Một chiếc phi cơ bay qua Mặt Trăng. Ảnh minh họa: AP |
Theo Space, lúc 15h00 GMT (khoảng 22h Việt Nam) hôm nay, siêu trăng sẽ xuất hiện. Mặt Trăng sẽ sáng hơn 25-30 lần ngày thường và tạo cảm giác to hơn trăng tròn bình thường 12-14%.
"Siêu trăng" là hiện tượng khi Mặt Trăng tới vị trí cận điểm của nó trên quỹ đạo quay quanh Trái Đất. Theo nhà thiên văn Richard Nolle, người đầu tiên đưa ra định nghĩa về siêu trăng năm 1979, hiện tượng này xảy ra khi "trăng non hoặc trăng tròn nằm ở điểm gần nhất với Trái Đất theo quỹ đạo nhất định". Nói cách khác, bất cứ khi nào Mặt Trăng tiến vào vùng cách Trái Đất 361.836 km, nó sẽ được phân loại là siêu trăng.
Theo đó, Mặt Trăng đêm nay cách Trái Đất 358.290 km, nên được gọi là siêu trăng. Nó sẽ không tới gần Trái Đất ở khoảng cách tương tự cho tới cuối tháng 9 và lặp lại lần nữa vào tháng 10.
Điều thú vị là "siêu trăng" hôm nay xuất hiện sau trăng tròn 18 giờ. Do đó, "siêu trăng" tháng 8 không phải là Mặt Trăng tròn nhất trong năm. Ngày 28/9, Mặt Trăng sẽ tới điểm gần Trái Đất nhất, ở khoảng cách 356,877 km, cùng thời điểm với trăng tròn.
Trăng tròn là thời điểm Mặt Trăng hoàn tất chu kỳ giao hội 29,53 ngày. Chu kỳ giao hội là khoảng thời gian mà một thiên thể cần để xuất hiện lại tại cùng một vị trí trên bầu trời so với vị trí của Mặt Trời khi quan sát từ Trái Đất.
Nói cách khác, trăng tròn là khi Mặt Trăng ở vị trí xung đối với Mặt Trời, phần bán cầu hướng về Trái Đất của trăng được Mặt Trời chiếu sáng toàn bộ (trong khi bán cầu phía bên kia không được chiếu sáng).
Do đó, ngày 28/9, trùng với Rằm Trung thu tại một số nước châu Á, là thời điểm có thể quan sát siêu trăng và trăng tròn diễn ra cùng lúc. Khi đó, Mặt Trăng to nhất, sáng nhất, và gần Trái Đất nhất. Phải đến tháng 11/2016, hiện tượng này mới lặp lại.
Hồng Hạnh