Mất vui vì miếng ăn
Giờ cứ nhắc đến chuyện cho con đi đâu xa vài ngày là chị Tú (Thanh Xuân, Hà Nội) lại thở dài ngao ngán. Chẳng là hè năm ngoái, vợ chồng chị thu xếp công việc đưa con trai 5 tuổi đi du lịch Quảng Bình. Hôm đầu tiên, cả nhà chị dành thời gian để khám phá ẩm thực tại đây. Món nào lạ, “hay hay”, chị đều cho con ăn thử. Sang ngày thứ hai, bé bị sốt, tiêu chảy phải nhập viện điều trị. “Dự định là đi chơi 5 ngày nhưng đến ngày thứ 3 là cả nhà lại bay ra Hà Nội. Nghĩ cũng khổ, nhưng ở lại mà cháu bị ốm, không ăn được gì cũng không an tâm” – chị Tú nhớ lại.
Cùng tâm trạng với chị Tú, chị Huệ (Cầu Giấy, Hà Nội) chia sẻ: “Bây giờ mà định cho con đi chơi đâu là mình lại tất bật chuẩn bị thức ăn cho con: từ sữa, đồ khô đến hoa quả. Tóm lại là không thiếu thứ gì luôn”. Sở dĩ chị Huệ phải mất công chuẩn bị như vậy vì trước đây, trong một lần cho con đi du lịch miền Trung, do thức ăn lạ, bé nhà chị không ăn được gì. Chỉ có vài ngày mà bé hốc hác hẳn.
Bé có thể gặp phải những vấn đề về tiêu hoá khi đi du lịch |
đồ ăn lạ không nên để trẻ ăn nhiều
Trường hợp như của chị Tú và chị Huệ là không phải hiếm gặp. Bởi trên thực tế, trẻ em, đặc biệt là trẻ dưới 5 tuổi đi du lịch dài ngày sẽ kéo theo những thay đổi về giờ giấc sinh hoạt và dinh dưỡng. Nếu mẹ không nắm được điều này, trẻ có thể bị ảnh hưởng sức khoẻ.
Bàn về vấn đề này, bác sĩ Đỗ Hữu Hanh – Phòng khám Dinh dưỡng 70 Nguyễn Chí Thanh (Hà Nội) cho biết, bé đang ở lứa tuổi ăn dặm mà cho đi du lịch dài ngày là điều không nên vì bé sẽ bị gián đoạn giờ giấc sinh hoạt cũng như dinh dưỡng.
Trong trường hợp muốn đưa bé đi cùng, các mẹ phải lưu tâm về vấn đề dinh dưỡng. Nhiều người vì tiện dụng, thường chuẩn bị sản phẩm đồ hộp đóng sẵn, tuy nhiên, các thực phẩm này thường không đầy đủ dinh dưỡng cũng như có nhiều phụ gia không tốt cho sức khỏe. Nếu mua, bố mẹ hãy đọc kỹ thành phần, nguyên liệu, giá trị dinh dưỡng, hạn sử dụng để lựa chọn ra sản phẩm an toàn nhất. Bố mẹ cũng có thể tìm hiểu trước về các quán bán đồ ăn cho bé ở nơi định đến để dễ bề xoay sở khi cần.
Tương tự, nếu trẻ đang bú mẹ, bạn cần chú ý đến chế độ ăn của mình khi đi du lịch, tránh trường hợp bé bị rối loạn tiêu hoá hoặc bỏ bú. Với những bé lớn hơn, được đi du lịch cũng đồng nghĩa với việc sẽ được thưởng thức nhiều đồ ăn mới lạ. Tuy nhiên, đây cũng là thử thách đối với nhiều bé vì hệ tiêu hóa của vẫn chưa phát triển hoàn thiện.
Bố mẹ cần lưu ý, khi cho bé ăn bất cứ một loại thức ăn lạ nào, chỉ nên cho bé thử ăn trước một chút để xem bé có bị dị ứng hay không. Nếu bé bị dị ứng thì cần ngừng ngay và thay thế bằng một loại thức ăn khác, tốt nhất là loại bé đã từng ăn. Nếu không có biểu hiện dị ứng, bố mẹ cũng không nên cho con ăn nhiều quá vì nạp quá nhiều đồ ăn lạ vào cơ thể một lúc cũng không tốt cho hệ tiêu hoá của bé.
Vẫn theo bác sĩ Hanh, giải pháp an toàn nhất trong mỗi chuyến đi là cho trẻ ăn loại thức ăn quen thuộc hàng ngày. Và dù ăn gì, mẹ cũng nên cho trẻ ăn đủ 4 nhóm thực phẩm bao gồm: tinh bột, đạm, dầu mỡ, rau xanh và quả chín để bảo đảm sức khỏe trong các chuyến du lịch dài.
Một lưu ý nữa đó là, bố mẹ không nên cho trẻ uống quá nhiều nước ngọt, nước có gas bởi những đồ uống này khiến trẻ biếng ăn, đầy bụng, dễ gây rối loạn tiêu hoá. Nước lọc chính là lựa chọn tốt nhất. Đặc biệt, dù là tuổi nào hay đến những nơi nào, cho con ăn chín, uống sôi là điều cần thiết. Hạn chế hay tuyệt đối không cho trẻ ăn những món ăn tái, sống vì hệ tiêu hoá của trẻ chưa phát triển như người lớn, ăn những đồ ăn tái hoặc sống, trẻ dễ gây bệnh.
Mẹ nên chuẩn bị thêm một chút đồ ăn nhẹ cho con khi đi du lịch |
Ngoài ra, mẹ có thể chuẩn bị thêm đồ ăn nhẹ cho các con trong quá trình di chuyển. Những đồ ăn nhẹ như nước, sữa, trái cây, bánh mỳ… là những thực phẩm dễ mang theo mà trẻ nhỏ cũng rất thích.
Chúc gia đình bạn một mùa du lịch vui, khoẻ!