Tâm lí chung của phụ nữ là hay so sánh. Nhìn thấy cô bạn này có nhiều váy đẹp, hay xài hàng hiệu cũng thích, cô bạn kia nhà cao cửa rộng cũng mong, người khác có chồng tâm lý thì lại càng thèm muốn. Nếu chỉ dừng lại ở sự ngưỡng mộ và ao ước thì không có gì để nói. Nhưng khi biến những thứ đó thành những chuyện ảo tưởng và “kích” chồng mình thì quả thực là điều ngu xuẩn.
Từ hồi yêu nhau, Lanh và Thông đã mấy lần cãi vã, đòi chia tay. Cũng chỉ vì nhà Lanh ở thủ đô, khá giả, còn Thông là người tỉnh lẻ. Bản thân Thông rất tự ti, anh lại tự thấy mình không ga lăng, tinh tế.
Anh sợ một ngày nào đó, khi qua cái tuổi lãng mạn yêu đương, trở về cuộc sống thực tại, Lanh sẽ ân hận. Nhưng Lanh nhất định vượt qua mọi phân tích, ngăn cản của bố mẹ. Cô lấy Thông vì thấy anh hiền lành, chân thành và rất chăm chỉ.
Thông yêu vợ, anh luôn nỗ lực làm việc và chăm lo cho gia đình. Sau 5 năm sống chung, họ mua được một căn hộ tập thể cũ. Đúng như từng dự đoán, thời gian đầu, khi tình cảm còn mặn nồng, Lanh chấp nhận hết những khó khăn, vất vả của hai vợ chồng.
Nhưng dần dần, khi con cái đã lớn, khi cuộc sống dần ổn định và cô cũng có thời gian để gặp gỡ lại các bạn cũ thì Lanh bắt đầu… so sánh.
Nhà cái Hoài bạn em ở Royal City, chao ơi là thích. Cứ như thể ở khách sạn 5 sao ấy. Ra hành lang cứ gọi là sạch sẽ, điều hòa mát rượi, nhạc du dương. Trong nhà thì toàn nội thất đắt tiền. Sao vợ chồng nó giàu thế cơ chứ. À, mà chồng nó cũng quê Hà Nam giống anh đấy. Nhưng anh ấy nhanh nhạy và hoạt bát lắm. Lập công ty riêng, giờ có vài chục nhân viên, xe hơi, nhà đẹp. Giờ thì chẳng ai còn thắc mắc sao Hoài đẹp và trẻ mãi.
Hôm khác, đến nhà bạn ở Ecopark, Lanh cũng say sưa kể về nhà cô bạn cũ và không giấu vẻ ngưỡng mộ. Có người bạn thì mua hẳn mấy nhà, vừa ở vừa cho thuê, sướng không kể hết. Rồi Lanh quay sang dằn vặt chồng: “Sao người ta cũng dân tỉnh lẻ mà lại thành công thế nhỉ, chẳng như anh. Mãi vẫn chân trưởng phòng loẹt quẹt”.
Chưa hết, Lanh bắt đầu cảm thấy “khó chịu” khi ở trong nhà của mình. Động đến đâu cô lại phàn nàn đến đấy. Nhất là những ngày nắng nóng này, ở trong bếp với cô là cực hình.
“Bếp nhà người ta rộng rãi, mát rượi, bếp nhà mình bé như mắt muỗi, chỉ khổ người nấu”; con sang nhà bạn chơi, cứ thích mãi cái phao tắm, bơm nước đầy và thi nhau ngâm nghịch. Lanh cũng muốn mua cho con, khổ nỗi, phòng tắm quá chật, nhà thì nhỏ không có chỗ để. Đây cũng là đề tài để cô kêu ca, cáu kỉnh với chồng.
Thông hiểu những mong muốn của vợ mình, ai chẳng thích nhà cao, cửa rộng, ai chẳng thích thành đạt, lắm tiền. Bản thân anh cũng phải cố gắng rất nhiều, làm thêm đủ thứ để lo cho vợ con có cuộc sống không quá vất vả.
Nhưng dường như, bao nhiêu cố gắng của anh gần đây không được vợ ghi nhận. Lanh ngày càng hay cáu gắt và khó gần. Những lời nói xúc phạm của cô nhiều khi như con dao cứa sâu vào Thông. Cô muốn chồng phải thay đổi ngay lập tức, phải thành công. Cô lên “kế hoạch” cho chồng.
Trước tiên, anh phải đi học văn bằng hai về quản trị kinh doanh, để chuyển ngành. Làm mãi mấy việc chuyên môn thì không thể giàu được. Tiếp theo, cô lên mạng tìm cho anh những công ty liên doanh với nước ngoài, thu nhập tính theo “đô” và bắt chồng đi thi tuyển.
Dù rất yêu thích công việc hiện tại, nhưng thu nhập chỉ vừa đủ để lo sinh hoạt hàng ngày. Muốn đi đâu, ăn gì cũng phải suy tính bớt khoản nọ, thêm khoản kia. Anh đau khổ theo “lập trình” của vợ.
Tiếc nỗi, Lanh chưa bao giờ hài lòng với những gì chồng làm được. Chỗ này lương khá cao, nhưng chỗ kia còn cao gấp rưỡi, cô lại bắt chồng “nhảy” việc – sự thay đổi quá nhanh, quá chóng mặt dường như không hợp với tính cách và con người Thông.
Áp lực, không được làm và được sống như ý mình, Thông chán về nhà. Chán cảnh vợ “hoạch định” và yêu cầu ở anh những điều quá lớn lao. Chán nản và bế tắc, trong lúc ức chế, anh “nhảy” việc vào một tỉnh miền Trung – Tây Nguyên. Bỏ lại ba mẹ con với những huyễn tưởng về cuộc sống giàu sang, phú quý. Phải năm lần bảy lượt Lanh khóc lóc, xin lỗi chồng.
Hơn một năm xa cách, đủ cho Lanh nhận ra đâu là giá trị đích thực của hạnh phúc. Nhà của cô có thể nhỏ, mức sống gia đình không ở mức xa xỉ, nhưng ở đó hạnh phúc đủ đầy. Gia đình xum tụ, nơi vợ chồng, con cái tràn đầy tiếng cười sau mỗi giờ tan sở.
Chị em thường hay so sánh và thích so sánh chồng mình với chồng người về khả năng kiếm tiền, vị thế xã hội, sự yêu chiều vợ, giúp vợ việc nhà. Khi chỉ dừng lại ở những câu chuyện, thì có lẽ không có gì đáng nói. Nhưng nếu sự so sánh ấy thành nỗi ám ảnh và thúc ép chồng phải đạt được những gì mình muốn thì không nên.
Ai cũng hiểu, so sánh là sự khát vọng của người vợ, nhưng thay vì so sánh, vợ có thể trao đổi, nói chuyện nhiều hơn với chồng. Bên cạnh đó, người đàn ông cũng cần luôn tự điều chỉnh, biết mong muốn của vợ để có thể đáp ứng hoặc hoàn thiện mình hơn.
beforeAfter('.before-after');