Trước đây, Lan từng yêu một anh chàng học cùng. Có thể nói họ là đôi trai tài, gái sắc, hòa hợp nhau từ học thức, tính cách đến tâm hồn. Sau khi ra trường, hai người đã bắt đầu hứa hẹn nói đến chuyện xây dựng một tổ ấm thì anh người yêu được đi tu nghiệp ở nước ngoài 5 năm. Vì chưa ràng buộc chuyện cưới xin, Lan và anh người yêu chia tay, cô không thể chờ đợi một người lâu như thế. Cũng từ khi đó, Lan chẳng thể yêu được một ai khác. Gia đình, bạn bè tìm cách giới thiệu cô người này, người kia nhưng ai Lan cũng thầm so sánh với người yêu cũ và không thấy ưng ý. Đến năm 29 tuổi, Lan vẫn còn độc thân. Cô bắt đầu được xếp vào hàng gái già, gái ế. Đi ra ngoài gặp bạn bè, ai cũng hỏi “Sắp có cỗ chưa?”, “Dạo này yêu đương ai rồi”, “Kén vừa thôi không lại lắm mối tối nằm không”,…
Hễ thấy mặt cô về nhà, mẹ lại đăm chiêu nhìn cô rồi thở dài thườn thượt: “Con gái có thì, không lo lấy chồng đi thì sau này chẳng có ai đến, lại cô quạnh cả đời. Bằng tuổi mày, bạn bè chúng nó đều yên bề gia thất cả rồi, đến bao giờ mày mới để cho bố mẹ yên lòng hả con”. Còn chị dâu nhìn cô với ánh mắt thương hại: “Cô Lan chẳng lấy chồng đi, người ta thường bảo phụ nữ 30 tuổi đã toan về già. Như tôi đây này, mới có 28 mà đã thấy mình già lắm rồi”.
Những lúc như thế, cô lại chợt nghĩ đến người cũ và chạnh lòng. “Thôi thì đằng nào cũng phải lấy chồng, chẳng lấy được người ấy thì lấy ai mà chẳng giống nhau. Lấy bừa một người cho có tấm chồng, cho thiên hạ đỡ xì xào, cho cha mẹ yên lòng”, Lan đã nghĩ vậy khi quyết định đến với Tuấn. Tuấn kém Lan mọi mặt, Tuấn không đẹp trai, con trai trưởng trong gia đình nghèo đông anh em, công việc của anh lại không mấy ổn định nhưng anh là người kiên trì theo đuổi Lan nhất. Mới đầu Lan chẳng hề để ý tới Tuấn, thậm chí cô còn ghét anh ra mặt. Thế nhưng khi quyết định lấy chồng, Lan bắt đầu mới tiếp chuyện và tìm hiểu về Tuấn. Hóa ra, anh cũng không đáng ghét như cô tưởng. Vậy là Lan đồng ý lấy Tuấn sau hơn 2 tháng chính thức tìm hiểu.
Sau khi cưới, vợ chồng Lan được ra ở riêng trong căn hộ bố mẹ đẻ cô cho làm của hồi môn. Gia đình Tuấn nghèo, hiện tại bố mẹ anh đang sống cùng vợ chồng đứa em trai và 2 đứa em gái nên bố mẹ anh cũng đồng ý không bắt Lan về làm dâu cho… chật nhà. Cứ tưởng khi được ở riêng, không phải chịu cảnh mẹ chồng nàng dâu, cuộc sống của vợ chồng son sẽ hạnh phúc, sung sướng hơn. Thế nhưng đây mới bắt đầu chuỗi ngày mệt mỏi, đau khổ của Lan khi sống cùng người chồng “vơ bừa”.
Đây mới bắt đầu chuỗi ngày mệt mỏi, đau khổ của Lan khi sống cùng người chồng “vơ bừa” (Ảnh minh họa).
Tuấn là một người đàn ông khô khan, gia trưởng nhưng lại vô trách nhiệm với gia đình. Ngay sau khi hai vợ chồng đi hưởng tuần trăng mật về, trong lúc Lan đang ngại ngùng với những người xa lạ trong gia đình chồng thì Tuấn bỏ mặc vợ đi đánh bi a với mấy đứa em cùng khu. Lan cứ mải miết tìm chồng nhưng chẳng thấy bóng dáng anh đâu. Đến bữa cơm, cô cũng không thấy anh về, liền gọi điện thì anh nói đang đi chơi. Mãi đến chiều muộn, Lan mới thấy Tuấn lò dò về. Cô bực mình tra hỏi anh đã đi đâu trước mặt bố mẹ chồng thì Tuấn lôi xềnh xệch cô vào phòng quát: “Cô câm miệng lại, đừng bao giờ để tôi đánh cô trước mặt bố mẹ. Đàn bà đi lấy chồng, thì phải cung phụng tôn thờ chồng chứ, tôi có làm gì thì cô cũng không được phép tức giận trước mặt người khác, mất mặt tôi…”. Lan chết điếng với lý lẽ của chồng. Vẫn biết Tuấn là người đàn ông gia trưởng, nhưng cô không nghĩ anh lại gia trưởng một cách “sĩ diện hão” như vậy.
Tính Tuấn khá ham vui với bạn bè, ngay khi mới cưới anh đã tuyên bố với vợ: “Ngày xưa bạn bè giúp đỡ anh nhiều, thế nên với anh bạn bè chỉ đứng sau bố mẹ. Còn vợ con đến sau thì chỉ đứng thứ 3 thôi, em đừng có cằn nhằn nếu thấy anh có nhiều bạn bè”. Lúc ấy dù không hài lòng lắm nhưng Lan vẫn thầm nghĩ chồng mình nói vậy thôi, chứ lúc có con rồi thì lại chẳng hết lòng thương yêu vợ con. Thế nhưng Lan đã nhầm. Khi Lan có bầu, nhớ có lần cô nghén quá không thể vào bếp được nên nhờ chồng nấu cơm giúp. Mới đầu Tuấn cũng càu nhàu vì “đàn ông có ai vào bếp làm mấy chuyện cỏn con ấy đâu”, nhưng khi thấy vợ nôn ọe liên tục thì anh cũng miễn cưỡng giúp vợ. Vừa nhặt xong được mớ rau, có điện thoại bạn rủ đi nhậu, vậy là Tuấn hí hửng phóng xe đi kèm theo lời dặn: “Anh đi uống vài cốc bia, tý về anh mua phở gà cho em ăn đỡ chán nhé”. Lan nằm nhà chờ 7 giờ, rồi 8 giờ tối mà vẫn chưa thấy Tuấn về. Quá hiểu tính ham vui của chồng, cô lại lục đục xuống bếp nấu gói mỳ ăn tạm. Tối đó, gần 10 giờ Tuấn trở về nhà với bộ dạng say khướt, miệng còn lải nhải những điều vô nghĩa. Lan nhìn chồng mà ngao ngán thở dài. Sao người ta cũng phận đàn bà, lấy chồng được yêu thương chiều chuộng, còn cô thì lại mệt mỏi đến thế này. Có lẽ đây là cái giá khi “vơ bừa” chồng.
Rồi đến lúc có con, Tuấn cũng chẳng đỡ đần Lan việc gì. Anh vẫn ham vui bạn bè như cũ. Có những đêm con ốm quấy khóc, một mình Lan bắt taxi đưa con đi viện. Gọi điện cho ông chồng “quý hóa” của mình, lần đầu thì anh nghe máy: “Tý nữa anh về, đang bận, đừng có lằng nhằng gọi nhiều”. Lần 2, lần 3 thì chỉ nghe thấy những tiếng tút tút khô khan. Lan nhìn đứa con nằm thiêm thiếp trên giường bệnh, từng giọt nước mắt lăn xuống mặn chát. Lan tự nhủ đây sẽ là lần cuối cùng cô khóc vì ông chồng “vơ bừa” của mình bởi lúc này trong thâm tâm cô đã có một quyết định...
Có thể bạn quan tâm: