Nhập viện điều trị hơn một tuần nay tại Khoa Cơ xương khớp, Bệnh viện nhân dân 115, anh Hùng, sinh năm 1963, vẫn chưa được chuyển khỏi phòng dành cho bệnh nặng. Anh phải nằm một chỗ, người mập mạp nhưng teo cơ, da có nơi bị rạn nứt, tụ máu, việc cử động rất khó khăn, có ngày phải cấp cứu đến vài lần do khó thở, tức ngực. Mọi sinh hoạt cá nhân đều do người nhà túc trực trợ giúp.
Theo các bác sĩ điều trị, anh Hùng mắc cùng lúc hàng loạt bệnh như áp xe toàn bộ cơ đùi, cơ chân, cơ hông, bị gout, hội chứng cushing viêm đa khớp dạng thấp, tăng đường huyết, huyết áp cao. …vì lý do “dùng thuốc quá nhiều”. Người nhà cho biết 4 năm trước anh Hùng được chẩn đoán bị viêm đa khớp dạng thấp. Từ đó đến nay anh chạy chữa nhiều loại thuốc khác nhau, từ thuốc Tây cho đến thuốc dân gian, nhiều loại cao, nhiều thuốc viên Đông dược không rõ nguồn gốc và thành phần. Do trình trạng bệnh quá nặng khi nhập viện nên sau một tuần điều trị, sức khỏe của anh vẫn không tiến triển nhiều, diễn biến bệnh rất xấu.
Cạnh giường anh Hùng, bà Thanh, 76 tuổi tại Nhà Bè, TP HCM cũng có tình trạng tụ mỡ bất thường. Bà bị đau khớp gần 5 năm nay, trên cơ địa hen suyễn. Mỗi lần nhức mỏi, bà mua thuốc trị đau khớp về dùng, bệnh thuyên giảm nhanh chóng nhưng cũng nhanh tái phát. Điều nghiêm trọng là càng dùng thuốc thì bà càng mập, bụng to ra, cân nặng tăng lên nhiều nhưng người cứ yếu dần đi, không thể đi lại được. Sau khi nhập viện điều trị, bà đã cử động được nhưng vẫn còn đau nhức rất nhiều.
Từ Phú Yên vừa vào chữa trị tại Bệnh viện Nhân dân 115, bà Hiền, 73 tuổi cho biết, bà bị đau khớp gối mấy năm nay. Mỗi lần đau nhức là bà đi bác sĩ chích thuốc, cứ đau ở đâu là yêu cầu bác sĩ chích đó, 1 tháng vài lần. Ngoài chích thuốc, bà còn dùng thêm các thuốc uống, ai chỉ đâu thì dùng đó. “Gần đây đau nặng, tôi nhờ con gái ở thành phố mua giúp thuốc thì khi ra tiệm mua người ta bảo đó là thuốc cấm. Sau thời gian dùng thuốc triền miên thì giờ tôi bị xuất huyết da, nhiều vết tụ máu trên cơ thể, hai chân bị yếu hẳn không đi lại được nên phải vào nhập viện”, bà Hiền chia sẻ.
Thông thường, để giảm nhanh các cơn đau xương khớp, nhiều bệnh nhân đã tự mua và uống các loại thuốc không theo chỉ định của bác sĩ, hoặc theo chỉ định của những thầy thuốc không đúng chuyên khoa cơ xương khớp. Thực tế, các loại thuốc được sử dụng phần nhiều là thuốc giảm đau. Trong đó, một loại thuốc mà nhiều người thường dùng là viên thuốc “hạt dưa”, thuốc “đề xa”. Đây chính là Dexamethasone, một loại thuốc corticoid, được dùng nguyên trạng hoặc pha vào các loại thuốc tễ, thuốc viên… dùng trị phong thấp, đau nhức khớp. Đặc điểm của thuốc này là vừa uống vào đã thấy “hết bệnh” nên nhiều người cứ thế truyền tai nhau sử dụng như “thần dược” để chữa bệnh, đến lúc biến chứng nặng nhập viện thì việc điều trị rất khó khăn.
Trước tình trạng bệnh nhân liên tục nhập viện do sử dụng thuốc có chứa corticoid, bác sĩ Hồ Phạm Thục Lan, Trưởng khoa Nội cơ xương khớp, Bệnh viện Nhân Dân 115 TP HCM cho biết, hơn 1/3 số bệnh nhân nhập viện điều trị tại khoa cơ xương khớp là do dùng corticoid quá liều, hay còn gọi là hội chứng cushing do thuốc với triệu chứng chung là mập mặt nhưng teo cơ, gây ra những biến chứng nặng nề. Hội chứng này biểu hiện bằng sự thay đổi hình dáng bề ngoài như mặt mập tròn, tụ mỡ bất thường ở vùng cổ, bụng, teo cơ tứ chi, mỏng da hay bị mảng bầm máu ở da…
Hơn 1/3 số bệnh nhân nhập viện điều trị tại Bệnh viện hân dân 115 mắc hội chứng cushing do tự ý sử dụng thuốc đau khớp trong thời gian dài. Ảnh: Lê Phương |
“Trước kia số lượng bệnh nhân nhập viện vì cushing không đáng kể nhưng thời gian gần đây tăng đột biến, lúc người bệnh vào viện thì tình trạng bệnh đã diễn tiến nghiêm trọng. Nhiều người nhập viện trong tình trạng nôn ói liên tục. Trong quá trình điều trị, không ít trường hợp tử vong trong bệnh cảnh đột tử, sốc nhiễm trùng, sốc do suy thượng thận cấp. Chỉ mong người dân hiểu được cái hại, tránh tự ý sử dụng thuốc không rõ nguồn gốc, không có chỉ định của bác sĩ”, bác sĩ Lan bức xúc nói.
Theo bác sĩ Lan, việc dùng những loại thuốc có chứa corticoid lâu ngày sẽ gây nghiện. Nếu dùng thuốc thì triệu chứng bệnh giảm, nếu ngưng thuốc, triệu chứng ban đầu sẽ tái phát ngay, thậm chí còn nặng hơn, khiến bệnh nhân phải sử dụng lại thuốc cũ.
Bác sĩ Lan cho biết về phương diện chữa bệnh, corticoid cũng là một dạng thuốc cần thiết trong điều trị nhiều loại bệnh. Công dụng của chúng là giảm nhanh triệu chứng đau nhức, kèm theo hiệu quả hạ sốt, kích thích ăn ngon miệng. Ngoài ra thuốc còn có tác dụng kháng viêm, chống dị ứng và ức chế miễn dịch. Vì thế, nhiều người bệnh cứ nghĩ thuốc này là thần dược, bất cứ bệnh lý nào cũng được giải quyết nhanh chóng, từ các bệnh khớp gồm viêm và không viêm, đến bệnh phổi mãn tính, bệnh ngoài da, bệnh tự miễn cho đến bệnh ác tính và ngay cả sốt nhiễm siêu vi.
Bác sĩ Lan nhấn mạnh, chỉ cần mỗi ngày uống một viên Dexa 0,5 mg trong 2 tuần, cũng đủ gây ra hàng loạt các tác dụng phụ khác như viêm loét dạ dày, xuất huyết tiêu hóa, tăng huyết áp, tăng đường huyết, tăng mỡ máu, rối loạn nước - điện giải, nứt da, rậm lông, phân bố mỡ bất thường trong cơ thể ở vùng mặt - cổ - vai - bụng, nhưng phần cơ ở tứ chi bị teo, yếu cơ, đục thủy tinh thể, tăng nhãn áp… Bên cạnh các biến chứng trên, bệnh nhân thường có tình trạng lo lắng, mệt mỏi, trầm cảm, giảm trí nhớ, kém tập trung, cơn hưng phấn hay trầm cảm, thậm chí ý định tự tử. Về lâu dài, bệnh nhân còn bị loãng xương, gãy xương do loãng xương, giảm sức đề kháng, giảm đáp ứng với điều trị.
Không chỉ vậy, bệnh nhân còn có thể bị những biến chứng nguy hiểm như nhiễm trùng nặng, suy giảm khả năng bài tiết corticoid của cơ thể, nếu điều trị không kịp thời và đúng mức, có thể đưa đến tử vong. Tất cả các yếu tố trên khiến các bệnh nhân tự ý sử dụng corticoid sẽ đưa đến tình trạng mất khả năng lao động, đồng thời giảm chất lượng cuộc sống trầm trọng, thời gian điều trị kéo dài, tăng gánh nặng kinh tế cho xã hội.
“Các bệnh khớp tuy bắt đầu với triệu chứng đau nhức nhưng có đến vài chục dạng bệnh khác nhau, mỗi loại cần có những chẩn đoán, xét nghiệm, điều trị riêng nên việc tự ý dùng thuốc bán sẵn sẽ dẫn đến nhiều hậu quả”, bác sĩ Lan bày tỏ.
Nguyên nhân trực tiếp của tình trạng trên là sự thiếu hiểu biết của bệnh nhân về bệnh, cũng như về tác hại của thuốc corticoid. Bên cạnh đó, sự quản lý không đúng mức việc sản xuất, buôn bán các loại thuốc đông y, thuốc nam, thuốc bắc và cả thuốc tây y tràn lan, đã tạo điều kiện cho bệnh nhân mua và sử dụng thuốc tuỳ tiện, bừa bãi, dẫn đến tình trạng tỷ lệ bệnh nhân bị biến chứng bởi thuốc corticoid ngày càng phổ biến hơn.
Để tránh những tác hại của corticoid, bác sĩ Lan khuyến cáo, bệnh nhân cần được thăm khám và phải dùng thuốc đúng chỉ định và theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa. Thuốc dùng lâu dài phải được bác sĩ theo sát để điều chỉnh liều phù hợp giai đoạn bệnh, kèm có biện pháp xử trí kịp thời nếu có tác dụng phụ xảy ra. Không nên uống thuốc đông y dạng viên tễ, các loại thuốc không rõ thành phần.
Lê Phương
* Tên nhân vật đã được thay đổi