Hà Nội vào thu, đón đầu bằng những cơn mưa mang hơi lạnh, hương hoa sữa âm ẩm một góc phố quen, tôi nhớ Nhiên nhiều, một nỗi nhớ cũ kĩ và khó diễn tả bằng lời. Nói sao nhỉ, nó không đến theo cách cuộn trào một khoảnh khắc như con thác đổ ập xuống rồi nghiến nát trái tim người ta nhưng nó giết tôi dần mòn, cứ thế đi qua những mùa thu Hà Nội thi thoảng mang hơi mưa lạnh, tôi nhìn màu trời xám lại, 24 tuổi, tôi chẳng có gì ngoài những hồi ức với Nhiên ở con sông sau nhà vào những buổi chiều muộn, gió thốc bay vạt tóc Nhiên nom dịu dàng và ứ đầy tin yêu.
Nụ cười Nhiên sáng bừng một góc trời thu mưa ẩm xám ngắt, tôi yêu đôi mắt cười ấy, yêu cái cách Nhiên ve vuốt những cánh hoa dại trắng muốt. Những nhành hoa dại luôn làm tôi nhớ đến Nhiên và nhớ cả... bản thân mình. Chúng tôi - những đứa trẻ của một miền quê phần nhiều hoang dại đã gắn lấy cuộc đời nhau tưởng như không bao giờ lìa xa nữa. Ấy vậy mà thời gian khốc liệt hơn tôi tưởng nhiều lần, mọi thứ vẫn vậy, con sông quê nhà vẫn trong veo in bóng nền trời không gợn mây những chiều thu trong vắt, Hà Nội vẫn ồn ào và vội vã mùi phố thị đặc trưng, những mùa hoa vẫn cũ, chỉ có chúng tôi là đã khác, đã khác...
Tôi nhớ Nhiên thuở màu mắt veo trong. Tôi đã ngắm màu mắt ấy rất lâu trước khi Nhiên phát hiện ra và đến cạnh tôi. Nhiên chuyển vào lớp, nhịp tim những thằng con trai thường ngày nghịch ngợm và hay trêu trọc tụi con gái rơi một nhịp, tôi không biết tim mình hẫng bao nhiêu nhịp vì màu mắt Nhiên, chỉ biết bản thân cứ muốn mãi đắm chìm trong màu mắt ấy. Nhiên trong sáng và đẹp quá chừng những nguyên sơ của một miền quê vắng vẻ. Cặp mắt ướt và trong sáng, cái má lúm như làm nụ cười ấm áp hơn.
Tuổi 14, tôi không có người phụ nữ nào để yêu thương hay được yêu thương bởi một người phụ nữ, ba mẹ mất trong một chuyến buôn hàng mãi tận miền đất xa xôi nào, tôi về sống cùng ông nội. Ông cũng một đời héo hắt vì thiếu những săn sóc từ bàn tay phụ nữ. Bà nội mất năm sinh chú út tôi, bố tôi, cô tôi, chú tôi đã lớn lên dưới vòng tay ông, mạnh mẽ và hoang dại. Lúc bấy giờ đến lượt tôi cũng vậy. Màu mắt ông đã đục như nền trời giữa trận mưa mang hơi lạnh đầu thu. Tôi mơ hồ cảm nhận những nỗi đau hằn lên thêm trong đôi mắt ấy, lập lờ và trôi đi lững thững.
Ngày Nhiên bắt gặp ánh mắt tôi nhìn cậu ấy, Nhiên cười như ngại ngùng và chẳng nói gì thêm nữa. Tôi cứ thế, thi thoảng lén nhìn lên chỗ Nhiên ngồi trong những giờ giải lao, thương thầm những nụ cười nghiêng nghiêng như nhuộm ửng trong đáy mắt những nguyên sơ ấm áp. Tình cảm đầu đời bé dại cứ thế trôi đi. Cho đến một hôm, tôi nhận ra nó lớn lên rất nhanh trong tôi, tôi nghĩ đến nó với một sự bồn chồn không hề yên ổn. Nhiên như hiểu được, ánh mắt ấy đã đáp lại cái nhìn của tôi, tự nhiên như thể đó là điều cốt yếu nhưng sao tôi lại thấy lòng mình phơi phới đến lạ kì.
Thuở ấy sau những giờ tan học, tôi chạy bán sống bán chết về nhà, không phải vì điều gì đó khẩn khoản. Ông nội vẫn ngồi đó với đôi mắt mờ đục. Tôi vòng ra sau nhà, nơi con sông vẫn êm đềm bao ngày tháng và... yên lặng. Tôi gào thét trong trí óc mình những thèm khát yêu thương thiếu vắng bao lâu. Bản chất của một thằng con trai không cho tôi quyền rơi nước mắt vì những điều vu vơ như thế dù tôi thực sự muốn làm bất cứ thứ gì để giải phóng những xúc cảm đè nén trong mình. Đúng lúc ấy thì tôi gặp Nhiên, lần đầu tiên sau gần một học kì Nhiên chuyển vào lớp. Vẫn nụ cười ấy - nụ cười đã cứu rỗi tôi mỗi khi lòng giông bão, Nhiên ngồi cạnh tôi bên cạnh bờ sông, hỏi những điều rất vu vơ. Tôi chợt nhận ra đó là lần đầu tiên tôi và Nhiên nói chuyện đúng nghĩa:
- Cậu sống có vui không? - Nhiên hỏi với một chất giọng nhẹ nhàng khó đoán biết thái độ, nó bình bình, âm giọng không cao cũng không thấp. Một câu hỏi không thú vị - tôi đã nghĩ thầm như thế. Cuộc sống của tôi có gì đáng để bàn tới đây? Tôi yên lặng như thể thay câu trả lời, hỏi vặn:
- Còn cậu?
- Không! - Nhiên trả lời với một nụ cười âm thầm như không như có. Không sao? Tôi cảm thấy rất ngạc nhiên với câu trả lời đó. Nhiên hay cười vậy, nụ cười ấm áp vậy, chẳng lẽ gì lại không hạnh phúc. Nghĩ Nhiên nói đùa, tôi giấu sự ngạc nhiên của mình, thở hắt một tiếng, hướng ánh mắt ra xa rồi tiện tay ném xuống lòng sông êm ả một viên sỏi nhỏ. Không chắc có phải Nhiên đoán biết được những suy luận của tôi, cậu hỏi:
- Cậu không tin à?
- ...
- Có biết, vì sao mình hay cười như thế?
Tôi vẫn yên lặng, không phải vì không muốn nói chuyện hay đang nghĩ xem nên trả lời ra sao. Tôi rụng rời nhận ra Nhiên cũng giống tôi, cũng cô độc đến mức đáng thương. Cậu ấy muốn chia sẻ, có vẻ như với bất kì ai, có thể không nhất thiết phải là tôi nhưng Nhiên đã chọn tôi, đó phải chăng là mối lương duyên không trọn vẹn?
Tôi vẫn không ngước nhìn Nhiên vì ánh mắt cậu lúc đó cũng giống tôi, nó không thể vớt tôi ra khỏi vũng cảm xúc ứ đọng lâu ngày. Dù tôi thích Nhiên, tình cảm lúc bấy giờ chưa thực sự đúng nghĩa như quãng thời gian về sau này. Chính thế lúc đó tôi không có ý định chia sẻ với Nhiên hay nghe Nhiên chia sẻ. Nhưng cái giọng kể của Nhiên và cả ánh mắt cậu ấy thôi thúc tôi, tôi buột miệng:
- Vì sao?
Nhiên kể, thật thà và ào ạt đến nỗi tưởng như không có câu hỏi của tôi lúc đó, Nhiên vẫn sẽ kể. Cuộc sống của Nhiên có nhiều điểm giống tôi đến lạ. Bố bỏ nhà đi theo người đàn bà khác năm Nhiên mới lên năm. Nhiên nói mình không bao giờ quên cái ngày bố đuổi hai mẹ con ra khỏi nhà, Nhiên khóc và giữ chặt chân bố bằng chút sức lực yếu ớt nhưng bị ông đá ra thô bạo, Nhiên theo mẹ mưu sinh khắp chốn nhưng rồi cuối cùng chọn nơi đây, Nhiên cần được học hành cho tử tế, chí ít để thoát khỏi vũng lầy cuộc sống. Nhiên bảo ở cạnh mẹ, cậu ấy chưa bao giờ thấy ấm. Mẹ cậu cố mưu sinh bạt mạng vì cậu nhưng cách bà thể hiện với Nhiên chỉ làm cậu ấy chua xót...
- Cố cười nhiều để thấy mình bớt bất hạnh hơn.
Câu nói đó của Nhiên đã tác động mạnh mẽ vào nhận thức tôi. Mãi sau này khi đã trưởng thành chút ít, tôi mới thấy tuổi thơ mình, tuổi thơ Nhiên sao mà lạ lùng như vậy. Những đứa trẻ 14 tuổi, không phải những nụ cười hồn nhiên, vẹn tròn, không phải những trò nghịch ngợm tinh quái mà là sự cảm nhận cùng những nỗi buồn không-hề-trẻ-con. Tôi và Nhiên, chúng tôi đến cạnh nhau để giữ cho nhau chút còn lại của những con tim đang lớn, của một quãng tuổi thơ đúng nghĩa, một chút êm đẹp, một khoảng khắc tim rung lên nhè nhẹ giữa muôn triệu những buồn nản chán chường của hai đứa trẻ cùng-cô-đơn.
Tôi đã yêu Nhiên như thế, tự nhiên như thể đó là điều tối cần thiết, nhẹ nhàng như cái cách cậu ấy bước vào cuộc sống tôi, như cái cách tôi yêu màu mắt ấy. Nhiên có thể đoán biết tôi nghĩ gì một cách dễ dàng, đúng hơn là đoán biết cảm xúc của tôi. Tôi không che giấu trước Nhiên, tôi thú thật với Nhiên, thú thật với bản thân mình, những gì vốn thuộc về cái thằng tôi của tuổi mười bốn, tuổi mười tám và cả bây giờ.
Tôi và Nhiên bước chân vào cấp ba, cả hai cùng đỗ vào trường điểm của tỉnh. Tôi chuyên Lí còn Nhiên chuyên Văn. Sống xa nhà, chúng tôi càng bấu víu vào nhau. Những quan tâm của một thời bé dại dành cho nhau cứ thế lớn lên. Nhiên hay mang sang phòng kí túc xá của tôi vài món được nấu nướng tử tế, giúp tôi chiếc áo đồng phục chưa kịp giặt. Nhiên luôn luôn dịu dàng như thế, nụ cười của Nhiên vẫn nghiêng nghiêng ấm áp, bây giờ nó hợp hơn với một cô nữ sinh cấp ba trong tà áo dài tinh khôi. Tôi biết kí ức của những năm tháng ấy sẽ theo tôi đến mãi mãi về sau. Những buổi chiều cuối tuần đèo Nhiên về trên con đường dài hơn hai mươi cây số, nắng thì chẳng sao, hễ cứ mưa tôi lại gồng mình lên để che cho Nhiên những vạt mưa quất xối xả vào tai, vào mắt. Bờ vai con trai mười tám hẳn đã cho Nhiên không ít bình yên. Vậy mà có lúc, tôi vẫn đứng trước Nhiên như là đứa trẻ.
Giữa lớp 12, tôi nhận tin ông nội mất. Niềm hụt hẫng tăng vọt lên nhuốm màu suy nghĩ và len lỏi lên trong đáy mắt. Tôi bỏ Hiên lại khu kí túc xá, đạp xe như điên dại 2 tiếng đồng về nhà giữa cái nắng rát bỏng. Tôi thấy mình không thể khóc được, những giọt nước mắt dường như đông đặc lại và đập xối xả từng phát một vào lồng ngực tôi, đau nghẹn. Về đến nhà thì tất cả đã tập trung đông đủ rồi, không có cơ hội gặp ông lần cuối, tôi oà lên như cái ngày đón thi thể bố mẹ tôi về nhưng sự sụp đổ tăng lên gấp nhiều lần.
Không còn ai, không còn một ai, không còn thứ gì, tôi giương cặp mắt hoang hoải nhìn vào một góc nhà ông tôi vẫn thường nằm đó. Chiếc radio cũ kĩ, những bọc to bọc nhỏ không biết cụ thể có gì được ông gói ghém cất đi, tất cả những thứ đó cô chú tôi đã cất vào đâu đó để lấy chỗ đón tiếp khách khứa. Lồng ngực tôi như muốn vỡ nát ra tất cả xúc cảm đè nén. Bất ngờ có một bàn tay con gái ấm áp xoa xoa vào lưng tôi, vạt tóc mềm quệt lên vai áo và giọng nói nhỏ nhẹ:
- Tuân, còn Nhiên ở lại mà!
Tôi không đủ thời gian để bất ngờ về sự có mặt của Nhiên, như thường lệ, cậu ấy biết tôi cảm thấy ra sao, chính là sự sợ hãi đó. Cái xoa lưng ấm áp, chất giọng rất mềm đã giúp tôi kìm nén lại, để người ta đưa ông tôi đi. Nhiên nắm chặt tay tôi suốt buổi hôm đó, tim tôi không rung lên loạn xạ như thường lệ tôi hay nghĩ, tôi tìm thấy trong cái nắm tay đó chút bình yên bé dại thuở còn cha mẹ, ngày tôi được ông xoa xoa cái đầu gọt trọc lốc, cười hiền.
Đêm đó Nhiên cùng tôi ngồi ở bờ sông sau nhà, gió thổi lộng, một đêm rằm trăng rất sáng. Cả hai chúng tôi yên lặng hồi lâu, chai rượu tôi trộm lấy trong ngăn tủ đã vợi nửa rồi. Nhiên giữ tay tôi:
- Thôi, không uống nữa!
- Cậu thử một chút không?
Nhiên lưỡng lự, rồi gật đầu. Tôi đưa cho Nhiên một chén rồi dốc nốt số rượu xuống vùng cỏ mướt. Nhiên chun mũi uống cạn li rượu đó, nhìn tôi cười cười. Men rượu ngấm vào người làm tôi càng thấy nụ cười Nhiên đẹp lạ lùng. Hương cỏ thơm thơm kéo trí óc tôi về miên man kí ức. Tôi nằm vật ra nền cỏ, Nhiên cũng thế, chúng tôi nắm tay nhau, cùng cười để xoá đi trong mắt nhau những nỗi đau ánh hằn lên dữ dội. Chúng tôi thiếp đi cạnh nhau. Đêm đó, tôi đã mơ một giấc mơ bình dị, những giấc mơ ngọt ngào êm đẹp nhất. Có ba mẹ, có ông nội, có nụ cười Nhiên ấm áp tinh khôi.
- Chúng ta sẽ cùng vào đại học chứ?
- Ừ, dĩ nhiên rồi!
- Sẽ cùng nhau đi thật nhiều nơi nhé!
- Ừ!
- Sẽ cùng nhau hạnh phúc được không?
- Được.
- Hứa nhé.
- Ừ... - Tôi nhớ nụ cười mình mơ màng dưới vòm ánh sáng bàng bạc của vầng trăng đêm rằm.
Tôi biết giấc mơ đêm đó không trở lại, mãi mãi không bao giờ trở lại vì Nhiên ngày ấy, bây giờ đã chẳng còn nắm tay tôi...
Tôi nhớ suốt những năm tháng bên nhau, tôi chưa bao giờ nói mình thích Nhiên nhưng tôi biết Nhiên hay bất cứ ai nhìn vào cũng có thể cảm nhận tình cảm giữa chúng tôi. Không phải thích mà là thương. Tình cảm đã lớn hơn thế rất nhiều lần. Đã từng xoa dịu được những thương tổn trong nhau, đã từng hứa hẹn, hà cớ chi bây giờ lại xa nhau như thế? Thì ra tất cả những thứ tưởng chừng vĩnh cửu ấy đều thua, thua vòng quay thời gian khốc liệt, thua cả hiện thực xô ngã đời nhau...
Vào đại học, tôi điên cuồng lao theo những tham vọng ấp ủ bấy lâu nay, làm việc cật lực và tính toán này đêm cho tôi một cuộc sống đủ đầy hơn, tôi vẫn muốn nhiều hơn thế nữa. Tôi bỏ rơi Nhiên lại một góc đời mình. Cậu vẫn đến, vẫn chăm sóc cho tôi nhưng tôi nhớ rất lâu, mình không nắm tay Nhiên. Rất nhiều bận Nhiên về quê một mình, chúng tôi chẳng còn ngồi cạnh nhau bên bờ sông in ánh trăng lấp lánh, không cùng nắm tay nhau nằm ra thảm cỏ, không cùng mơ những giấc mơ một thời bỏng cháy. Tất cả cứ đẩy Nhiên dần xa tôi. Cuối cùng tôi được gì đây? Những thứ không đáng kể và tôi... mất Nhiên. Lặng lẽ. Như ngày Nhiên đến cạnh bên tôi.
Nhiên vụt sáng trở thành một gương mặt MC đắt show, những chương trình ăn khách nhất, Nhiên đều góp mặt. Tôi mừng cho Nhiên vì những ước mơ cuối cùng thành hiện thực. Tôi không biết đó là quyết định bùng phát sau bao tháng ngày tôi để Nhiên đằm mình trong nỗi cô đơn hoang hoải. Lúc tôi chợt nhận ra thì mọi thứ đã muộn quá rồi.
Tôi từng nghĩ mình tài giỏi lắm khi mua được một căn nhà, dù chẳng lớn trên cái đất Hà Nội lắm bon chen ở tuổi 22, cuối cùng tôi đánh mất người con gái quan trọng nhất đời mình, vội vàng nhận ra trong muộn màng và hối tiếc, tôi biết những thứ tôi điên cuồng chạy theo để có được chỉ là hư vinh, tôi không vui vì nó và nó, không thể khỏa lấp những khoảng trống trong tôi.
Nhiên đi làm, cứ thế xa tôi dần. Đến một hôm tôi bắt gặp Nhiên trên phố, váy đỏ thướt tha sau xe một người đàn ông không có gì đặc biệt xét ở vẻ bề ngoài, Nhiên cười, những nụ cười u hoài rệu rã, tôi biết mình khó lòng đặt tay Nhiên vào trong tay mình lần nữa. Tôi buồn bã bỏ về quê, vứt lại mấy bản kế hoạch lăn lóc nơi góc phòng ngủ. Tôi đã khóc như điên dại trong căn nhà bám bụi lâu ngày, di ảnh ông tôi và bố mẹ xếp ngay ngắn trên nóc tủ. Tôi hối hận thật sự, thấy mình sau mà quá tệ hại như thế, sao mà xuẩn ngu như thế. Tôi ra sau nhà, ngồi lên lớp cỏ mướt trước dòng sông và thinh lặng hồi lâu. Đã rất lâu tôi không khóc như vậy, những tham vọng làm tôi quên khóc để bây giờ nhận ra, mình chẳng là ai, mình vẫn phải dựa vào những hồi ức bé dại để mà sống qua ngày dài. Vậy mà bao nhiêu lâu nay bỏ quên nó để bây giờ chao đảo, chới với. Nước mắt có thể khiến tôi bình tâm lại trong lúc này nhưng còn những tháng ngày sau? Tôi làm sao có lại bình yên thêm lần nữa.
Nhiên về, lại ngồi cạnh tôi bên bờ sông sau nhà. Tôi không nhìn Nhiên như ngày xưa nữa. Nhiên cũng yên lặng hệt như tôi, hồi lâu mới nói, Nhiên kể chuyện dù tôi chẳng hỏi:"Nhiên đã rất mong cứ cuối tuần được đi chơi cùng Tuân. Tuân bận cũng được, không về quê cũng không sao, miễn chúng ta bên nhau là được. Nhưng Tuân quên Nhiên lâu lắm rồi thì phải. Năm thứ hai Nhiên đã được người ta mời làm MC nhưng Nhiên không đi, sợ nhỡ Tuân rảnh bất chợt, chúng ta không nói chuyện được. Vậy mà Tuân cứ bận mãi, Nhiên không nhận ra hình hài những lời hứa ngày xưa, đành đi làm, đành quên Tuân..." Nhiên kết thúc câu chuyện bằng nụ cười buồn buồn rồi bất chợt quay sang hỏi tôi: - Sao Tuân bỏ về lúc công việc đang bề bộn?
- Nhiên thì sao? - tôi hỏi như để hồi tưởng lại cuộc gặp gỡ cách đây mười năm trước. - Nhiên không quen được! Hà Nội mệt mỏi quá! - Mắt Nhiên nhìn tôi, hấp háy cười. Tôi vỡ oà xúc cảm và nặn ra một cười y hệt, với Nhiên. Cuối cùng thì chúng tôi vẫn không thuộc về phố thị, những đứa trẻ không thể vứt bỏ nơi chốn đã chôn giấu rất nhiều kỉ niệm để chạy theo dòng phù du hối hả ngoài kia. Cuối cùng thì, những đứa trẻ, vẫn chẳng thể xa nhau...
Di An