Thở ôxy trong khoang máy bay. |
Với áp suất ở khoang máy bay, nồng độ ôxy trong không khí thấp hơn so với mức bình thường ở mặt đất nên hầu hết mọi người đều bị giảm ôxy trong máu. Cơ thể phản ứng bằng cách thở nhanh và sâu hơn, một số người có cảm giác khó thở, nhưng phần lớn không có triệu chứng gì. Bệnh nhân COPD vốn đã có tình trạng giảm oxy trong máu nên lúc này càng khó thở hơn. Ngoài ra, trên máy bay, bệnh nhân còn dễ bị đầy hơi, mất nước, nhiễm trùng, có huyết khối tĩnh mạch do bất động lâu trong chuyến đi.
Có nhiều cách nhận biết người có nguy cơ xấu đi về hô hấp: Nếu đi bộ 50 m trên một đoạn đường bằng phẳng với tốc độ đều mà không cần thở thêm ôxy, không bị khó thở, không cần dừng lại thì người đó ít có nguy cơ gặp vấn đề khi đi máy bay.
Người có tình trạng khó thở hoặc giảm ôxy máu động mạch khi bay cần thở thêm ôxy. Máy bay sẽ cung cấp ôxy cho hành khách thở. Những bình khí này có thể để ở khoang ngay trên đầu hành khách, bên dưới ghế hoặc bên cạnh ghế ngồi. Tại sân bay, không có chỗ cung cấp ôxy để thở, do đó bạn phải sử dụng bình ôxy của mình. Nhưng không hãng hàng không nào cho phép hành khách mang theo bình ôxy, vì vậy bạn nên gửi nó theo các chuyến bay chở hành lý. Các sân bay quá cảnh cũng không có sẵn bình ôxy. Vì vậy, bạn nên cố gắng đăng ký đi những chuyến bay thẳng; hoặc liên hệ trước với các trạm sơ cấp cứu của sân bay để họ chuẩn bị bình ôxy.
Các yếu tố cần xem xét khi chọn nơi đến
Khí hậu: Phần lớn bệnh nhân COPD hợp với khí hậu ấm, nhưng không quá nóng. Khi lên cao hoặc đến những vùng cao, nồng độ ôxy không khí thường thấp hơn khi ở vùng biển nên có thể sẽ làm tăng tình trạng khó thở.
Địa hình: Vùng đối núi sẽ gây khó khăn cho bạn nhiều hơn.
Sức khỏe: Thể trạng bạn lúc đó có thích hợp cho việc đi du lịch hay không? Nên lưu ý chiều dài quãng đường có thể đi bộ, số tầng lầu có thể leo lên, khả năng tự đi vệ sinh, phương tiện đi lại...
Nên tránh nơi đông người.
Những việc cần chuẩn bị trước chuyến đi
Hỏi và trao đổi với bác sĩ trước khi đi du lịch về nơi đến, thời gian đi và ở, phương tiện vận chuyển, đặc biệt là nhu cầu sử dụng ôxy trong chuyến bay và những nơi tạm dừng chân để quá cảnh. Nhờ bác sĩ xác định khả năng chịu được độ cao nếu đi máy bay.
Xin đơn hoặc giấy xác nhận của bác sĩ chỉ định thở ôxy, liều lượng ôxy cần sử dụng hoặc phải cho các hãng vận tải biết số điện thoại của bác sĩ để liên lạc khi cần thiết. Photo các giấy tờ trên, hồ sơ sức khỏe, đơn thuốc có ghi chi tiết các thuốc đang sử dụng.
Trước ngày đi ít nhất 1 tháng, cần trao đổi với hãng vận tải về tình trạng sức khỏe, nguồn ôxy trên chuyến bay, các trạm sơ cấp cứu tại những sân bay sắp đến, ngày giờ đi và đến các sân bay... Trước chuyến bay khoảng 2 ngày, cần xác định xem sự chuẩn bị về ôxy của hãng vận tải đã đầy đủ chưa? Cần thông báo với hãng vận tải để được đem theo và sử dụng trên máy bay những thiết bị điện cần cho điều trị như máy phun khí dung (nên sử dụng thiết bị dùng pin và phải sạc pin đầy trước khi đi). Nếu mang theo máy móc, cần tham khảo để có phích cắm điện thích hợp tại nơi đến.
Bạn phải mang theo các dây thở ôxy vì hãng hàng không không cung cấp. Nên sử dụng ôxy qua mũi. Trao đổi với công ty đang cung cấp ôxy xem họ có chi nhánh hoặc giới thiệu một số công ty nơi đến để được cung cấp oxy ngay tại sân bay và trong thời gian lưu trú. Có thể liên hệ với công ty vận chuyển hành lý hàng không để gửi bình ôxy đã nạp đầy.
Mang theo các thuốc cần sử dụng theo hành lý xách tay, không bỏ vào hành lý gửi. Cần mang theo một lượng thuốc dư để đảm bảo an toàn. Hỏi bác sĩ về các thuốc thay thế, đề phòng bị hư hỏng, hết thuốc, quên mang theo thuốc... Nên tránh để thuốc tiếp xúc với ánh nắng mặt trời, ngay cả những hộp thuốc đã hết vì chúng có thể phát nổ.
Bạn nên hỏi lại bác sĩ về khoảng thời gian cần thiết giữa các lần sử dụng thuốc vì có thể có sự thay đổi múi giờ. Các tình trạng nhiễm trùng nên được điều trị ổn định trước khi đi hoặc về. Nên mua bảo hiểm du lịch và tìm bạn đồng hành trước khi đi. Đến sân bay, sân ga sớm, trước khoảng 90-120 phút để tránh đông người và có thời gian chuẩn bị tốt hơn. Chọn chỗ ngồi không có khói thuốc lá hoặc xa khói thuốc.
Những điều cần nhớ trong chuyến bay
Trên tàu, xe, luôn để bình ôxy ở tư thế thẳng đứng, hướng lên trên. Tình trạng thở nhanh và sâu sẽ làm cơ thể mau thiếu nước, vì vậy cần uống nhiều nước (khoảng 2 lít/24giờ), nhưng không nên dùng các thức uống có cồn. Nên ăn những bữa nhỏ, tránh những thức ăn dễ gây đầy hơi.
Cần đi lại mỗi 1-2 giờ để tránh tình trạng bất động quá lâu. Nếu khó thở thường xuyên, bạn có thể hạn chế vận động, tránh đi lại, nhưng nên vận động tay chân tại chỗ. Chọn chỗ ngồi gần phòng vệ sinh.
Đừng quên giờ uống và xịt thuốc, nếu cần nguồn điện cho các thiết bị, có thể liên hệ xin cắm điện tại khoang dành cho nhân viên. Không sử dụng những máy móc này khi máy bay cất cánh hoặc hạ cánh.
(Theo Sức Khỏe & Đời Sống)