứng" khi không nói hết được như tiểu thuyết. "Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh" giống như một bài thơ như thế...
Phim Việt đang "đói" phim đẹp?Nhớ lại mấy năm trước, phim Việt cũng từng gây xôn xao bởi bộ phim "Cánh đồng bất tận" của đạo diễn Nguyễn Phan Quang Bình, chuyển thể từ tác phẩm cùng tên của nữ nhà văn trẻ Nguyễn Ngọc Tư. Bộ phim ấy được chú ý không chỉ bởi nội dung là câu chuyện trắc trở, nhiều éo le của những con người sống trên sông nước miền Tây Nam Bộ, mà còn bởi vì những cảnh quay được trau chuốt kĩ lưỡng trong từng thước phim. Ngày đó, người ta mừng bởi phim Việt có thể tạo được hiệu ứng lớn đến thế khi người xem đổ về rạp luôn kín như bưng, bám trụ đến cả tháng trời.
Rất nhiều ý kiến cho rằng sau khi đi xem về chỉ ước được đến miền Tây để tận hưởng cảnh đẹp của vùng đất này. Đạo diễnNguyễnPhan Quang Bình cũng gây ấn tượng mạnh bởi cách lột tả vẻ đẹp miền Tây như thế. Giờ thì những lời khen ngây ngất lại tiếp tục dành cho phim "Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh", khi nhiều ý kiến cũng nói xem xong chỉ thấy thích nhất cảnh đẹp của phim bởi đạo diễn đã làm phim với tinh thần duy mĩ cao độ. Cả "Cánh đồng bất tận" và "Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh" đều đạt "tiêu chuẩn" quảng bá phong cảnh nên thơ của đất nước. Thế nhưng, khá bất ngờ khi chính vẻ đẹp ấy lại là một trong những yếu tố mạnh mẽ để hút hồn người xem. Dù phim có nội dung đáng tranh cãi như thế nào thì những người đi xem về cũng không thể không khen Việt Nam đẹp qua những thước phim, và không tiếc tiền bỏ ra xem phim sau khi được thưởng thức những vẻ đẹp đó.
Trong bối cảnh những năm tháng gần đây, phim Việt lao vào vòng xoáy của thương mại, khi mà các nhà sản xuất làm những bộ phim dễ tính để kiếm lợi nhuận nhanh, thì những bộ phim được làm cầu kì, chỉn chu từng góc máy, thể hiện vẻ đẹp con người đất nước lại cực kì khan hiếm. Chính vì vậy, giữa rừng phim thương mại thì phim "Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh" được chú ý, gây thu hút cũng là điều dễ hiểu. Khán giả thích phim cũng phải, bởi nó như những vần thơ nhẹ nhàng, như kí ức lắng đọng của thời thơ ấu ngọt ngào, mỗi khuôn hình đều trong trẻo, nên thơ. Nếu như tác phẩm của nguyễn nhật ánh luôn làm cánh trẻ con thích vì viết đúng tinh thần, thế giới của trẻ thơ, thì "Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh" cũng đưa người xem có được "một vé về tuổi thơ". Những bộ phim đẹp đẽ, nhẹ nhàng, kĩ lưỡng như thế đang quá thiếu trong điện ảnh Việt. Chắc hẳn, với hiện tượng phòng vé này, các nhà làm phim Việt cũng cần định hình lại cách nghĩ về thị hiếu khán giả, bởi họ đâu phải chỉ thích chọc cười, thích bạo lực, kinh dị như lâu nay chúng ta vẫn quan niệm?
Đặc biệt, với sự thành công của "Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh", người ta thấy một chân lí nữa rằng sự kết hợp giữa văn học và điện ảnh luôn cho ra những tác phẩm đáng quan tâm, đồng thời cũng trở thành xu hướng làm phim an toàn của các nhà sản xuất phim hiện nay.
Tâm Giao -