Phúc bước chân đến cửa nhà đồng hồ cũng đã điểm 21h. Mấy ngày nay công ty quyết toán thuế nên Phúc thường xuyên phải về muộn. Vừa vào nhà, trước mắt Phúc là cảnh tượng mẹ chồng ngồi giữa phòng khách, mặt mày đăm chiêu, cô chào cũng không trả lời. Phúc nhanh chóng đoán ngay được tình hình, mẹ chồng cô lại giận dỗi. Chẳng là sáng nay, khi hai vợ chồng đang vội đi làm, mẹ chồng cô liền chạy ra dặn chồng cô chiều về sớm đưa bà đi mua ít đồ để tuần sau về quê thanh minh, chồng cô có việc nên vội từ chối: “Hôm nay con bận rồi, với cả tuần sau nhà mình mới về quê, để hôm khác con đưa mẹ đi”. Mặt bà chùng xuống rồi chẳng nói chẳng rằng đi vào nhà. Phúc đoán ngay với tính cách của mẹ, bà đang dỗi con trai. Nhưng chẳng ngờ, đến tận tối về, bà vẫn giữ vẻ mặt giận dỗi, lại còn dỗi luôn cả con dâu. Từ ngày về làm dâu, Phúc luôn phải tìm đủ trăm phương nghìn kế để dỗ dành mẹ chồng hay dỗi vặt của cô. Nhưng hôm nay, vì quá mệt mỏi công việc trên cơ quan thêm nữa cô thấy chuyện giận dỗi lần này của mẹ chồng thật quá sức vô lý nên cô bỏ thẳng lên phòng, coi như chưa có chuyện gì xảy ra.
Đúng như cảnh tượng quen thuộc, vừa vào phòng được mấy phút quay ra, cô đã thấy mẹ chồng sụt sùi khóc lóc, miệng lẩm bẩm: "Giờ chúng nó chỉ biết thân biết phận mình, rồi công công việc việc chứ mẹ già thế nào chúng nó nào có biết". Biết là có chuyện không yên rồi, Phúc cố gắng xuống an ủi mẹ chồng: "Sao mẹ lại nói thế, hôm nay bọn con bận, mai chúng con sẽ đưa mẹ đi mua đồ".
Phúc mới về làm dâu được nửa năm, nhưng nửa năm cũng là đủ sáu tháng cô chứng kiến tính tình “trẻ con” của mẹ chồng. Bất cứ việc gì không theo ý bà hay có chuyện tranh luận trong gia đình, bà đều dùng sự giận dỗi của mình để gây áp lực với con. Nhẹ thì mặt mũi lầm lì, chẳng nói chẳng rằng, nặng thì bỏ ăn bỏ uống khiến hai vợ chồng Phúc dở khóc dở cười. Thương mẹ già yếu, vợ chồng Phúc đành “ngậm bồ hòn làm ngọt”, chiều theo ý bà, dỗ dành động viên bà, lúc đấy bà mới lại vui vẻ trở lại. Ban đầu Phúc cũng thông cảm cho mẹ chồng, bố chồng Phúc mất sớm, mẹ chồng Phúc một tay chăm lo cho chồng Phúc, nhất định không đi bước nữa. Có lẽ sự hi sinh dành cho con trai quá lớn nên bà thường có tâm lý tủi thân khi con cái cãi cự ý bà. Chồng Phúc thương mẹ nên trước giờ những việc lớn nhỏ đều thuận theo ý mẹ.
Phúc mới về làm dâu được nửa năm, nhưng nửa năm cũng là đủ sáu tháng cô chứng kiến tính tình “trẻ con” của mẹ chồng (Ảnh minh họa).
Nhưng từ ngày Phúc về, vợ chồng trẻ cũng cần có không gian riêng, một số chuyện cũng cần tự chủ. Nhưng mẹ chồng Phúc không cho là thế, bà vẫn giữ thói quen thay con quyết định mọi chuyện. Sau ngày cưới, hai vợ chồng Phúc dự định đi lên miền Tây Bắc một chuyến vì cả hai vợ chồng đều chưa có dịp được đến đó. Nhưng mẹ chồng Phúc vội gạt đi: "Tuần trăng mật là dịp để nghỉ ngơi thư giãn, các con phải đi những nơi di chuyển dễ, an toàn. Mẹ không đồng ý để các con đi mấy nơi rừng thiêng nước độc thế”. Chồng Phúc thuyết phục thế nào bà cũng không đồng ý trong khi vé tour cũng đã mua sẵn. Mẹ chồng thấy con trai cương quyết nên tỏ thái độ khó chịu với Phúc vì bà cho rằng Phúc cố tình bắt chồng thuyết phục mẹ. Hai ngày sau cưới, bà chẳng nói chẳng rằng. Mới ngày đầu làm dâu, thấy mẹ chồng thế, Phúc đành bảo chồng hủy chuyến đi để mẹ vui lòng, không nên vì một chuyến đi mà làm không khí gia đình căng thẳng. Thế là hai vợ chồng đành mua tour đi biển theo ý bà.
Những ngày sau đó, Phúc càng choáng váng với bản tính hay dỗi vặt của mẹ chồng. Cuối tuần, hai vợ chồng cùng các bạn thân trong nhóm đi dã ngoại. Sau hai ngày, vừa về đến nhà, hai vợ chồng Phúc tá hỏa thấy mắt mẹ chồng đỏ hoe, bà vừa khóc vừa nói: “Số tôi số khổ, chồng chết sớm, con trưởng thành cũng vui đường con, để mình tôi lủi thủi một mình mấy ngày, có ngày chết cũng không ai biết”. Hai vợ chồng Phúc vội vàng an ủi mẹ, hứa với bà lần sau có đi đâu cũng sẽ đi cùng bà, chứ không để bà ở nhà một mình. Lúc ấy mẹ chồng Phúc mới chịu nín.
Mới tuần trước thôi, có chị cùng cơ quan chuyên buôn gạo quê, thấy mọi người khen ngon, Phúc nhớ ra nhà cũng sắp hết gạo bèn mua thử một bao về ăn. Hí hửng bưng bao gạo về, Phúc thấy mẹ chồng mặt mày khó chịu: “Mẹ mua gạo không ngon, không hợp khẩu vị của con thì con nói, mẹ sẽ đổi gạo khác, con không phải tự tay mua về thế này”. Thấy mẹ chồng tự ái, Phúc không dám thanh minh vì cô biết cô càng nói, mẹ chồng sẽ càng suy diễn, cô đành nói dối mà trong lòng ấm ức vô cùng: "Gạo này con được một chị người quen ở quê cho mẹ ạ. Gạo mẹ mua cơm vừa dẻo, vừa thơm, sao phải đổi gạo làm gì. Con cũng đâu có rành chọn gạo được như mẹ". Trong đầu cô chưa kịp có ý nghĩ gì khác, chỉ đơn giản muốn mua gạo mới về ăn thử, lại bị mẹ chồng gán cho tội chê gạo mẹ mua.
Tối nay cũng vậy, chỉ vì chuyện cỏn con buổi sáng mà bà quay sang giận dỗi với Phúc trong khi cô hoàn toàn không liên quan. Bước về phòng với cái bụng đói meo Phúc thấy tâm trạng nặng nề hơn bao giờ hết. Cô thấy ngán ngẩm với việc ngày mai và những ngày tiếp theo nữa phải gồng mình đoán ý để làm vừa lòng mẹ chồng và luôn phải sẵn sàng "dự trù" đủ các phương án dỗ dành để đối phó với những cơn giận dỗi vô cớ của bà. Giờ Phúc nhận ra quả thật phận làm dâu cũng lắm chuyện dở khóc dở cười.
Có thể bạn quan tâm: