Working mom Việt 11 năm làm dâu xứ Hàn kể chuyện thuyết phục mẹ chồng để con trai vào bếp
Đã có 11 năm làm dâu ở xứ sở Kim chi với những trải nghiệm thực tế, Quỳnh Hoa cho biết những mảng màu cuộc sống rất khác, không giống phim Hàn...
Nguyễn Quỳnh Hoa - Hiện đang làm việc tại Tòa thị chính Seoul - Hàn Quốc |
11 năm làm dâu Hàn Quốc, bạn có thể kể những nghĩa vụ của một nàng dâu Hàn dịp Tết?
Là người mẹ, người vợ, người con dâu trong gia đình mỗi khi Tết đến tôi cũng phải lo quà cáp cho bố mẹ chồng, họ hàng thân thích, cùng mẹ chồng chuẩn bị công việc cúng giỗ nhưng bản thân gia đình chồng tôi và khá nhiều gia đình Hàn Quốc khác coi trọng việc "giữ gìn" Tết hơn là "ăn và chơi Tết". Mặc dù là một nước khá phát triển nhưng Hàn Quốc vẫn vô cùng coi trọng truyền thống. Vì thế mọi sự quan tâm và chuẩn bị chu đáo đều dành cho lễ cúng tổ tiên vào sáng sớm ngày mùng 1 Tết.
Sau lễ cúng với các món ăn truyền thống được chuẩn bị tỉ mỉ, chu đáo này mọi người trong gia đình có thể tự do thoái mái hơn. Mọi người có thể đi tảo mộ, đi chơi nhà anh em họ hàng và giờ đây khá nhiều gia đình Hàn Quốc chọn việc đi du lịch trong nước hay ra nước ngoài vào dịp Tết âm lịch.
Đấy là nói chung, còn nói riêng về một nàng dâu Việt tại Hàn Quốc hay mối quan hệ mẹ chồng nàng dâu trong gia đình bạn ra sao?
Việc lấy chồng rồi đến một gia đình khác với cách suy nghĩ và lối sống khác để làm dâu không phải là điều dễ dàng, và càng khó khăn hơn nữa khi đến một đất nước xa lạ và có nhiều nét khác biệt về văn hóa để làm dâu. Cũng rất may là mẹ chồng tôi đã từng là working mom nên bà có phần hiểu và thông cảm cho những vất vả của con dâu. Vì thế bà không có "đòi hỏi" gì nhiều, chúng tôi không sống chung với bố mẹ chồng nên cũng ít va chạm.
Tôi rất thích câu nói của một ai đó "món ăn ngon thực sự là món ăn bạn có thể ăn trực tiếp một cách ngon miệng chứ không phải là món ăn của người khác chỉ trông ngon mắt". Khi có những "khúc mắc" trong quan hệ mẹ chồng nàng dâu cả mẹ chồng và tôi đều thẳng thắn nêu rõ quan điểm của hai bên và cố gắng để tìm được giải pháp chung.
Ví dụ như mẹ chồng tôi cũng như rất nhiều các bà mẹ chồng ở Hàn Quốc khác không thích nhìn thấy con trai mình vào bếp để nấu nướng hay giúp đỡ vợ vì họ nghĩ bếp núc không phải là nơi để đàn ông lui tới. Nhưng tôi lại nghĩ khác, vì sinh hai con trong hai năm liền, vừa nuôi con nhỏ lại vừa đi học vừa đi làm tôi cần sự giúp đỡ của chồng trong việc nhà, việc nuôi dạy con. Vì thế tôi đã "xin phép" mẹ chồng hãy để chồng tôi được "lui ra lui vào" giúp vợ nấu nướng, giặt giũ và dọn dẹp nhà cửa.
Bà có thể phiền lòng vì con trai yêu quý của mình phải vất vả nhưng tôi mong bà hiểu rằng giờ đây anh ấy không chỉ là con trai bà mà còn chồng của tôi và cha của hai con gái tôi nữa.
Lấy chồng ngoại quốc có phải chỉ có phần sung sướng như nhiều cô gái Việt đang nghĩ?
Theo tôi điều quan trọng không phải là lấy chồng "ngoại quốc" hay lấy chồng "nội địa" mà quan trọng nhất là bạn đã lấy người đàn ông như thế nào làm chồng. Lấy được người đàn ông hiền lành, có trách nhiệm và biết yêu thương vợ con thì dù ở Việt Nam hay ở nước ngoài bạn đều hạnh phúc và hài lòng với cuộc sống hôn nhân của mình. Một người bạn Nhật Bản của tôi đã nói thế này: "Điều quan trọng không phải chồng bạn là người nước nào mà quan trọng hơn hết là ở điểm anh ấy là người như thế nào".
Tôi vẫn có một thắc mắc, như phim Hàn mô típ có những điểm khá giống Việt Nam như mẹ chồng cay nghiệt, đàn ông thích con trai... Còn đàn ông Hàn có 2 dạng như người ta thường thấy si tình trên phim hoặc vũ phu như những vụ án cô dâu Việt bị đánh đập thậm chí sát hại như trên báo chí... Vậy thực tế bạn thấy phim ảnh và ngoài đời thực có giống nhau và đàn ông Hàn Quốc như thế nào, có những điểm gì giống và khác đàn ông Việt?
Có một điều tôi muốn nói với các bạn rằng phim ảnh chỉ là phim ảnh mà thôi, đừng để những hình ảnh trên màn hình ảnh hưởng đến cái nhìn trong thực tế của bạn. Người mẹ chồng Hàn Quốc trong xã hội hiện đại ngày nay đã biết điều và có suy nghĩ thông thoáng hơn rất nhiều. Đương nhiên do ảnh hưởng còn sót lại của tư tưởng "trọng nam khinh nữ" nên họ có thích và ưu tiên con trai hơn nhưng không đến nỗi "quá đáng" như những bà mẹ chồng cay nghiệt thường thấy trong phim.
Đàn ông Hàn Quốc cũng vậy. Không nên quy đồng họ đều si tình và hào hoa như những nam nhân vật chính trong phim truyền hình hay họ đều thô lỗ và vũ phu như các thông tin về các ông chồng bạo hành và sát hại vợ trong các bài báo đã đưa tin. Đàn ông Hàn Quốc hơi khô khan và ít nói nhưng họ rất có trách nhiệm với gia đình. Họ luôn làm việc cật lực và hết mình với suy nghĩ rằng bản thân phải có trách nhiệm lo cho cả gia đình với vai trò người trụ cột trong nhà.
Vâng, nếu như nhìn vào thực tế có thể thấy bạn có cuộc sống rất hạnh phúc, 2 cô con gái xinh đẹp, anh chồng Hàn yêu quý, có sự thành công trong sự nghiệp... Vậy bạn có đang hài lòng? Cộng đồng các cô dâu, bà mẹ Việt tại Hàn Quốc rất lớn, ở vị trí một người làm công tác xã hội bạn đã giúp gì cho những người phụ nữ Việt lấy chồng Hàn tự tin và có cuộc sống tốt hơn?
Tôi không biết đâu là giới hạn của sự hài lòng nhưng tôi luôn cảm ơn và trân trọng những gì mình đang có. Thú thực do tính chất của công việc, dù không thể dành sự giúp đỡ trực tiếp đến cộng đồng chị em người Việt đang sinh sống tại Hàn Quốc nhưng tôi luôn cố gắng giúp đỡ chị em dù chỉ ở mức độ gián tiếp.
Người phụ nữ Việt Nam vốn mạnh mẽ, thông minh và có khả năng thích ứng cao dù ở bất cứ hoàn cảnh nào nên tôi nghĩ rằng chỉ cần có thêm chút tự tin vào bản thân chị em sẽ có thể vượt qua khó khăn trước mắt để có cuộc sống ổn định và tốt đẹp hơn.
Có gì khác biệt giữa cuộc sống của những phụ nữ trí thức lấy chồng Hàn và những cô gái quê lấy chồng Hàn do mai mối?
Điều khác biệt giữa cuộc sống của những phụ nữ trí thức và những cô gái quê lấy chồng Hàn Quốc do mai mối có lẽ là ở sự chủ động về mọi mặt trong cuộc sống, nhất là về mặt kinh tế. Có rất nhiều lí do khác nhau để nhiều bạn gái chọn con đường lấy chồng Hàn Quốc qua mai mối và một trong những lí do lớn nhất là về mặt kinh tế (theo tôi nghĩ). Và nếu như khi nền tảng cuộc sống hôn nhân được đặt nền móng trên quan hệ kinh tế, có sự qua lại của đồng tiền thì khi đó sự bình đẳng giữa vợ và chồng sẽ giảm đi rất nhiều. Thay vào đó là quan hệ trên dưới giữa người chủ động nắm giữ quyền kinh tế và người phụ thuộc vào nó.
Khi cả hai đều không hài lòng về mối quan hệ đó và có những đòi hỏi quá đáng khác với đối phương, không biết dung hòa thì mối quan hệ đó sẽ nhanh chóng đi đến rạn nứt và tan vỡ. Người phụ nữ tri thức lấy chồng Hàn Quốc qua tình yêu và tìm hiểu lẫn nhau dù không có sự giúp đỡ to tát về mặt kinh tế cho gia đình bố mẹ đẻ, nhưng họ chủ động được trong cuộc sống, trong mọi vấn đề và quan trọng hơn hết là họ được bình đẳng với người bạn đời của mình.
Theo Thanh Ba / Trí Thức Trẻ Có thể bạn quan tâm: