Du nhập vào Việt Nam từ những năm 1950, Bolero lập tức được ưa chuộng và thịnh hành cho đến ngày nay. Có một thời gian dài, Bolero từng bị “thất sủng” khi nhạc thị trường, nhạc Hàn Quốc, US-UK... phát triển nổi trội hơn. Tuy nhiên gần đây, Bolero đang trở lại và trở thành một trong những dòng nhạc được khá nhiều bạn trẻ quan tâm. Tuy nhiên cái gì cũng thế, càng được yêu thích sẽ càng gây ra nhiều tranh cãi. Rõ ràng, thích Bolero chẳng có gì sai, cũng chẳng thụt lùi cả một thế hệ được. Nhưng nói đi cũng phải nói lại, yêu thích không có nghĩa là lạm dụng.
“Mình thích thì mình nghe thôi”
Gần đây, có nhiều tranh cãi xoay quanh việc nam ca sĩ tùng dương có những phát biểu về giới trẻ và Bolero. Cụ thể, Tùng Dương cho biết, Bolero chỉ mang tính hoài niệm, không mang tính chất sáng tạo, phát triển nền âm nhạc. Già trẻ, lớn bé mà đều đắm đuối với Bolero thì đúng là một sự thụt lùi. Nhưng nghĩ đơn giản hơn một chút, Bolero chỉ là một dòng nhạc. Mà việc người ta “mê” một dòng nhạc thì có gì phải nhận định nghiêm trọng đến thế.
Jang Mi từng khiến cộng đồng mạng dậy sóng bởi những video cover nhạc Bolero |
Người trẻ ngày nay có vô số vấn đề mà họ quan tâm và yêu thích. Bolero cũng chỉ là một trong số đó. Và đâu phải thích Bolero thì sẽ bỏ qua những dòng nhạc khác. Không khó để nhận thấy ở thời điểm hiện tại, nhạc EDM đang rất được ưa chuộng. Nhìn vào các bảng xếp hạng âm nhạc của Việt Nam, nhạc Pop, Dance, EDM mới là những nhân tố thống trị. Bởi đơn giản, giới trẻ nghe Bolero chỉ là một sở thích, nó hoàn toàn không ảnh hưởng tới xu hướng của cả một bộ phận.
Mặt khác, xét về khía cạnh nghệ thuật, âm nhạc không có tội. Việc giới trẻ thích nghe nhạc xưa lại càng không sai chút nào. Như nhạc sĩ Tuấn Khanh đã phát biểu gần đây: “Âm nhạc hoàn toàn không đáng để đem ra mổ xẻ như độc dược. Ngày nào công chúng còn công nhận thì nó vẫn còn tồn tại”. Nghe nhạc xưa không có nghĩa là tâm hồn sẽ già cỗi. Mà đơn giản chỉ là “mình thích thì mình nghe” thôi!
(adsbygoogle = window.adsbygoogle || []).push({});Yêu thích không có nghĩa là lạm dụng
Không thể phủ nhận, Bolero đã trở lại rất mạnh mẽ và có chỗ đứng nhất định trong lòng các bạn trẻ Việt Nam. Nhưng yêu thích không có nghĩa là lạm dụng.
Không ít bản cover Bolero đã ra đời và tràn lan trên mạng xã hội. Cover vì yêu thích là chuyện bình thường. Tuy nhiên nhiều người sẵn sàng đi thử sức với các cuộc thi Bolero trong khi không thể hát đúng dù là một nốt nhạc thì chắc chắn là bất thường.
Tài Smile nhanh chóng nổi tiếng khi làm mới các các khúc nhạc trẻ theo phong cách Bolero |
Cách đây không lâu, cộng đồng mạng còn “phát cuồng” vì cái tên Tài Smile. Anh chàng nổi tiếng rầm rộ vì làm mới bản hit “Phía sau một cô gái” của Soobin Hoàng Sơn thành một ca khúc theo phong cách Bolero. Tài Smile nhanh chóng trở thành trò vui cho cư dân mạng. Tốc độ lan truyền của MV tự chế này còn vượt xa cả nghệ sĩ nổi tiếng khi chỉ trong vài ngày lượt người xem video này đã lên đến 3 triệu. Trong phút chốc, Bolero biến thành công cụ để nổi tiếng. Và đương nhiên, những người yêu mến Bolero sẽ không coi đây là trò vui. Nói nặng nề hơn thì cảm thấy bị xúc phạm.
Những người trẻ bây giờ có thừa sự sáng tạo để làm ra những cái mới. Họ sẽ chẳng “thụt lùi” về tư tưởng vì nghe nhạc bolero đâu. Vì thế, cứ yêu Bolero đi, chẳng sao cả. Nhưng, hãy giữ nguyên bản cái chất của nó, đừng biến nó trở nên xấu xí trong mắt những thế hệ tiếp theo!