Vì sao “ken két”?
Đã có nhiều nghiên cứu về giấc ngủ và bệnh nghiến răng nhưng hiện các nhà khoa học vẫn chưa thể đưa ra một kết luận dứt khoát nào về nguyên nhân gây ra nó. Một số bằng chứng cho thấy nghiến răng cũng có liên quan đến yếu tố di truyền. Nguyên nhân khác có thể là do rối loạn giấc ngủ, căng thẳng và đặc thù “bất thường” của xương mặt hoặc bộ răng (sự phát triển và sắp xếp các răng trong miệng - khớp cắn bất thường).
Nghiên cứu cho thấy có khoảng 5% dân số bị nghiến răng. Các vấn đề của tật nghiến răng không chỉ giới hạn ở người lớn mà có khoảng 15- 33% trẻ em cũng bị tình trạng này. Trẻ em nghiến răng có xu hướng làm như vậy ở hai giai đoạn cao điểm - khi răng sữa xuất hiện và khi răng vĩnh viễn mọc. Hầu hết trẻ em bị mất thói quen nghiến răng sau khi đã mọc răng đầy đủ.
Còn các bác sĩ chuyên khoa Răng hàm mặt, nghiến răng là kết quả từ sự co của cơ bắp chịu trách nhiệm di chuyển hàm dưới, được biết đến như các cơ nhai. Quá trình mài hoặc nghiến răng thường xảy ra nhiều lần trong đêm, liên tục trong khoảng 10 giây cho mỗi lần.
Nghiến răng thường không gây ra thiệt hại gì, nhưng khi nghiến răng xảy ra thường xuyên, răng có thể bị hư hỏng và các biến chứng về sức khỏe răng miệng có thể phát sinh. Lúc này nghiến răng có thể được coi là bệnh.
Nhiều tác hại
Dấu hiệu và triệu chứng của nghiến răng có thể khác nhau từ nhẹ, khó chịu đến nguy hiểm về mặt y học, tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của tình trạng này. Bao gồm: Răng bị hao mòn như gãy răng và sút các miếng trám; đau mặt hoặc hàm; tạo ra âm thanh nghiến răng trong khi ngủ, thường được phát hiện bởi người thân; đau đầu; răng bị lung lay; tổn thương nướu; răng nhạy cảm...
Nghiến răng thường xuyên không chỉ dẫn đến thiệt hại nghiêm trọng như mòn răng, đau và co thắt cơ, gây lung lay và mất răng, chứng bệnh này còn có thể ảnh hưởng đến quai hàm, dẫn đến mất thính giác, gây ra rối loạn khớp thái dương hàm, thậm chí làm thay đổi khuôn mặt (khuôn mặt bị mất cân xứng)...
Cách hay giúp sửa tật nghiến răng
Nếu căng thẳng là nguyên nhân dẫn đến nghiến răng, hãy nhờ bác sĩ hoặc nha sĩ tư vấn về các giải pháp giúp giảm bớt căng thẳng. Thay đổi cách sống, tham dự các buổi tư vấn về stress, bắt đầu một chương trình tập luyện, gặp bác sĩ vật lý trị liệu hoặc nhờ đến một toa thuốc giúp giãn cơ là những lựa chọn có thể đặt ra.
Một số cách có thể giúp ngăn chặn nghiến răng bao gồm:
- Tránh hoặc cắt giảm các loại thực phẩm và đồ uống chứa caffeine như coca, chocolate và cà-phê…
- Tránh uống rượu. Nghiến răng có xu hướng tăng sau khi uống rượu.
- Tránh nhai kẹo cao su và các loại thức ăn cứng vì khiến cơ hàm siết chặt, gây cảm giác như là nghiến răng.
- Nên uống nhiều nước mỗi ngày.
- Tập không phải nghiến chặt hàm răng. Nếu nhận thấy mình đang nghiến răng, hãy đặt vị trí đầu lưỡi giữa hai hàm răng. Điều này giúp cơ hàm thư giãn.
- Thư giãn các cơ hàm vào ban đêm bằng cách đặt một chiếc khăn ấm lên má ở phía trước dái tai.
Hiện y học cũng đã tìm ra biện pháp khắc phục chứng nghiến răng đó là lắp máng nhai. Tùy theo khung xương hàm và răng của từng người bệnh, nha sĩ có thể làm một máng nhai bằng nhựa lắp vào răng để bảo vệ răng khỏi nghiến trong khi ngủ, hạn chế tác hại do nghiến răng gây ra. Tùy theo tình trạng nghiến răng mà có thể đeo máng vào ban đêm hay ban ngày. Máng nhai cần được kiểm tra định kỳ vài tuần hay vài tháng một lần.
- 29/05/15 01:30 Những căn bệnh đáng sợ tấn công "cậu nhỏ"
- 25/05/15 08:48 Các phương pháp trợ sinh mẹ cần biết
- 25/05/15 08:47 Thuốc sủi bọt: Chớ dùng bừa
- 22/05/15 09:44 5 kiến thức nên biết về bệnh ung thư vú